Đến tuổi dậy thì, nhiều trẻ bỗng xuất hiện hố sâu trên ngực trông như “miệng núi lửa”, kèm với đó là thể lực giảm sút. Đây là bệnh lõm ngực bẩm sinh, cần can thiệp sớm.
Do tự ti về hình thể, nhiều em che giấu khiếm khuyết cho đến khi khó thở mới phát hiện bệnh…
Không biết bệnh!
Đưa con là Đ.H.T. (17 tuổi) từ Quảng Nam ra Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật, anh Tuấn nói vết lõm trên ngực con xuất hiện đã lâu nhưng mãi tới gần đây cả nhà mới biết. Nguyên nhân là vì T. luôn mặc áo khi xuất hiện trước mọi người.
“Hồi nhỏ nó mập nên tôi không thấy vết lõm này. Đến khi lớn chút nữa thì không bao giờ thấy con cởi trần. Mãi đến gần đây, con tôi về nhà than phiền việc tức ngực thường xuyên khi chạy nhảy mới phát hiện bệnh lõm ngực bẩm sinh” – anh Tuấn nói.
T. được gia đình đưa đến phòng khám để tìm lý do thể lực giảm sút, khả năng vận động hạn chế. Các bác sĩ mới phát hiện ra vì khung xương ngực bị biến dạng theo hướng thu hẹp, chèn ép lên tim, phổi do các sụn xương sườn phát triển quá mức đẩy xương ức lõm vào trong.
Anh Tuấn không phải là trường hợp phụ huynh duy nhất “mù” thông tin con mang bệnh. Nhiều trường hợp phụ huynh có con chờ can thiệp tại khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng cũng chỉ mới hay biết tình trạng bệnh của con trong thời gian gần đây vì người mang bệnh tự ti về hình thể nên “giấu bệnh”.
Là căn bệnh bẩm sinh nhưng N.N.A.K. cũng chỉ mới biết mình mang bệnh khi đã 19 tuổi. K. nói em thấy mình bị lõm ngực nhưng không đi thăm khám vì gia đình cho rằng do em đi khom lưng về phía trước nên ngực mới có hố sâu. Quan sát bằng mắt thường, “miệng hố” trên ngực K. có độ lõm gần 5cm so với lồng ngực.
“Em thở rất khó và rất ít vận động. Vừa rồi ở môn thể dục, giảng viên cũng cho em học lại. Khi trao đổi, thầy thấy ngực em sâu như miệng núi lửa mới chỉ em vào đây khám”- K. than thở.
Đặc biệt, nhiều trường hợp nữ mang bệnh cũng… không biết bệnh do mô tuyến vú che lấp khiếm khuyết. Chỉ đến khi đi khám sức khỏe các bác sĩ mới tình cờ phát hiện.
Phát hiện sớm, điều trị sớm
Theo bác sĩ Thân Trọng Vũ, tỉ lệ bệnh lõm ngực bẩm sinh trong dân số chiếm khoảng 1/400, trong đó tỉ lệ mang bệnh ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Mặc dù kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn chữa trị bệnh này đã được triển khai lần đầu ở miền Trung cách đây 10 năm tại Bệnh viện Đà Nẵng nhưng theo bác sĩ Vũ, thời gian gần đây độ tuổi đến khám lần đầu ở mức trung bình cao so với trước đây.
“Bệnh lõm ngực bẩm sinh có thể mổ ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên độ tuổi tốt nhất là trước và trong khi dậy thì. Bởi khi ấy sụn sườn còn mềm nên dễ nâng lên. Hơn nữa, việc can thiệp sớm còn giúp trẻ thoát khỏi ám ảnh về giao tiếp cũng như vấn đề thể lực” – bác sĩ Vũ nói.
Đã có nhiều trường hợp ngực bị lõm sâu cách cột sống vài centimet chèn ép lên tim, phổi gây ảnh hưởng đến chức năng của hai cơ quan này. Từ đó gây hồi hộp, đau vùng ngực khiến người mang bệnh sức khỏe giảm sút. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân đến điều trị tại khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng khi đã trầm cảm nặng do mất tự tin về thể hình, ngại giao tiếp và khép mình với xung quanh.
Theo bác sĩ Vũ, hiện nay đối với loại bệnh này hầu hết các bệnh viện đều chọn kỹ thuật can thiệp tối thiểu (NUSS – phương pháp mổ ít xâm lấn, đảm bảo thẩm mỹ) với thời gian điều trị khoảng 10 ngày. Sau khi can thiệp, người bệnh sẽ được “đặt thanh” để “nống” lồng ngực khoảng 3 năm trước khi tiến hành thêm một số tiểu phẫu.
Đã can thiệp hơn 500 trường hợp
Theo bác sĩ Thân Trọng Vũ, qua 10 năm triển khai phẫu thuật lõm lồng ngực, khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng đã điều trị cho hơn 500 bệnh nhân. “Dù hiện nay thông tin bệnh rất phổ biến nhưng nhiều trường hợp phụ huynh không để ý, còn con trẻ thì ở độ tuổi dậy thì nên không có sự trao đổi với cha mẹ về tình trạng bệnh. Cần can thiệp sớm để hiệu quả điều trị cao vì ở độ tuổi dậy thì hố lõm phát triển rất nhanh”- bác sĩ Vũ khuyến cáo. |
Theo tuoitre.vn