Bên cạnh việc chơi trong nhà thì các không gian ngoài trời là cần thiết để giúp trẻ hít thở không khí trong lành, làm quen với môi trường tự nhiên, vận động cơ thể.
- Lớp học tiếng Anh yêu thương
- Trẻ mất tập trung khi học bài: Dưới đây là những cách cực hiệu quả để rèn luyện khả năng tập trung cho con
Vui chơi là một nhu cầu thiết yếu của trẻ em. Đặc biệt ở tuổi học mầm non (2-6 tuổi) thì hoạt động chủ yếu của trẻ là vui chơi. Lên các cấp học lớn hơn (tiểu học, trung học cơ sở) nhu cầu và thời gian dành cho vui chơi của trẻ có giảm nhưng hoạt động này vẫn là cần thiết. Chính vì vậy, chỗ chơi cho trẻ là một không gian vô cùng quan trọng ảnh hưởng lớn đến tính cách và sự phát triển tinh thần và thể chất cho trẻ.
Chỗ chơi – không gian quan trọng dành cho trẻ
Trẻ em chơi có nhiều cách thức khác nhau như chơi với đồ chơi (thường là trong nhà), chơi với các đạo cụ, thiết bị như cầu trượt, đu quay, bập bênh, xích đu… (thường là ngoài trời), chơi kiểu vừa chơi vừa học như các hoạt động âm nhạc, hội họa, thủ công tạo hình, và hoạt động thể dục thể thao… Mỗi kiểu chơi cần những không gian khác nhau, địa điểm khác nhau và công cụ khác nhau. Bên cạnh việc chơi trong nhà thì các không gian ngoài trời là cần thiết để giúp trẻ hít thở không khí trong lành, làm quen với môi trường tự nhiên, vận động cơ thể. Với trẻ nhỏ, việc chơi ngoài trời có ánh nắng còn giúp trẻ tránh bệnh còi xương.
Các không gian làm chỗ chơi cho trẻ quan trọng nhất là vấn đề an toàn, tiếp theo là môi trường sạch sẽ, trong lành, và cuối cùng là phù hợp, có những yếu tố tạo hứng khởi cho trẻ chơi đùa. Với không gian trong nhà, đồ đạc, đồ vật và sàn vận động của trẻ phải triệt tiêu những yếu tố mất an toàn như điện hay cao độ có thể gây ngã. Ở không gian chơi ngoài trời, nên có cây xanh, có bóng mát hay những chỗ trú, tránh nắng mưa và phải đảm bảo an toàn giao thông. Hoạt động chơi của trẻ cần được kết hợp hài hòa giữa chơi trong nhà và chơi ngoài trời, với những hoạt động khác nhau.
Chỗ chơi cho trẻ – Thực trạng và hy vọng
Ai cũng biết rằng chỗ chơi cho trẻ là rất quan trọng và ý nghĩa. Tuy nhiên thực tế thì lại hoàn toàn khác. Ở cả đô thị và nông thôn hiện nay, trẻ đều thiếu chỗ chơi, hoặc chỗ chơi không đảm bảo tiêu chuẩn. Thiếu sân chơi cho trẻ em trong các đô thị là vấn đề nhức nhối mà hàng chục năm qua người dân và các chuyên gia liên tục lên tiếng cảnh báo. Theo thống kê của Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, hiện tại, toàn thành phố có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó khu vực nội đô chỉ có 29 điểm. Với dân cư đông, mật độ xây dựng cao, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Cũng theo thống kê, diện tích các công viên và vườn hoa trung bình chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08m2/người (so với chỉ tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 là 2,43m2/người); thậm chí có những khu vực như quận Thanh Xuân con số này là 0%.Trước kia, các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thanh Xuân, Nghĩa Tân… đều có thiết kế sân chơi trẻ em; nhưng qua thời gian các sân chơi này bị chiếm dụng bởi những mục đích khác. Các khu đô thị mới đã và đang xây dựng cũng hầu như không dành quỹ đất để làm sân chơi cho trẻ, trong khi hệ số sử dụng đất lại rất cao đồng nghĩa với mật độ dân số cao. Trong các quận cũ của Hà Nội như quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm nhiều trường mầm non, trường tiểu học là “nhà phố” hoàn toàn không có sân trường hoặc sân trường quá nhỏ – cũng là sân chơi cho trẻ. Trẻ không có chỗ chơi là một thiệt thòi, hoặc phải chơi ở những chỗ thiếu an toàn như lòng đường, vỉa hè, bãi đỗ xe. Ở nông thôn, trẻ thiếu những chỗ chơi an toàn, lành mạnh; và một bộ phận không nhỏ các em chơi ở sông hồ, dẫn đến những tai nạn đuối nước như đã đề cập ở trên.
Vấn đề chỗ chơi cho trẻ là một vấn đề xã hội cần được quan tâm đúng mức chứ không chỉ là một khu chức năng có thì tốt mà không có không sao. Nó cần được đưa vào tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế không gian đô thị. Điều đó cần từ các thể chế pháp quy, các nhà đầu tư, các nhà quy hoạch và các chuyên gia thiết kế. Và điều cần thiết là phải làm cho các chủ đầu tư hiểu rằng, giá trị bất động sản bao gồm cả các yếu tố nhân văn vì cộng đồng như sân chơi trẻ em, chứ không phải là m2 diện tích nhà ở và trung tâm thương mại.
Hiện tại, vấn đề sân chơi trẻ em cũng đã được lưu tâm ít nhiều. Một số dự án đang triển khai ở Hà Nội đã tính đến sân chơi cho trẻ từ trên bản vẽ như khu đô thị Linh Đàm, Việt Hưng, Kim Văn – Kim Lũ, Golden Silk… Tuy nhiên, việc tiếp cận được tới các khu vui chơi này của trẻ em cũng không phải đơn giản. Tại khu đô thị mới Mỹ Đình, để vào được khu vui chơi cho trẻ em, chi phí vào cổng cho hai bố mẹ đi kèm mất khoảng 200.000 đồng, thêm vài trò chơi cho các bé mất thêm khoảng 100.000 đến 200.000 đồng nữa.
Trong bối cảnh chung sân chơi trẻ em còn là bức tranh nhiều màu xám; thì cũng có một chút gam màu tươi sáng. Đó là Bảo tàng dân tộc học ở Hà Nội, là điểm đến thú vị và là nơi học tập, vui chơi bổ ích đối với nhiều trẻ em, có nhiều hoạt động phong phú và đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi. Phố đi bộ bên Hồ Gươm khai trương năm 2016 cũng là một địa chỉ mà nhiều gia đình đưa trẻ nhỏ đến vui chơi và vãn cảnh cuối tuần.
Cùng với những không gian đáng quý đó, đã có những kiến trúc sư, những nhà tình nguyện, nhà hảo tâm góp sức cùng nhau để tạo dựng những sân chơi cho trẻ hoàn toàn miễn phí. Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự ở Văn phòng 1+1>2 nhiều năm qua đã thiết kế những sân chơi trẻ em ở Hội An và nhiều tỉnh thành với một triết lý thiết kế vì cộng đồng. Từ năm 2014, nhóm Think Playgrounds được thành lập ở Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án sân chơi ở Hà Nội và các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi… với tiêu chí phù hợp trẻ em, bền vững, thân thiện, sử dụng những vật liệu tái chế. Ngoài những sân chơi được tạo dựng mới thì nhóm cũng làm hồi sinh sân chơi trong các khu dân cư cũ.Mặc dù số lượng những sân chơi do những “hiệp sỹ” này tạo nên còn vô cùng khiêm tốn so với thực trạng thiếu sân chơi của trẻ ở cả đô thị và nông thôn, nhưng đã có tác dụng rất tích cực là lên tiếng với xã hội một vấn đề, một thực trạng cần đầu tư và quan tâm đúng với ý nghĩa và giá trị của nó; để trẻ em được hưởng thụ những giá trị ấy – thực sự là tương lai của đất nước. Điều đó cũng thắp lên niềm hy vọng không nhỏ về một ngày mai tươi sáng.
Theo tcnhadep.com