Ăn ‘Sướng’, ăn ‘Nhàn’ ở con ngõ thường gây nhầm lẫn giữa phố cổ

Ngõ Trung Yên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dài chỉ chừng 200 m, nằm luồn lách nối hai con phố rất nhỏ, nhà cửa chen chúc, thế mà đủ cả phở Sướng, ngan Nhàn… 

Hà Nội chứa trong lòng bao điều bí mật và bất ngờ, với những con ngõ đầy ắp đồ ăn ngon hút hồn những tín đồ ẩm thực. Nào ngõ Đồng Xuân với cơm đầu ghế, ngõ Tạm Thương với rượu rắn gia truyền, ngõ Tràng Tiền dập dìu cổ cồn trắng, ngõ Cấm Chỉ ăn uống bát ngát ngày đêm, ngõ Ấu Triệu nem chua nướng “ướp” bằng tiếng chuông giáo đường…

Nhưng đâu đã hết, hãy còn một con ngõ nổi tiếng hơn tất cả, mà cũng dễ nhầm lẫn hơn tất cả: ngõ Trung Yên. Bởi khi nghe đến địa danh Trung Yên, người ta rất dễ nhầm với khu Trung Yên của vùng Cầu Giấy, chứ không nghĩ đấy lại là một địa danh cổ xưa Kẻ Chợ, nhất là với những người không phải dân phố Hàng.

Ngõ Trung Yên bắt đầu từ phía phố Đinh Liệt.
Ngõ Trung Yên bắt đầu từ phía phố Đinh Liệt.

Ngõ Trung Yên chỉ dài tầm 200 m, một đầu từ phố Đinh Liệt, một đầu trổ ra chợ Hàng Bè cũ nằm trên phố Gia Ngư. Khu này trước đây vốn là một cái hồ có tên là Thái Cực thông với hồ Gươm, thuộc thôn Trung Yên, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu, hồ nước thành phố phường, chỉ để lại những dấu chỉ liên quan đến hồ như Cầu Gỗ, Hàng Bè, Gia Ngư… và con ngõ Trung Yên mà thôi. Nhưng thế mới là lẽ biến hóa của Thái Cực, từ nhị nguyên mà biến đổi đến vô cùng.

Nằm trong vùng lõi của khu phố cổ, lại kết nối với một cái chợ ăn uống sành sỏi nhất Hà thành là Hàng Bè, cũng chẳng khó hiểu khi tại sao con ngõ Trung Yên lại nổi tiếng vì những món ăn, những quán ăn đã thành thương hiệu, khắc trong “bia miệng” và “bia mạng xã hội”. Mười mấy hàng ăn chen chúc trong con ngõ nhỏ, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, đông đúc, náo nhiệt và đầy cọ xát. Quán ăn chen quán ăn, lưng người cọ lưng người, tiếng gọi đồ hòa lẫn tiếng gọi đồ, shipper đồ ăn nhanh cạnh tranh giao hàng công nghệ…

Chẳng thiếu thức gì trong con ngõ ấy, đồ ướt, đồ khô, đồ chín, đồ tái, đồ ăn chơi, đồ ăn no… thôi thì đủ cả. Mỳ vằn thắn Trung Hoa, bún bò Nam Bộ, hủ tíu miền Tây, phở bò, phở gà, miến ngan, miến mực, bún cá, bún đậu giả cầy, trà sữa Nhật Đài, trà đá, thuốc lá lẻ… cùng tụ hội.

Thế nên ngõ đã nhỏ hẹp lại càng trở nên chật chội, nhất là vào khung giờ cao điểm ăn uống trưa chiều, bởi danh tiếng của những quán ăn trong ngõ. Nếu đi từ đầu Đinh Liệt vào, khách sẽ gặp ngay quán phở Sướng của ông Sướng, cũng như phở Vui của ông Vui ở phố Hàng Giày cách đó không xa.

Ngan Nhàn lúc nào cũng đông.
Ngan Nhàn lúc nào cũng đông.

Phở Sướng nổi tiếng vì cái tên nghe sao mà sướng thế, nhất là khi được ngồi chĩnh chện trong lòng quán nhỏ như mắt muỗi mà chén bát phở tái gầu, mặc kệ bao kẻ xếp hàng đợi đến lượt. Phở Sướng không phải ngon đệ nhất nhưng cũng thuộc danh phở, đến nỗi thiếu chút nữa bị một đại gia tơ lụa, ẩm thực cướp thương hiệu.

Qua phở Sướng, nếu không thích bún đậu giả cầy thì sẽ đến ngan Nhàn. Đây là quán ngan nổi tiếng nhất nhì Hà Nội. Thứ nhất là bởi ngan của Nhàn ngon, thường được cánh sành ăn khen ngợi. Thứ hai vì Nhàn đanh đá, khiến cho cái câu chuyện Nhàn chửi khách làm dậy sóng mạng xã hội hay truyền thông không biết bao lần.

Cái chuyện mắng chửi khách là bản tính, là chiêu trò hay thêu dệt thì cứ kệ đi. Nhưng cho dù có bị hô hào tẩy chay nhiều lần, ngan Nhàn vẫn cứ đông nghìn nghịt, bởi ngan Nhàn ngon quá, đành nhẫn nhịn chịu đựng, chịu mắng để được ăn. Dân ta vốn nhẫn nhịn với miếng ăn, dù vẫn dạy nhau “miếng ăn là miếng… nhục”.

Kế ngay ngan Nhàn là quán bún cá Sâm cây si. Bà Sâm hồi xưa bán bún cá ở gốc cây si chợ Hàng Bè. Chợ tan, quán vỡ nên di chuyển vào đây, vẫn giữ cái thương hiệu đã ăn chết trong lòng khách quen là Bún cá Sâm cây si. Thôi thì đọc nhanh là “Bún cá Sân Si” cho thuận miệng.

Bún cá ở đây khác với những nơi khác là dùng cá rô chiên giòn để làm nhân, thay vì dùng cá quả. Bún cá với nước chua chua nhờ cà chua và dứa, cá rô rán giòn và rau cải xanh tạo nên thứ bún độc đáo, không giống canh bánh đa cá rô cũng chẳng giống bún cá thường. Ngoài ra món fillet cá cuốn thịt băm, mộc nhĩ rồi tẩm bột rán cũng đem lại hương vị thú vị cho một món ăn chơi kết hợp giữa cá và thịt.

Điểm cuối của con ngõ phía chợ Hàng Bè.
Điểm cuối của con ngõ phía chợ Hàng Bè.

Quán bún cá “Sân Si” nằm ngay khúc cong, chuyển hướng của ngõ khiến khách bộ hành gợi lên nhiều suy nghĩ về Thất tình Lục dục của cuộc nhân sinh. Nếu đi từ đầu Gia Ngư lại, ta sẽ Bò (bún bò Nam Bộ) qua Sân si để đến Nhàn và Sướng. Sân si là giận dữ, ngu muội, nếu bỏ được Sân si thì con người sẽ Sướng và Nhàn. Hoặc theo chiều ngược lại, đã Sướng – Nhàn rồi mà vẫn Sân si thì lại phải Bò hết con ngõ cuộc đời để đến với dãy bán gà cúng, xôi cúng ngày rằm, ngày lễ chạp đầu Gia Ngư bên kia thôi. Chọn chiều nào là do mình cả mà.

Theo Parsley (ngoisao.net)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN