Ở những làng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, mùa cá chuồn nào cũng mang lại ấm no cho ngư dân bởi loài cá này “đông như kiến”, không khó đánh bắt, tiêu thụ nhanh, dễ kho nấu, lại “biến tấu” được nhiều món ngon.
Ai muốn… thăng tiến thì ăn cá chuồn
Về thăm những làng chài Quảng Ngãi lúc này, bạn sẽ gặp một “miền” cá chuồn trên bãi biển. Có người nói vui rằng, ai muốn… thăng tiến thì cứ ăn cá chuồn, vì loài cá này có cánh, sẽ giúp bạn bay lên. Có người “phiêu” hơn còn nói vợ chồng nào… hiếm muộn nên ăn cá chuồn, vì trong bụng cá chứa cơ man nào là trứng. Với giá tầm 25.000 đồng/kg, cá chuồn xưa nay không làm xót túi tiền của ai cả.
Dù đi đâu về đâu, người Quảng Ngãi vẫn dành nỗi nhớ thẳm sâu cho quê nhà bằng câu ca dao đậm chất… ẩm thực: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Điều gì khiến cá chuồn và mít non được kho chung một xoong? Đó là cái ngon của sự phối kết, hòa quyện giữa vị bùi của mít và vị ngọt của cá. Nếu kho trã đất (trã là loại nồi đất rộng miệng, nông đáy), mùi thơm của mít và cá được đánh thức tới mức tối đa, đến mức đi qua một lũy tre rồi mà vẫn còn ngoái lại.
Không chỉ món cá chuồn kho với mít non được in đậm trong sổ tay ẩm thực Quảng Ngãi, cá chuồn còn có những món khác, có hương vị riêng. Thi vị hóa một chút thì gọi là những “phiên khúc” cá chuồn.
Trước hết là món cá chuồn chiên gập được nhiều người biết đến. Giã giập các loại gia vị, cho vào bụng cá, bẻ gập lại rồi chiên mặn thì ngon hết chỗ chê. Miếng cá chuồn được cả “tiểu đội” gia vị hành tỏi ớt tiêu đường mắm làm cho thăng hoa, có thể “đánh tan” cả một nồi cơm to tướng.
Những “phiên khúc” say lòng thực khách
Cá chuồn nướng với hai “phiên khúc” cá khô và cá tươi, cho hương vị ngạt ngào chẳng kém mấy món vừa kể. Cá phơi vừa đủ nắng, nướng trên lửa than vừa đủ đượm, nghe mùi thơm vừa đủ đậm thì có thể “hú” anh em được rồi. Riêng cá chuồn tươi, đừng thay đổi “định dạng” của cá, cứ để nguyên thế đặt lên lớp than hồng không quá rực để cá chín từ từ. Tinh chất của cá được bó vào trong lớp vảy. Khi ăn, dùng tay bẻ đôi con cá, rứt từng sớ thịt đang ấm nóng chấm với muối ớt xanh thì ngon đến ngẩn ngơ.
Gỏi cá chuồn cũng là món tạo điểm nhấn trong những chiều… chợt thấy rỗng không. Làm cá sạch sẽ, dùng dao sắc lạn lấy thịt hai bên xương sống cá, xắt miếng xeo xéo rồi nhồi với chanh, rắc đậu phộng rang, hành tím, tiêu, ớt, tỏi và trộn đều. Trải miếng bánh tráng mỏng ra, cho một lớp rau sống lên, đặt 4 – 5 miếng gỏi vào giữa rồi cuốn lại chấm với nước mắm cá cơm hay nước mắm chua ngọt sẽ nghe vị cá ngọt ngào hòa quyện trong hương chanh thơm ngát.
Cả hai món nướng và gỏi được dân chài kêu là món “bằng hữu” vì anh em bè bạn xúm xít ngồi bên nhau thật vui. Để “nghệ sĩ hóa” cá chuồn, nhóm bạn hay “dàn trận” dưới bóng dừa khi chiều chưa muộn. Lãng mạn hơn, có nhóm bê nguyên đồ mồi xuống chiếc xuồng con neo bên chân sóng để thưởng thức cá chuồn trong cái bồng bềnh của biển. Không thể không nói đến vài ly “cao gạo” khi ăn những món này. Thật vậy, ăn cá chuồn nướng phải nhâm nhi vài ly cay cay để thêm phần phiêu diêu trong những “phiên khúc” của mùa cá chuồn.
Theo Trần Cao Duyên (thanhnien.vn)