Vào thời kỳ rực rỡ của Đế quốc Ottoman (1299-1923), một vị Sultan có đến hàng trăm thê thiếp phục vụ. Các cô gái xuất thân từ đủ thành phần, từ quý tộc, thường dân cho đến nô lệ bị bắt trong chiến tranh.
- Chuyện thật như đùa: Đường bay quốc tế ngắn nhất thế giới chỉ dài 8 phút
- Để con nhỏ đi học bằng xe đưa đón của trường: tự lập hay thiếu an toàn?
Đời sống cung đình là đề tài luôn thu hút sự hiếu kỳ của công chúng. Ở châu Âu, những bộ phim truyền hình như “Thế kỷ tráng lệ“, “Đế chế Kösem” (Thổ Nhĩ Kỳ) thu hút nhiều khán giả, đặc biệt phái nữ, bởi thế giới huyền bí và lộng lẫy của cung đình Ottoman thời xưa.
Khán giả châu Á từng một thời mê “Hoàn Châu cách cách” có thể hiểu được tâm trạng trên. Nhưng ai cũng biết đời thực luôn khác với phim ảnh, lắm khi chẳng lãng mạn mà lại còn… đau khổ.
Theo ấn phẩm “Bí mật hậu cung và triều đình Istanbul” của tác giả Natalia Pavlisheva, từ “hậu cung” trong tiếng Ả Rập mang ý nghĩa “riêng tư, cấm lai vãng”. Trong hoàng cung, dinh thự… đây là khu vực cấm người lạ, luôn được canh phòng cẩn thận bởi lính gác và người hầu.
Sử liệu ghi lại vào thời kỳ đầu của Đế quốc Ottoman, phần lớn thê thiếp của Sultan là “chiến lợi phẩm” sau các trận giao tranh đẫm máu giành lãnh thổ. Trước khi được tuyển chọn vào hoàng cung, họ bị rao bán ngoài chợ nô lệ cùng với những người khác.
Do phạm vi chinh phạt của các quân đoàn Ottoman rất lớn, các cô gái bị bắt đến từ nhiều vùng đất xa xôi khác nhau, từ Đông Âu, các hòn đảo Địa Trung Hải, vùng Baikal…
Ngoài ra, các chư hầu cũng đưa con gái ruột dâng cho Sultan để tỏ lòng trung thành, truyền thống này phổ biến ở vùng Kavkaz (khu vực địa lý nằm ở biên giới giữa châu Âu và châu Á).
Cho đến thế kỷ 16, các cô gái xuất thân từ Nga, Ukraine, Gruzia và Croatia (theo địa lý hiện đại) chiếm phần lớn trong hậu cung của Sultan.
Người nổi tiếng nhất có lẽ là Roxolana Hurrem – một cô gái Nga (có nguồn nói Ukraine) leo lên vị trí tột đỉnh là hoàng hậu của Suleiman Đại đế. Roxolana được xem người phụ nữ quyền lực và có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử Đế quốc Ottoman.
Tương tự các ông vua Trung Hoa, Sultan chọn thê thiếp cũng hết sức khắt khe. Điều kiện đầu tiên là cô gái phải còn trong trắng, tuổi không quá 12-14. Góa phụ, phụ nữ có chồng, phụ nữ hơi có tuổi… thuộc diện bị loại ngay từ vòng đầu.
Tiếp theo là ngoại hình và sức khỏe, vì suy cho cùng, các cô gái gánh một nhiệm vụ quan trọng là duy trì dòng dõi hoàng tộc. Eo thon, hông rộng, nước da hồng hào, không nhiều lông… là những đặc điểm được đánh giá cao.
Không hiếm trường hợp các gia đình vì nghèo mà phải bán con cho vua khi chúng mới lên 5-7 tuổi. Và một khi đã nhận tiền, họ phải cam kết bằng văn bản là không còn quyền gì với đứa con gái.
Thông thường, trước khi vào cung, các bé gái được học hành chu đáo để trở thành một quý tộc đúng nghĩa. Các môn học bao gồm tiếng Ả Rập, truyền thống Hồi giáo, âm nhạc, ca múa… và tất nhiên là cả nghệ thuật phòng the.
Người ra quyết định trong tất cả quy trình tuyển chọn khắt khe là hoàng thái hậu – nhân vật quyền lực chỉ đứng sau Sultan.
Khác với tưởng tượng của nhiều người nước ngoài, hậu cung của Sultan không chứa đến vài ngàn mỹ nữ, vào những lúc đông nhất số lượng chỉ trên 200. Dù vậy, phần lớn các cô gái không bao giờ được nhìn thấy vua vì… sức ông có hạn.
Sau 9 năm chôn vùi tuổi xuân trong hậu cung, một số cô gái may mắn sẽ được trả tự do nếu Sultan đồng ý.
Trong trường hợp này, họ không chỉ được hoàng gia tặng quà, mua cho nhà cửa sang trọng mà thậm chí còn được tìm cho tấm chồng mới.
Nhưng trước khi đến lúc đó, đa phần các thiếu nữ phải chịu đựng cuộc sống buồn tẻ trong cung cấm. Giai thoại về những cuộc tình vụng trộm giữa các cô gái đang tuổi xuân sắc nhưng thiếu thốn không phải là hiếm.
Ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, hậu cung không còn nữa, nó đã biến mất vào đầu thế kỷ 20 cùng với ngày tàn của Đế chế Ottoman và sự ra đời của Bộ luật dân sự 1926. Đa thê chỉ còn tồn tại trong cộng đồng người Kurd vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở thành phố Istanbul, trên nền tích của cung cấm ngày xưa bây giờ là bảo tàng cho khách thập phương tham quan.
Một số tranh minh họa cảnh sinh hoạt trong triều đình Ottoman ngày xưa với nguồn ảnh của Homsk
Theo PHÚC LONG (tuoitre.vn)