Nhiều di tích có tuổi đời hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm đã bị con người huỷ hoại nặng nề, có những nơi đã biến mất hoàn toàn.
- Chốn vui chơi của sao Việt trong tháng 4
- Biển Đà Nẵng rực rỡ sắc màu khinh khí cầu
- “Thiên đường biển Kỳ Co” nghẹt thở bởi khách du lịch chen chúc nhau, xếp hàng dài trong ngày nghỉ lễ
1. Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp
Vụ hoả hoạn ngày 15/4 đã phá huỷ một phần mái của nhà thờ Đức Bà Paris – một kiệt tác kiến trúc gothic, có ý nghĩa đặc biệt với mỗi người dân Pháp. Người ta vẫn chưa kết luận về nguyên nhân vụ cháy nhưng những thiệt hại mà nó gây ra là không gì bù đắp nổi. Công trình trải qua 8 thế kỷ tồn tại, là trung tâm tôn giáo, văn hoá, giáo dục của không chỉ nước Pháp mà còn với toàn nhân loại. Nhà thờ Đức bà Paris đã hiên ngang trải qua nhiều cuộc chiến tranh, xung đột chính trị, tôn giáo nhưng vẫn giữ được nguyên dáng vẻ ban đầu. Mặc dù chính phủ Pháp đang có kế hoạch phục hồi kiến trúc cho công trình này nhưng chắc chắn rất gian nan và khó khăn.
2. Bãi biển Legzira, Sidi Ifni, Morocco
Chiếc cổng tò vò tuyệt đẹp ở bãi biển Legzira (Morrocco) từng là điểm check in nổi tiếng ở đất nước Bắc Phi này. Khối đá đỏ rực vươn ra biển, rỗng phần lối đi bên dưới tạo nên khung cảnh hùng vĩ bên bờ biển. Tuy nhiên, tháng 9/2016, nó đã sụp đổ hoàn toàn, giờ đây chỉ còn là đống đá vụn. Lượng khách du lịch quá tải được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình cảnh này. Trước đó ít lâu, người dân địa phương đã nhìn thấy một vài nết nứt lớn và gạch vụn rơi xuống, tuy nhiên chính quyền không có biện pháp triệt để để khắc phục.
3. Đền thờ Bel, Palmyra, Syria
Ngôi đền Palmyra đã bị phá hủy vào năm 2015 trong cuộc chiến ở Syria. Đây là một trong những công trình tôn giáo quan trọng nhất từ thế kỷ 1 sau Công nguyên và là số ít công trình còn tồn tại từ thời cổ đại. Thứ còn sót lại chỉ còn là đống đổ nát. Thành phố Palmyra được công nhận là Di sản thế giới do UNESCO công nhận, bao gồm những tàn tích của thành phố cổ, các công trình nghệ thuật và kiến trúc có từ thế kỷ 1 và 2. Tuy nhiên, nhiều kho báu của thành phố cổ này đã bị tàn phá trong cuộc xung đột ở Syria và những thế hệ sau này không còn cơ hội được chiêm ngưỡng chúng.
4. Vườn quốc gia Joshua Tree, California, Mỹ
Vườn quốc gia Joshua Tree từng tự hào với hệ sinh thái sa mạc độc đáo mang đặc điểm địa chất hiếm có cùng các loài thực vật kỳ lạ. Tháng 1/2019, trong sự kiện chính phủ Mỹ “đóng cửa” trong 35 ngày, lực lượng kiểm lâm tại vườn công viên cũng ngừng hoạt động, trong khi đó vẫn tiếp tục mở cửa vườn quốc gia cho du khách. Chính vì sự “vô chủ” này mà nhiều du khách thiếu ý thức đã tàn phá hệ sinh vật ở đây như chặt cây, gây hoả hoạn, phá hỏng nhiều đường mòn và vẽ tranh tường khắp nơi. Một trong những người giám sát trước đây của công viên cho biết, có thể mất 200 đến 300 năm để phục hồi lại nơi này sau những thiệt hại bị gây ra chỉ trong vài tuần.
5. Nàng tiên cá, Copenhagen, Đan Mạch
Tác phẩm điêu khắc được thực hiện bởi Edvard Eriksen vào năm 1909, là một trong những biểu tượng của thủ đô Copenhaghen nói riêng và Đan Mạch nói chung. Nhưng nàng tiên cá tội nghiệp cũng trở thành mục tiêu tấn công rất nhiều lần. “Nàng” bị chặt đầu 2 lần, bẻ tay hay bị tạt sơn vô số lần. Trong ảnh là lần bị tạt sơn năm 2017. Nguyên nhân đôi khi là do một kẻ buồn chán, say xỉn nào đó, hoặc cũng có thể sau những cuộc biểu tình chính trị. Dường như chẳng có cách nào bảo vệ “nàng” một cách triệt để khỏi những hành động này.
6. Hồ Mackenzie, Tasmania, Australia
Tháng 1 và 2 năm 2016, Tasmania đã phải hứng chịu những vụ cháy rừng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hồ Mackenzie – một trong những hồ đẹp nhất của bang này. Các vụ cháy rừng cũng phá hủy các loài thực vật độc đáo như cây thông bút chì cổ đại – loài thực vật đã hoàn toàn tuyệt chủng. Ngọn lửa thiêu rụi 20.000 hecta rừng hoang dã ở Tasmania. Hiện tại, nhiều năm sau thảm họa, thực vật bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng sẽ còn rất lâu nữa nơi này mới thực sự sống lại như trước.
7. Brimham Rocks, North Yorkshire, Anh
Di tích này được cho rằng đã hình thành từ 320 triệu năm trước đây, từ trước cả khi những con khủng long đầu tiên xuất hiện trên Trái đất. Những tảng đá ở đây có hình thù kỳ lạ, được hình thành bởi gió và băng tuyết. Thế nhưng, chúng đã biến mất hoàn toàn chỉ trong vài giây. Tháng 6/2018, một vài trẻ nhỏ đã lật đổ một trong những tảng đá thăng bằng ở đây, khiến nó vỡ tan thành. Ngoài việc đẩy đổ tảng đá, con người còn vẽ bậy, khắc tên, bào mòn di tích quý giá này.
Theo ngoisao.net