Cà vạt: Phụ kiện thời trang không thể thiếu của các quý ông

Hiện có khoảng 600 triệu người đang sử dụng cà vạt, một món phụ trang định ra quy tắc ứng xử xã hội, mang nhiều cảm xúc và tôn tạo phong cách ngoại hình của người sử dụng.

Dù thời trang đến và đi, chiếc cà vạt vẫn là một trong những biểu hiện của đời sống.Đôi khi chúng biến mất trong một khoảng thời gian nhưng rồi lại xuất hiện với hình thức có thay đổi nhưng vẫn có thể nhận ra.

Bắt nguồn từ quân đội

Cà vạt: Phụ kiện thời trang không thể thiếu của các quý ôngThời trang dành cho nam giới thường bắt nguồn từ quân đội và lịch sử của chiếc cà vạt là một ví dụ. Theo các nhà sử học, cà vạt xuất hiện sớm nhất tại Ai Cập. Nó được biến thể từ những vòng đeo cổ bằng đá quý hay vò sò, vỏ ốc của người dân Ai Cập. Trong khi đó, có người cho rằng cà vạt có xuất xứ từ La Mã, bắt nguồn từ những chiếc khăn quấn cho ấm cổ của đội quân La Mã. Người Trung Quốc lại nghĩ họ mới là người sáng chế ra cà vạt, bởi vì khi khai quật mộ Tần Thủy Hoàng vào năm 1974, đã có khoảng 7.500 tượng binh lính bằng đất nung quanh lăng mộ đều được quàng quanh cổ một khăn lụa có thắt nơ. Những pho tượng này có niên đại khoảng năm 221 trước Công nguyên.

Tuy nhiên đa số vẫn tán đồng với ý kiến: “600 triệu người ngày nay đeo biểu tượng của người Croatia vòng quanh cổ và gần với trái tim”. Chuyện bắt đầu đâu đó vào những năm 1630, dưới triều đại vua Louis XIII của Pháp, khi một nhóm lính người Croatia đã tham gia ủng hộ nhà vua và Hồng y Richelieu chống lại quận công Guise và thái hậu Marie de’ Medici. Trang phục truyền thống của đội quân người Croatia này đã khiêu gợi sự tò mò của người Paris, nhất là những chiếc khăn tuyệt đẹp, độc đáo thắt ở cổ của người Croatia. Nhà văn Pháp Francois Chaille đã ghi lại: “Trang phục truyền thống này với những chiếc khăn nhiều màu sắc thắt quanh cổ thu hút hoàng gia Pháp. Chiếc khăn được tạo nên từ nhiều loại chất liệu, từ vải thô cho lính thường, đến chất liệu như lụa và cotton thượng hạng cho các sĩ quan. Khoảng năm 1650, “phong cách Croatia thanh lịch” này, hoàn toàn mới mẻ ở châu Âu, trở thành món thời trang đặc biệt của triều đình Pháp, đại diện cho một biểu tượng của thanh lịch và văn hóa”. Cà vạt gọi theo tiếng Pháp là “cravat”, phát âm theo tiếng Croate từ “cravate” dùng cho lính đánh thuê người Croatia vào thời đó. Vua Charles II đã mang cà vạt về Anh vào năm 1660 và người Anh đã cải biến nó trở thành một món phụ trang, đã phổ biến rất nhanh, và không còn là thứ như Charles II mô tả: “một tấm khăn dài quấn quanh cổ”.

Dưới hào quang các ngôi sao

Ban đầu cà vạt được làm từ một dải vải trắng dài và có thể được trang trí với họa tiết thêu hay ren. Lúc đó cũng đã có nhiều cách thắt khác nhau, từ nút thắt đơn giản đến các kiểu nơ phức tạp. Trong bộ phim The Libertine với bối cảnh thế kỷ 17, tài tử Johnny Depp đã biểu lộ phong cách thời trang này. Vào đầu thế kỷ 18, cà vạt bắt đầu bị thay thế bởi đai cổ, một miếng vải gấp cứng, bọc quanh cổ, có nút cài hoặc móc khóa phía sau gáy. Nhưng kiểu cách đơn giản này xem ra không được các ông quý tộc thế kỷ 18 hài lòng, vì vậy họ bắt đầu thêm vào một chiếc nơ đen kèm theo kiểu vải xếp đính với một chiếc túi nhỏ bọc đuôi tóc giả. Người ta có thể tìm minh họa qua bộ phim The Duchess với hình ảnh của diễn viên Ralph Fiennes. Còn Colin Firth trong bộ phim truyền hình của BBC Kiêu hãnh và định kiến lại thể hiện phong cách cà vạt của thế kỷ 19, một món thời trang đôi, một chiếc màu trắng vắt quanh cổ và một chiếc màu khác phủ phía ngoài tạo hình trang trí.

Cà vạt: Phụ kiện thời trang không thể thiếu của các quý ông

Từ năm 1890 – 1900, xuất hiện loại cà vạt có các đường sọc trắng, xanh da trời, đỏ, vàng và xanh lá cây trên nền đen, người xem phim có thể nhìn thấy điều này với anh chàng Robert Downey Jr. trong phim về Sherlock Holmes. Sau thế chiến thứ nhất, nền đen được thay thế bằng các gam màu sống động hơn. Đến thế chiến thứ hai chất liệu để may cà vạt được đổi mới hơn. Lụa truyền thống được thay thế bằng lụa nhân tạo. Ngay cả kích cỡ cũng được thiết kế nhỏ gọn phù hợp với từng đối tượng và kỹ thuật in ấn đặc biệt được áp dụng trên cà vạt.

Cà vạt: Phụ kiện thời trang không thể thiếu của các quý ông

Cà vạt nhanh chóng chinh phục người yêu thời trang, rồi trở thành phụ trang không thể thiếu của cánh mày râu. Đầu những năm 1960, từ các chính khách nhà Kennedys, đến nhạc sĩ Miles Davis, nhóm diễn viên The Rat Pack, diễn viên tài ba Gregory Peck, và nhóm nhạc huyền thoại The Beatles đều chọn cho mình những bộ vest phong cách và tạo điểm nhấn sang trọng lịch lãm từ chiếc cà vạt. Trong thập niên 70, cà vạt tiếp tục là bạn đồng hành của các gương mặt nổi tiếng như “Bố già” Al Pacino, Robert Redford, nhà sản xuất âm nhạc David Bowie…

85 cách thắt cà vạt

Sự khởi nguồn của chiếc cà-vạt vẫn tiếp tục gây tranh cãi, nhưng chúng ta không thể phủ nhận hành trình chinh phục thế giới của chiếc khăn kỳ diệu này.  Thật là thú vị khi nút thắt cà vạt được thực hiện không dưới 85 cách khác nhau, tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 kiểu được sử dụng thường xuyên nhất. Đáng chú ý, nổi tiếng nhất là kiểu nút thắt đôi, tạo ra hình tam giác to bản, và một người đàn ông khéo léo có thể thắt đơn giản theo 4 bước. Đương nhiên, lựa chọn là của bạn để chọn nút nào thắt, nhưng quan trọng là chiều dài của cà vạt, khi đeo, phải chấm thắt lưng.

Kiểu cách tùy thuộc hoàn toàn vào gu thẩm mỹ cá nhân. Kiểu thắt để dài nhiều người sử dụng nhưng kiểu thắt nơ cũng phổ biến không kém. Đến năm 1924, qua rất nhiều biến tấu thú vị khác nhau từ các quốc gia trên thế giới, chiếc cà-vạt 3 mảnh của nhà thiết kế người Mỹ, ông Jesse Langsdort được xem là khởi nguồn của mẫu cà-vạt ngày nay. Mẫu thiết kế của ông nhanh chóng lan rộng trên khắp thế giới và người ta đã dùng loại cà-vạt 3 mảnh thay cho cà-vạt một mảnh truyền thống, với tiêu chuẩn rộng 8cm và dài 140cm.

Cà vạt: Phụ kiện thời trang không thể thiếu của các quý ông

Cà vạt hay không cà vạt…?

Cà vạt, điểm nhấn của trang phục nam giới cũng bao hàm phần thông điệp sâu sắc hơn. Theo phong tục dân gian của người Croatia xa xưa, khi đàn ông rời nhà ra mặt trận, những người phụ nữ sẽ cột một chiếc khăn quanh cổ người đàn ông của mình như một dấu hiệu về tình yêu và lòng chung thủy. Năm 1990, phim Người đàn bà đẹp làm mưa làm gió trong làng điện ảnh. Poster phim là cặp Richard Gere và Julia Roberts đấu lưng vào nhau. Chiếc cà vạt của anh chàng đã vắt ngược về sau, qua vai và được cô nàng ghì chặt. Anh chàng giống hệt như một món chiến lợi phẩm trong tay nàng. Cảm xúc biểu lộ qua chiếc cà vạt đã thay đổi theo thời gian. Ngày nay, cà vạt phản ánh một cảm xúc về phẩm hạnh, thanh lịch, nghi thức và tôn vinh.Và ở mức độ nào đó, nút thắt của khăn và phần thả lỏng phía dưới đã trở thành biểu trưng cho sự cân bằng giữa ràng buộc lễ nghi và sự tự do. Nam giới rất thích sự cân bằng này.

Xưa và nay, cà-vạt luôn là biểu trưng cho sở thích cá nhân cũng như địa vị xã hội của người đeo nó thông qua các kiểu dáng và kiểu thắt nút khác nhau. Tuy nhiên, qua sự sàng lọc của thời gian, chỉ còn những chiếc cà-vạt phù hợp nhất với y phục tồn tại được, còn những cái khác rơi ngay vào quên lãng.

Cà vạt: Phụ kiện thời trang không thể thiếu của các quý ông

Cà-vạt là một phụ trang quan trọng dành cho những người đàn ông lịch lãm. Thậm chí, với một số người, đây còn là vật dụng phải đeo hàng ngày đến công sở. Khi họ đeo vào chiếc cà vạt, họ sẽ có những biểu lộ bản thân với thế giới bên ngoài phù hợp với trang phục đang mặc và mặc định đã “bị” quy theo các quy tắc ứng xử xã hội, từ chiếc cà vạt.

Cũng có thể thấy ngày nay sự kết hợp truyền thống giữa cà vạt, sơ mi và quần âu đã có thay đổi. Người ta cũng không còn ngạc nhiên khi chứng kiến cà vạt phối với áo không cổ, áo thun và quần jeans. Sự phá cách này làm cho bộ trang phục trở nên lạ mắt, phong cách và bụi bặm hơn. Đồng thời, khi xu hướng thời trang nữ có mạnh mẽ, năng động và nam tính hơn, thì cà-vạt không còn của riêng nam giới, mà trở thành một phụ trang phá cách độc đáo cho phụ nữ. Và nam giới yêu thích điều này.

Cà vạt: Phụ kiện thời trang không thể thiếu của các quý ông

Theo nhiều nhà phê bình thời trang, cà vạt đã bắt đầu thịnh hành trở lại từ năm ngoái, định hình thành các khuynh hướng cho những năm sau. Chất liệu lụa in họa tiết nhẹ, mẫu mã đời thường hơn, cà vạt được đeo như một món phụ trang với chiếc cổ áo hở hay thậm chí là với áo thun. Các loại cà vạt làm từ lụa thêu, gắn thêm nhiều chất liệu khác sẽ nặng hơn, đắt tiền hơn, phù hợp cho thời tiết lạnh hơn và những dịp trang trọng hơn.

Người ta kể chuyện về huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam Toshiya Miura và chiếc cà vạt. Hồi đó, ông chỉ đạo CLB Consadole Sapporo và đội bóng này đã có chuỗi trận không thắng. Miura bị người hâm mộ, báo chí và cả các cầu thủ không hài lòng về triết lý bóng đá thực dụng của mình. Khi đó, vị chiến lược gia sinh năm 1963 đã quyết định ra đi. Ở trận cuối cùng, ông đã tháo chiếc cà vạt của mình treo phía sau cầu môn với lời nhắn nhủ: “Dù tôi ra đi, nhưng vẫn chúc các cậu thi đấu thành công, đừng để chiếc cà vạt này của tôi rơi xuống (tức là không để lọt lưới)”. Hôm ấy, các cầu thủ Consadole đã đá “chết bỏ” và giữ lời hứa không để chiếc cà vạt của ông Miura rơi xuống. Cũng có lúc, người đàn ông cởi chiếc cà vạt ra và sử dụng nó như trái tim của mình như vậy.

Cà vạt: Phụ kiện thời trang không thể thiếu của các quý ông

Những chiếc cà vạt đắt nhất thế giới có giá lên tới vài trăm nghìn USD. Có thể kể đến chiếc Suashish Necktie, giá 200 nghìn USD, của nhà thiết kế Ấn Độ, ông Satya Paul. Chiếc cà vạt này được làm bằng lụa thượng hạng với 150 gram vàng cho các hoa văn và đính 271 viên kim cương. Thấp hơn một chút là cà vạt đính kim cương của Stefano Ricci (30 nghìn USD), cà vạt lụa mạ vàng của viện Empa (8,5 nghìn USD). Các fashionista lại chuộng cà vạt của Stefano Ricci Swarovski (1.185USD) phủ hạt 3000 hạt pha lê, hoặc cà vạt lụa hoa văn của nhà thiết kế Christian Lacroix (1.150 USD).

 

18 tháng 10 hàng năm tại Croatia có Ngày Cà vạt. Từ năm 2003, tại đây người ta đã tạo ra kỷ lục thế giới với chiếc cà vạt lớn nhất, từ lụa đỏ, với kích thước 400x10m, quấn quanh giảng đường Arena ở Pula. Thêm vào đó, ở Zagreb, thủ phủ của cà vạt, rất nhiều công trình cao lớn về cà vạt nối kết các đường phố, như nhấn mạnh sự độc đáo duy nhất của Zagreb và Croatia

 

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN