Những thực phẩm chức năng chống ung thư tốt nhất

Một số loại thực phẩm chức năng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư hoặc hỗ trợ cơ thể trong quá trình điều trị ung thư. Những sản phẩm này có thể chứa chiết xuất thảo dược hoặc vitamin và khoáng chất. Có rất nhiều loại như vậy, do đó một số người có thể thấy khó khăn khi biết bắt đầu từ đâu.

Tuy nhiên, thuật ngữ thực phẩm chức năng chống ung thư có thể gây hiểu nhầm đôi chút. Một số thực phẩm chức năng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư hoặc hỗ trợ cơ thể trong quá trình điều trị ung thư, nhưng không có sản phẩm bổ sung nào có thể thay thế các liệu pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn.

suc khoeBất cứ ai đang cân nhắc việc dùng vitamin và thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị ung thư nên hỏi ý kiến bác sĩ trước, đặc biệt là một số có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc gây ra tác dụng phụ.

Dưới đây là một số thực phẩm chức năng có thể giúp ngăn ngừa ung thư hoặc hỗ trợ phục hồi trong quá trình điều trị ung thư, cũng như các nguy cơ và cân nhắc khi sử dụng.

Axit béo omega-3

Omega-3 là axit béo không bão hòa chuỗi đa có mặt tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm:

• Cá, như cá hồi, cá thu và cá ngừ

• Dầu thực vật, như các loại dầu từ hạt lanh, đậu tương và cải dầu

• Các loại hạt có vỏ cứng và hạt

Một số nghiên cứu gợi ý axit béo omega-3 có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư.

Ví dụ, một tổng kết năm 2015 đã tìm được bằng chứng cho thấy các đặc tính chống viêm của omega-3 có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú.

Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng năm 2019 đã tìm hiểu về những lợi ích sức khỏe của axit béo omega-3 ở 25.871 người.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người tham gia dùng thực phẩm chức năng omega-3 không giảm được nguy cơ ung thư so với những người dùng giả dược. Cũng không có mối liên quan giữa việc bổ sung omega-3 và giảm nguy cơ ung thư vú, đại trực tràng hoặc tuyến tiền liệt.

Các thực phẩm chức năng chứa axit béo omega-3 được bán rộng rãi ở các nhà thuốc với nhiều dạng khác nhau, bao gồm:

• Dầu gan tuyết

• Dầu cá

• Dầu krill

• Dầu tảo, có nguồn gốc từ tảo và phù hợp cho người ăn chay

Cũng có thể mua thực phẩm chức năng chứa omega-3 trên mạng.

Văn phòng Thực phẩm chức năng (ODS) khuyến nghị khẩu phần hàng ngày 1,1 – 1,6g axit béo omega-3 hàng ngày cho những người từ 14 tuổi trở lên. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung omega-3, vì nó có thể tương tác với một số loại thuốc.

Trà xanh

Trà xanh là một thức uống phổ biến rất giàu các hợp chất gọi là polyphenol, có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Các thực phẩm chức năng chứa chiết xuất từ ​​trà xanh và thành phần hoạt chất chính của nó, epigallocatechin-3-gallate (EGCG), có thể giúp chống lại ung thư.

Theo một tổng kết năm 2018, EGCG và chiết xuất trà xanh có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát ung thư, tái phát ung thư và khối u thứ phát từ ung thư.

Tuy nhiên, Trung tâm Quốc gia về Y tế Bổ sung và Tích hợp (NCCIH) của Mỹ cho biết các nghiên cứu về trà xanh và ung thư ở người cho đến nay đều kết quả chưa thống nhất.

Uống một hoặc nhiều tách trà xanh mỗi ngày là một cách đơn giản để tận hưởng lợi ích sức khỏe tiềm năng của nó.

Chiết xuất trà xanh cũng được bán ở dạng thực phẩm chức năng và nhiều sản phẩm có thể mua trên mạng. Tuy nhiên, một số người có thể thấy các chiết xuất này là quá đậm đặc.

Theo NCCIH, trà xanh có thể tương tác với nadolol, một thuốc điều trị huyết áp cao và các vấn đề về tim. Những người hiện đang dùng thuốc này nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm trà xanh.

Tỏi và hành tây

Tỏi và hành tây thuộc chi thực vật Allium.

Theo một tổng kết năm 2015, ăn nhiều những loại cây này có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, hiệu quả rất khó để các nhà nghiên cứu định lượng, và không rõ một người cần ăn những loại rau này với lượng bao nhiêu.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy chiết xuất tỏi ngăn chặn sự phát triển của một số loại tế bào ung thư trong ống nghiệm và trên chuột.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng một số nghiên cứu gợi ý chiết xuất tỏi có thể làm tăng hoạt động của một số loại thuốc hóa trị. Như vậy, bất cứ ai đang điều trị ung thư nên hỏi ý kiến với bác sĩ trước khi sử dụng chiết xuất tỏi.

Gừng

Gừng là một phương thuốc truyền thống cho các vấn đề tiêu hóa và cũng có thể giúp làm giảm các tác dụng phụ của buồn nôn và nôn mà hóa trị và xạ trị gây ra.

Đun sôi gừng làm trà uống hoặc ăn kẹo gừng tự nhiên suốt cả ngày có thể giúp giảm các tác dụng phụ này. Cũng có thể mua nhiều loại trà gừng ở các cửa hàng.

Thực phẩm chức năng thảo dược chứa chiết xuất gừng cũng được bán rộng rãi. Tuy nhiên, những chiết xuất này có thể quá đạm đặc đối với một số người.

Có lo ngại rằng gừng có thể tương tác với thuốc chống đông máu, vì vậy những người dùng các loại thuốc này nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi bổ sung thêm gừng vào chế độ ăn.

Nghệ

Củ nghệ là một loại gia vị màu cam, là thành phần phổ biến trong nhiều món ăn châu Á, chẳng hạn như cà ri. Củ nghệ có chứa một hợp chất gọi là curcumin, có cả đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.

Theo một tổng kết năm 2016, các nghiên cứu cho thấy chất curcumin có thể làm chậm sự phát triển của khối u và khiến các tế bào ung thư bị chết. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này là trong ống nghiệm và trên động vật, và các nhà khoa học cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn ở người để xác nhận kết quả này.

Cả củ nghệ và bột nghệ đều được bán phổ biến. Có thể thêm bột nghệ vào món cà ri, cơm, súp và các món ăn khác. Nghệ cũng được bán ở dạng trà và thực phẩm chức năng.

Có thể mua các loại sản phẩm nghệ và curcumin khác nhau, bao gồm:

• Nghệ nguyên củ

• Bột nghệ

• Trà nghệ

• Chế phẩm bổ sung curcumin

Vitamin D

Vitamin D rất cần thiết cho xương, răng và cơ bắp khỏe mạnh và cũng đóng một vai trò quan trọng trong chức năng của dây thần kinh và hệ miễn dịch.

Theo Viện Ung thư Quốc gia (NCI), nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng vitamin D có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Một số nghiên cứu ở người cho thấy khẩu phần vitamin D cao hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Tuy nhiên, kết quả cho đến nay vẫn chưa nhất quán và các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm.

ODS khuyến nghị khẩu phần hàng ngày là 600 đơn vị quốc tế (IU) hoặc 15mcg vitamin D cho hầu hết mọi người.

Nhiều người có thể nhận đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Cơ thể sản xuất vitamin D tự nhiên khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Vitamin D cũng có mặt trong một số loại thực phẩm, bao gồm:

• Cá có dầu, như cá hồi, cá thu, cá mòi và cá ngừ

• Thịt đỏ và gan

• Nấm

• Phô mai và lòng đỏ trứng

• Thực phẩm bổ sung vitamin D, như ngũ cốc ăn sáng, nước cam và sữa

Bổ sung vitamin D có bán ở hai dạng:

• Vitamin D2, hay ergocalciferol

• Vitamin D3, hay cholecalciferol

Cả hai dạng này đều làm tăng mức vitamin D trong cơ thể theo cách tương tự nhau.

Chất chống oxy hóa

Các chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do trong cơ thể, có thể giúp bảo vệ chống lại stress oxy hóa và tổn thương tế bào. Stress oxy hóa có thể đóng vai trò trong sự phát triển của ung thư và một số bệnh khác.

Tuy nhiên, NCI báo cáo rằng các thử nghiệm lâm sàng cho đến nay chưa cung cấp bằng chứng cho thấy việc bổ sung chất chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung chất chống oxy hóa có thể làm xấu đi kết quả trong quá trình điều trị ung thư, đặc biệt ở những người hút thuốc lá.

Các nghiên cứu khác trên chuột có khối u cũng thấy rằng chất chống oxy hóa có thể thúc đẩy sự phát triển và di căn của khối u, là khi ung thư lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

NCI khuyến nghị những người đang điều trị ung thư hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung chất chống oxy hóa.

Có rất nhiều loại thực phẩm chức năng chống oxy hóa được bán trên thị trường. Những ví dụ bao gồm:

• Vitamin A

• Vitamin C

• Vitamin E

• Beta carotene

• Lycopene

Rủi ro và cân nhắc

Trong khi các bác sĩ coi thực phẩm chức năng nói chung là an toàn, một số có thể gây ra tác dụng phụ hoặc tương tác với thuốc. Những người đang cân nhắc việc sử dụng thực phẩm chức năng nên hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu họ đang dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không quản lý thực phẩm chức năng nghiêm ngặt như với thuốc và không theo dõi chúng thường quy về chất lượng, sự nhất quán hoặc an toàn. Điều này có nghĩa là việc mua các sản phẩm này từ các nhà sản xuất có uy tín là rất quan trọng.

Tóm lược

Một số chiết xuất thảo dược và bổ sung vitamin có thể giúp giảm nguy cơ ung thư hoặc hỗ trợ cơ thể trong quá trình điều trị ung thư.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là bằng chứng khoa học cho nhiều chất bổ sung này bị hạn chế hoặc không nhất quán. Ngoài ra, bổ sung chế độ ăn uống không thể thay thế các liệu pháp ung thư tiêu chuẩn.

Mặc dù bổ sung chế độ ăn uống nói chung là an toàn, một số có thể gây ra tác dụng phụ hoặc tương tác với một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc ung thư. Do đó, nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung chế độ ăn uống, đặc biệt là những người đang điều trị ung thư.

FDA không quy định các chất bổ sung chế độ ăn uống giống như cách họ điều chỉnh thực phẩm và thuốc, vì vậy chất lượng và tính nhất quán của các chất bổ sung có thể khác nhau. Mọi người chỉ nên mua thực phẩm bổ sung từ các nhà sản xuất có uy tín.

Theo Cẩm Tú (Dân Trí)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN