Từng một lần thất bại trong hôn nhân, với những trải nghiệm của chính mình, Chu Vân – Giám đốc Công ty Luật ASEM, cho rằng, không thể “cải tạo” được những gì thuộc về bản chất, có chăng chỉ là thay đổi thói quen của bạn đời. Mặt khác, nữ luật sư chia sẻ, thay vì suy nghĩ cải tạo đàn ông, phụ nữ trước hết phải cải tạo chính tư tưởng phong kiến ăn sâu vào tiềm thức của mình, một phần nguyên nhân khiến đàn ông hiện nay bị… sinh hư!
Nên chấp nhận cá tính của nhau
Nói như các cụ, “dạy vợ”, “dạy chồng” có vẻ to tát và… phong kiến quá! Nhưng chị nghĩ sao khi người ta nói, vợ chồng cũng phải “cải tạo”, thay đổi nhau để cuộc sống gia đình trở nên hòa hợp, bền vững?
Quan điểm của tôi lại khác. Tôi không cho rằng, người chồng hay người vợ có thể cải tạo được nhau mà nên “chấp nhận” cá tính của nhau, bao gồm cả những ưu, nhược điểm của họ. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, trong cuộc sống, khi người ta thực sự yêu quý nhau, dành tình cảm cho nhau thì tất cả những ưu, khuyết điểm đó đều có thể chấp nhận trong con mắt, trong suy nghĩ của bạn đời. Tôi có một người bạn, chị này có chồng rất mê tennis, mê tới quên ăn, quên ngủ… Ban đầu, chị khó chịu và hậm hực lắm nên quyết đi cùng để “dằn mặt” chồng. Tuy nhiên, đi mãi rồi lại thành ra ham, bây giờ, cả hai vợ chồng thường cùng đi thể thao với nhau và cũng thành một cặp bài trùng ăn ý. Nói như vậy để thấy, việc “cải tạo” nhau rất khó, chỉ có thể hòa hợp để mà sống thôi!
Nói như chị thì có vẻ người vợ kia cũng đã bị người chồng “cải tạo” rồi đấy!
Không phải cải tạo mà tự thân người vợ đó thay đổi suy nghĩ và hành động của mình thôi. Người chồng đâu có phải tác động gì!
Vậy quan điểm của chị là thay vì “dạy chồng, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, chúng ta nên “nhìn nhau mà sống”?
Đúng vậy. Tất nhiên, chúng ta không phải “nhìn nhau” theo một cách quá khắt khe, cứng nhắc. Nhìn nhau để mình dung hòa thôi. Tìm xem trong những nhược điểm, trong những quan niệm trái ngược, có thể “sáng” lên một yếu tố nào đó để mình có thể an ủi: “À, ta chấp nhận được”. Và thế là ta chấp nhận một cách không cưỡng ép, khó chịu mà hoàn toàn thoải mái. Có thể nói, bản thân việc tiến đến hôn nhân là chúng ta đang chấp nhận người bạn đời, chấp nhận cả những mặt ưu, nhược điểm của họ. Chúng ta không thể đặt ưu điểm lên rồi yêu cầu người ta phải bỏ đi tất cả những cái nhược điểm, bởi con người không ai là hoàn thiện cả.
Nhưng đôi khi, trong cuộc sống gia đình, có những vấn đề mà chúng ta không thể đơn thuần chấp nhận được? Chấp nhận khi vượt quá ranh giới sẽ trở thành “chịu đựng”, là nguyên nhân có thể bùng phát những xung đột, thậm chí xung đột này bị tích tụ theo thời gian và trở nên gay gắt hơn nhiều lần?
Nếu hai người thật sự yêu thương nhau thì người ta sẽ không nghĩ tới việc chấp nhận như thể một cách chịu đựng. Nếu đã đến mức “chịu đựng” thì tình cảm có lẽ không còn nguyên vẹn.
Phương pháp “nước chảy đá mòn”
Phải chăng, chính tư tưởng chấp nhận và không “cải tạo” bạn đời của chị là một trong những nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân đầu tiên của chị dang dở?
Hoàn toàn trái với suy nghĩ của bạn. Chính cuộc hôn nhân đó đã mang đến cho tôi những trải nghiệm mà tôi vừa chia sẻ với bạn. Người chồng trước của tôi vốn rất hiền lành, tử tế, tuy nhiên anh thường không kiểm soát được hành vi bạo lực của mình. Mỗi một lần đánh vợ xong, anh lại ngơ ngác không hiểu lý do gì khiến mình làm những việc ấy. Bạn bè hỏi, anh cũng vò đầu không biết tại sao. Không chỉ riêng tôi mà với cả con cái cũng vậy. Nhiều lần bực tức, anh cầm nguyên chiếc cờ lê ném vào chân bé gây sưng tím.
Đã không biết bao lần tôi phân tích, khuyên nhủ chồng dừng việc bạo hành nhưng anh ấy không thay đổi. Ngoài ra, những việc như hút thuốc lá, hỗ trợ việc nhà, anh đều nghe theo. Vì thế mà tôi đúc rút ra rằng, đừng bao giờ nghĩ chúng ta có thể thay đổi bản chất của nhau, có chăng chỉ là thay đổi được thói quen của người đó.
Ý chị là, công cuộc “cải tạo” chỉ có thể diễn ra đối với những thói quen của bạn đời? Cụ thể ra sao?
Trong cuộc sống, sinh hoạt có những thói quen không tốt như hút thuốc lá, đọc sách khuya, nhác việc nhà, mê lô đề, bóng bánh… vợ chồng có thể khuyên nhủ nhau để thay đổi. Không biết mọi người ra sao nhưng với bản thân tôi, cách đưa vấn đề phải nhẹ nhàng, từ từ, theo kiểu “nước chảy đá mòn”. Mình có thể đưa ra các giả định, phương pháp để bạn đời xem có thể áp dụng được không. Ví như từ câu chuyện nhỏ là hút thuốc, mình có thể đề xuất, hôm nay hút một bao, ngày mai hút 19 điếu… dần dần là hết.
Theo chị, khả năng thành công trong việc thay đổi thói quen của bạn đời là bao nhiêu phần trăm?
Nói như vậy thì khó lắm. Còn quan trọng vào từng tình huống và tính cách của bạn đời. Còn đối với mình, quan trọng nhất vẫn phải kiên trì và nhẹ nhàng. Đàn ông vốn ngại nhất chuyện bị phụ nữ… yêu cầu và ra lệnh. Đừng để người ta cảm thấy rằng, những mong muốn của phụ nữ là thái quá và chạm vào lòng tự ái của họ.
Đàn ông hư một phần… do vợ
Đằng sau câu nói “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” rõ ràng còn là một lời răn đe! Bạn đời ngoan hay hư là do bản thân mình. Đàn ông sống ích kỷ và thụ động phải chăng do đàn bà quá đảm đang và chịu đựng?
Đúng thế, đàn ông bây giờ “hư” nhiều, một phần do xã hội, một phần do chính người vợ gây ra. Nói do xã hội là bởi chúng ta vẫn chưa rũ sạch được tư tưởng nho giáo, trọng nam, khinh nữ. Trong mắt đàn ông, phụ nữ lúc nào cũng là phận dưới, phải cung phụng, cơm bưng nước rót… Chính bản thân phụ nữ chúng ta cũng không giải thoát được suy nghĩ đó nên tiếp tay cho lối sống thụ động của nhiều ông chồng. Tôi thấy, đa phần lối hành xử này của phụ nữ là bị ảnh hưởng bởi chính người bà, người mẹ trong gia đình.
Chị có nằm trong số những người phụ nữ như thế?
Tôi lại không nuông chiều như thế. Tôi quan niệm rất rõ ràng, cần tôn trọng sở thích, cá tính của nhau còn công việc hoàn toàn bình đẳng. Mỗi người có một công việc riêng cần giải quyết, không lệ thuộc vào nhau. Còn khi về nhà, cả hai cùng phải chung tay nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, trông con, cho con ăn… Việc lao động này không phân chia nhiệm vụ mà làm theo khả năng của mình. Cuộc hôn nhân hiện tại của tôi, có lẽ vì thế mà rất thoải mái. Tôi và anh ấy đều có phần ngang bướng riêng, có những quan điểm không thống nhất được nhưng chúng tôi chấp nhận điều đó, để mỗi khi trở về nhà, chúng tôi cùng vui vẻ, không tranh luận, cãi vã.
Nhưng làm thế nào để người đàn ông có thể tham gia phụ giúp vợ những công việc nhà như thế, khi mà chị thừa nhận, đàn ông Việt còn gia trưởng lắm, còn thụ động lắm?
Người phụ nữ phải chia sẻ! Chia sẻ những nỗi vất vả mà mình phải trải qua trong suốt một ngày lao động, cho họ thấy rằng, việc nhà không phải là “một phần tất yếu” của phụ nữ. Thay vì việc luôn luôn suy nghĩ “làm sao có thể cải tạo được người chồng” thì nhiều phụ nữ hiện nay phải cải tạo chính bản thân mình. Họ luôn luôn định ra cho mình một mớ trách nhiệm, nào là vừa giỏi việc nước, nào là vừa đảm việc nhà! Họ ôm đồm tất cả để rồi chính bản thân mình lại cảm thấy ấm ức, bực dọc khi nhìn thái độ ung dung hưởng thụ của các ông chồng.
Phụ Nữ Ngày Nay