Nhiều chung cư cũ ở TP.HCM có độ tuổi từ 40 đến 60 năm đang xuống cấp trầm trọng; không đáp ứng yêu cầu về PCCC; có nguy cơ gây thương vong cao cho cư dân khi xảy ra hỏa hoạn.
- Người hâm mộ bàng hoàng vụ cháy xưởng phim hoạt hình nổi tiếng làm 33 người chết ở Nhật
- Mỹ yêu cầu FBI điều tra trò FaceApp thống trị Facebook ở Việt Nam
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đa phần các căn hộ tại chung cư Trúc Giang (P.13, Q.4) đã xuống cấp trầm trọng. Chung cư Trúc Giang được xây dựng từ trước năm 1975, gồm 5 tầng, 123 căn hộ với hàng trăm người sinh sống. Chung cư này có kết quả kiểm định cấp D (thuộc diện nguy hiểm, cần di dời – PV). Phần tường bị nứt nẻ tại các căn hộ được người dân chắp vá bằng xi măng; khu vực cầu thang cũng xuống cấp; không có hệ thống báo cháy… Các hộ dân sinh sống tại đây muốn được di dời sớm nhưng còn vướng mắc nhiều vấn đề về đền bù cũng như chính sách tái định cư.
Theo ông Đặng Minh Nguyên, Chánh văn phòng UBND Q.Bình Thạnh, cư xá Thanh Đa qua gần 50 năm sử dụng nên đã xuống cấp trầm trọng về kết cấu. Nhiều hộ dân trong quá trình ở đã tự ý cải tạo, cơi nới thêm. “Hệ thống PCCC tại cư xá này từ xưa giờ vẫn vậy nên không đảm bảo an toàn PCCC và rất nguy hiểm khi có cháy nổ xảy ra. Hiện tại khu cư xá Thanh Đa đã có kế hoạch đập bỏ, xây mới trong thời gian tới”, ông Nguyên cho hay.
Ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho hay qua các cuộc giám sát về tình hình an toàn, PCCC mà HĐND TP.HCM tổ chức cho thấy hầu hết chung cư cũ ở TP.HCM đều không đảm bảo điều kiện PCCC nếu so với luật PCCC. Các chung cư này quá cũ nên không có hệ thống chữa cháy, vòi nước tự động. Do vậy, khi xảy ra cháy, người dân ở các chung cư cũ chủ yếu sử dụng các bình chữa cháy mini hoặc bình chữa cháy cá nhân…
Sau khi kiểm tra và giám sát, HĐND TP.HCM đã đề nghị các ban quản lý chung cư cũ nhanh chóng họp, tổ chức lại hệ thống PCCC; lưu ý người dân thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các nguồn điện, lối thoát nạn… Về trách nhiệm nhà nước, HĐND TP.HCM đã đề nghị Sở Xây dựng nhanh chóng rà soát hiện trạng các chung cư cũ để đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đối với những chung cư cũ được xếp loại nguy hiểm cấp độ D cần phải có phương án di dời.
Nhận định về nguy cơ cháy nổ ở các chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM, đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết các chung cư cũ được xây dựng trước khi luật PCCC ra đời đều không được thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn PCCC. Qua khảo sát, nhiều công trình không đảm bảo nguồn nước phục vụ xe chữa cháy; giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống PCCC không có hoặc xuống cấp nghiêm trọng; người dân tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang; rất nguy hiểm khi có cháy nổ xảy ra.
Báo động cháy bằng kẻng Chung cư P.Phước Long B (KP.1, P.Phước Long B, Q.9) được xây dựng khoảng năm 1997, hiện đã xuống cấp. Chung cư này có 5 tầng, hai block khoảng 60 căn hộ. Ngay dưới cầu thang lên xuống là nơi để xe máy, các hộ dân tại đây cơi nới thêm ra ngoài ban công để ở. Ở chung cư này không có hệ thống chuông báo cháy nên người dân tự trang bị kẻng để tại nơi giữ xe. Nếu có sự cố cháy nổ, người giữ xe sẽ có trách nhiệm đánh kẻng để người dân biết. Nhiều người dân biết chung cư cũ không đảm bảo an toàn PCCC nhưng vẫn chấp nhận ở vì “tiền đâu mua chung cư hiện đại”. Cụ thể, Chung cư 234 Phan Văn Trị (P.11, Q.Bình Thạnh) đưa vào hoạt động từ năm 1997, với khoảng 200 hộ dân đang sinh sống. Tại đây, từ lâu công tác an toàn PCCC vẫn là câu chuyện lo lắng hàng đầu của người dân vì các trang thiết bị, như: vòi nước, bình chữa cháy đều hư hỏng nghiêm trọng. Chung cư cũng không có hệ thống chuông báo cháy… |