Áp dụng phương pháp giáo dục ưu việt Montessori ngay từ khi còn nằm trong nôi

Phương pháp Montessori không còn xa lạ với các phụ huynh nữa và thường được áp dụng khi trẻ đến tuổi bắt đầu đi học mầm non, nhưng ít người biết là nó có thể được áp dụng ngay từ khi trẻ còn nằm trong nôi.

Montessori không chỉ đơn thuần là phương pháp giáo dục hay một hệ thống học thuật. Nó là một triết lý, một đường hướng tiếp cận với trẻ em, dù là ở trường hay ở nhà.

Sau đây là 5 cách siêu đơn giản (và còn miễn phí) để bạn có thể bắt đầu áp dụng phương pháp Montessori với con mình ngay từ khi bé vừa sinh ra. Và nếu con bạn đã khá lớn rồi thì cũng không cần phải lo – tất cả những quy tắc này cũng áp dụng được với cả trẻ lớn hơn.

1. Cho phép tự do di chuyển

montessori-1Từ khi sinh ra, chúng ta đã có thể cho trẻ cơ hội tự do di chuyển trong môi trường của chúng. Đối với trẻ sơ sinh, đó chính là việc cho trẻ thật nhiều thời gian không bị bế hay bó hẹp trong nôi, xe đẩy hay những thiết bị khác. Bạn có thể dành thời gian ngồi hay nằm cạnh con khi con đang nằm trên một tấm chăn mềm, trong nhà hay ngoài trời đều được. Rõ ràng là ở giai đoạn này trẻ vẫn chưa thể tự di chuyển được nhưng chúng vẫn có thể luyện tập di chuyển tay, chân và cổ mà không bị bó hẹp.

Đối với trẻ lớn hơn, tự do di chuyển là cho phép chúng hoạt động thể chất, chạy nhảy khắp phòng với tốc độ của chúng thay vì ngăn cấm hay nắm tay chúng khi đi bộ. Điều này vô cùng có lợi cho không chỉ cho sự phát triển khả năng vận động mà còn hình thành nên sự tự tin. Lý do là bởi khi bạn cho con tự do vận động là bạn đang gửi cho con một đoạn thông điệp rất rõ ràng rằng bạn tin con hoàn toàn có thể tự phát triển cơ vận động theo cách của riêng con.

Một khía cạnh khác của tự do vận động nữa là bạn nên mặc quần áo thoải mái cho con, hỗ trợ cho khả năng di chuyển đang ngày càng phát triển của trẻ.

2. Áp dụng giao tiếp tôn trọng

Giao tiếp tôn trọng là điểm nhấn của phương pháp Montessori cho trẻ ở mọi lứa tuổi và tất nhiên có thể được áp dụng ngay từ khi trẻ chào đời. Nghe thì có vẻ hơi ngớ ngẩn ban đầu nhưng bạn sẽ quen dần và nhận ra được ích lợi: nói với con mỗi lần bạn chuẩn bị bế con lên, để ăn, thay tã hay để làm bất kì điều gì. Bạn có thể hỏi xin sự cho phép ví dụ như “Mẹ bế con lên để thay tã bây giờ được không?”.

Mặc dù tất nhiên bây giờ trẻ sẽ không thể trả lời bạn bằng lời nói câu từ được, nhưng chúng sẽ hiểu được tông giọng của bạn và nếu bạn hỏi thường xuyên, chúng có thể sẽ bắt đầu phản hồi lại bằng những cách khác, ví dụ như vươn người về phía bạn hoặc mỉm cười.

Chúng ta cũng có thể thể hiện sự tôn trọng của mình bằng cách luôn luôn sử dụng ngôn ngữ chính xác và “trong sáng”. Kiểu giao tiếp này sẽ đặt một nền móng tuyệt vời cho một mối quan hệ với sự tôn trọng lẫn nhau và còn cho con tiếp xúc với vốn từ vựng giàu có và phong phú từ sớm.

3. Xem công việc chăm sóc con là cơ hội để gắn kết với con

montessori-2Những công việc chăm sóc như cho ăn và thay tã dường như vô tận và vô cùng mệt mỏi, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên. Nhưng phương pháp Montessori xem những công việc này là thời gian để gắn kết và kết nối, là thời gian bố mẹ hoàn toàn tập trung cho con cái. Phương pháp Montessori cho rằng chúng ta nên nỗ lực làm những việc này “cùng” con, chứ không phải là “cho” con.

Đối với trẻ nhỏ, “hợp tác” với con có thể chỉ là nói qua với con những gì bạn đang làm, hay làm theo sự “chỉ dẫn” của con những lúc con cần ăn và ngủ. Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể để trẻ tham gia vào những công việc đó, giúp đỡ bạn bằng cách như tự mang bỉm đến để thay, hay chọn lựa giữa hai cái áo hoặc hai món ăn.

Làm như vậy sẽ không chỉ khiến trẻ cảm thấy được quan tâm, yêu thương mà còn giúp bạn không cảm thấy những công việc đó là gánh nặng nữa.

4. Dành thời gian cho sự tự lập

Làm sao mà một đứa bé tự lập được? Có đấy, chúng ta hoàn toàn có thể giúp con phát triển khả năng tự lập ngay từ rất sớm.

Chúng ta có thể tìm những lúc bé hoàn toàn thư thái và hoạt bát để cho con “chơi” hay tự nằm trên chăn mà không phải đỡ. Bố mẹ cũng có thể để con tự nhìn quanh phòng và khám phá thế giới xung quanh mà không tương tác hay làm con mất tập trung. Những lúc con khóc quấy nhè nhẹ, thay vì bế con ngay vào lòng, bạn chỉ cần trò chuyện hoặc nhẹ nhàng xoa con hoặc nắm tay con. Thỉnh thoảng tất cả những gì chúng cần là một sự đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta đang ở bên cạnh con.

5. Luyện tập quan sát

montessori-3Quan sát là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của phương pháp Montessori cho mọi lứa tuổi. Mỗi một đứa trẻ đều có một lộ trình phát triển riêng và cách duy nhất giúp chúng ta có thể thực sự biết được con cần gì hay con đã sẵn sàng cho những thử thách nào rồi chính là quan sát thật kỹ.

Thông thường thì bố mẹ cũng đã dành sẵn rất nhiều thời gian nhìn ngắm con mình rồi. Nhưng quan sát thì khác biệt hơn một chút, đó chính là nhìn ngắm có mục đích, để xem con mình đang phát triển những kỹ năng mới nào, những phần nào trong căn phòng con hay nhìn với sự chăm chú thích thú nhất. Quan sát như vậy sẽ giúp bạn biết được nên làm những gì để tốt nhất và phù hợp nhất cho sự phát triển của con, và hơn thế nữa là hiểu con một cách sâu sắc hơn.

Theo Helino (Nguồn: Motherly)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN