Việc bảo quản trong tủ lạnh sẽ khiến cho rau thơm nhanh héo và không còn giữ được độ tươi cần thiết.
- Những thực phẩm được liệt kê vào ‘danh sách đen’ gây nên bệnh ung thư
- Trứng rất tốt, nhưng 4 người này nếu ăn nhiều sẽ rước họa vào thân
Theo thói quen của rất nhiều bà nội trợ Việt, hầu như các loại thực phẩm dùng chưa hết/chưa cần dùng đến đều bảo quản trong tủ lạnh. Thế nhưng trên thực tế không phải loại nào bảo quản trong tủ lạnh cũng tốt.
Mật ong
Mật ong là nguyên liệu rất quen thuộc, hầu như có trong bếp mỗi nhà, dùng để chế biến các món ăn hoặc dùng để làm đẹp, trị ho cho người già và trẻ em. Tuy nhiên, việc bảo quản trong tủ lạnh sẽ khiến cho mật ong bị đông lại (kết tinh) khiến cho việc sử dụng trở nên khó khăn hơn và khó kiểm chứng thật/giả.
Nhiệt độ phòng rất thích hợp để bảo quản mật ong.
Chuối
Thông thường, ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ từ 4 đến 8 độ C. Với mức nhiệt độ này, chuối rất dễ bị thâm đen, biến chất, thậm chí đông cứng và hư thối. Việc để chuối trong tủ lạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dưỡng chất và mùi vị của chuối.
Để bảo quản chuối dễ hơn, lúc mua hãy chọn quả vừa chín tới, cuống còn xanh, không có vết thâm và bảo quản chuối ở nơi thoáng khí với nhiệt độ phòng khoảng 25 độ C.
Các loại rau thơm
Rau thơm thường được dùng để trang trí món ăn cho đẹp mắt và tăng thêm hương vị nhưng thường dễ bị dư.
Các loại rau thơm (đặc biệt là húng quế, ngò thơm…) là các loại rau không ưa lạnh. Việc bảo quản trong tủ lạnh sẽ khiến cho rau thơm nhanh héo và không còn giữ được độ tươi cần thiết. Không những thế, các loại rau thơm thường có tính chất hấp thụ các mùi xung quanh khiến chúng không còn mùi vị như lúc ban đầu.
Bánh mì
Nhiệt độ trong tủ lạnh khá thấp sẽ làm cho bề mặt của bánh mì bị khô (đặc biệt đối với bánh mì sandwich). Nếu để trong thời gian quá lâu, bánh mì sẽ hút không khí trong tủ lạnh và khiến cho chúng bị ỉu, thay đổi mùi vị hoặc sẽ bị khô, cứng lại.
Để bánh mì được lâu và vẫn giữ được độ ngon, hãy bảo quản trong nhiệt độ phòng. Nên dùng một chiếc túi (có lỗ thoát khí) để chứa bánh mì, như vậy bánh sẽ ngon hơn và vẫn giữ được lâu, thay vì bỏ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là nên mua vừa đủ sử dụng trong 1 lần, vừa tiết kiệm lại khá an toàn.
Mắm
Chưa kể đến việc lợi hay độc, hãy thử tưởng tượng bạn sẽ như thế nào nếu tất cả những thứ bạn chứa trong tủ lạnh đều nghe mùi mắm???
Nếu để ý, bạn sẽ thấy ở mỗi nhãn của nước mắm đóng chai bán trên thị trường hầu như đều có dòng chữ: “Bảo quản ở nơi thoáng mát””. Nơi thoáng mát – có nghĩa là không quá nóng (như dưới ánh nắng mặt trời chẳng hạn) và cũng không quá lạnh (ví dụ như nhiệt độ trong tủ lạnh).
Nếu bảo quản mắm trong tủ lạnh sẽ làm cho nước mắm bị kết tinh muối lắng xuống đáy chai. Từ đó làm cho phần nước mắm ở trên thiếu muối dẫn tới đạm bị phân hủy làm nước mắm hỏng.
Tốt nhất là nên bảo quản nước mắm ở nhiệt độ phòng, khu vực không quá gần bếp nấu để tránh nhiệt độ cao.
Tủ lạnh thường được dùng để chứa thực phẩm, thế nhưng điều đó không có nghĩa rằng loại thực phẩm nào cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh. Còn khá nhiều loại thực phẩm khác nếu bảo quản trong tủ lạnh sẽ gây hại đến sức khỏe người dùng cũng như “tuổi thọ” của chiếc tủ lạnh. Hãy cẩn trọng nhé!
QP