Lê Cát Trọng Lý: Người đem đến những cảm giác rất lạ

Cũng lâu rồi Lê Cát Trọng Lý mới trở lại Sài Gòn hát, với hai đêm Miền không tên hôm 18-19/6 vừa rồi, tại một địa chỉ khiêm nhường ở quận 3, chứa chừng 50 người nghe mỗi đêm. Lý hát 15 bài, kết bằng bài Chênh vênh được hòa âm theo thể cách hơi khác trước đây. “Chênh vênh” có lẽ cũng là trạng huống (nhìn theo hướng tích cực) miêu tả khá đúng hành trình âm nhạc mà Lý tự chọn, nơi đường đi, dù hẹp lối, nhưng khá thênh thang.

Nhìn lại ít nhất 10 năm qua, khi Lý bắt đầu hát ở những không gian chỉ vài chục người nghe, rồi các chuyến lưu diễn quy mô, các lễ hội âm nhạc uy tín tại châu Âu, các giải thưởng gặt hái được, các cơ hội tràn đầy, cứ tưởng Lý sẽ thay đổi mình để trở nên đại chúng hơn, giải trí hơn. Nhưng có lẽ không phải, Lý vẫn vậy, dù có thâm trầm hơn, nhưng hai đêm Miền không tên vẫn phảng phất hình ảnh cô sinh viên nhỏ nhắn, nhẹ nhàng thời còn ở Đà Nẵng cùng bạn bè hát vui hè phố, thỉnh thoảng ghé quán Nếp của chị gái hát vài bài. Cũng là Lý từ thuở 13-14 tuổi ôm đàn hát vu vơ lời thơ của chính mình cho bạn bè của ba mẹ nghe.

Lê Cát Trọng Lý: Người đem đến những cảm giác rất lạChọn một lối đi như vậy chắc chắn là chênh vênh, vì thị trường âm nhạc tại Việt Nam tuy yếu ớt nhiều khía cạnh, nhưng không thiếu những hào nhoáng và cám dỗ, dễ khiến người ta thay đổi. Rồi cái danh, cái lợi cũng tác động ghê gớm lắm, tránh đã khó, huống chi nói đến chuyện từ chối. Hồi tháng 4/2015, tình cờ gặp lại ở Hà Nội (cô đã sống ở đây mấy năm, với một căn nhà thuê ở xa xa nội thành), Lý tâm sự vẫn chỉ đi hát cho đủ sống qua ngày, mà nhu yếu của Lý cũng thanh cảnh lắm, nên không tốn nhiều tiền. Phần lớn thời gian là dành cho im lặng, và viết nhạc, khi có tứ. Lý cũng chia sẻ rằng bản thân đang đọc tới đọc lui cuốn Cuộc cách mạng một – cọng – rơm, do vị lão nông Mansanobu Fukuoka – được mệnh danh là người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản – chấp bút.

Nhật Bản vốn có nền nông nghiệp tiên tiến, xanh sạch bậc nhất của nhân loại, vậy mà lão nông Mansanobu Fukuoka còn chê, nên đã dành suốt đời mình để tiến cử một nền nông nghiệp mới, mà thật ra từ nguyên thủy đã từng. Lời giới thiệu, có đoạn: “Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ”. Lý chọn sách phi hư cấu này để ngẫm ngợi, thay vì những sách hư cấu phiêu bồng khác, có lẽ cũng là một chọn lựa chênh vênh; trong ca khúc Hương lạc, Lý viết: “Em sinh ra lạc thời/ Em đi hoang lạc đàn”.

Hồi 22/3/2015, Lý có trở về Sài Gòn, không phải để biểu diễn, mà để hát cùng 1.000 bạn trẻ khiếm khuyết trong Green Hour hát ủng hộ Giờ Trái đất. Nhìn Lý ngồi lọt thỏm giữa mọi người, cùng mọi người cất lên ca khúc Nhiều người ôm giấc mơ, thấy chẳng có gì mà phải dùng đến tâm phân biệt. Lời ca có những câu như: “Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang/ Vài người ôm giấc mơ bình yên/ Em cần an trú/ Em cần yêu thương./…/. Thời thì ai cũng xem mình hay/ Và thì em cũng xem mình hơn/ Khi lòng tan nát, trăm lời vô nghĩa/ Ừ xem chúng ta hơn thua được chi”.

Lý thật sự trở lại Sài Gòn để biểu diễn là hồi tháng 1/2015 ở dự án Standpoint Theories – Câu chuyện Việt Nam tại Cargo Bar, quận 4, một phong cách world music. Cây bút chuyên âm nhạc Nguyên Minh đánh giá 4 suất diễn này như sau: “Từ trước đến nay, Lê Cát Trọng Lý luôn là người đem đến những cảm giác rất lạ. Khi những sáng tạo trong âm nhạc của cô bắt đầu có thị trường thì Lý đột nhiên biến mất. Cô thu mình vào thế giới riêng, để tái tạo năng lượng. […]. Lý cởi bỏ chiếc áo dân gian đương đại, bỏ luôn vai trò là linh hồn của một đêm nhạc để góp mình vào một tổng thể lớn hơn. Ở đó, giọng hát của Lý trở thành một nhạc cụ, hòa mình vào chất world music biến ảo và Lý đã cho thấy khả năng âm nhạc của mình đã lên một tầm cao mới”.

Lê Cát Trọng Lý: Người đem đến những cảm giác rất lạ

Lý lấy cảm hứng từ 6 truyện cổ tích Việt Nam: Lạc Long Quân & Âu Cơ, Sơn Tinh & Thủy Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử & Tiên Dung, Công chúa Liễu Hạnh, Bà chúa Xứ để làm nên những tác phẩm có vẻ “không giống mình” này. Những người nghe quen hình dung Lý ở một khía cạnh quen thuộc thì sẽ cảm thấy xa lạ với diện mạo ấy. Tuy nhiên, nếu chịu khó đi vào lõi, thì vẫn là Lý của những ẩn dụ thi vị, của những gởi gắm với triết lý nhẹ nhàng. Mà vì vậy, càng trở nên chênh vênh hơn, vì có vẻ những tác giả cùng trang lứa với Lý thường thích “có gì nói nấy người ơi”, nên nhạc nghe xong là xong.

Ngoài tây ban cầm, có vẻ Lý thích vĩ cầm (violin), đề cầm (viola), trung hồ cầm (cello) và dương cầm, sự phối kết của các nhạc cụ này đã tạo ra không gian âm nhạc vừa vui chơi lãng đãng, vừa đủ sức diễn đạt những ẩn dụ thi vị, bay bổng. Hai đêm Miền không tên, ngoài tiếng dương cầm của Vũ Đặng Quốc Việt (người “cũ”), Lý còn mời được hai vĩ cầm Lê Tuấn Anh, Nguyễn Vân Hạnh, đề cầm Hồ Việt Khoa, trung hồ cầm Nguyễn Thanh Tú, sáo Sương Mai – họ quả là những người “đồng thanh tương khí”, hòa điệp như chơi. Nhìn vào ban nhạc này có vẻ cũng là một sự chênh vênh, vì với một ca sĩ bình thường, hát chung với các nhạc cụ này cũng mệt mỏi, vì tốn nhiều thơi gian để tập luyện.

Lý cũng từng cùng họ chơi trong một nhà thờ Thiên Chúa giáo tại miền Bắc, tất cả được ghi hình rồi phát lần lượt trên YouTube. Lý tâm sự: “Tại sao nhiều tài năng bậc thầy của nhân loại còn bỏ nhiều bài miễn phí trên mạng cho mọi người cùng nghe, mình có gì đâu mà hà tiện, nên cứ chia sẻ. Với lại không gian ở nhà thờ khá tôn nghiêm và riêng tư, hôm hát ở đó khó rủ đông người đến, nay bỏ lên mạng cũng là một cách để cảm ơn người nghe”. Suy nghĩ như vầy có chênh vênh không?

Thôi thì, Lý cứ chênh vênh vậy đi.

Hiền Hòa (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN