Bạn có phải là một tín đồ “hảo ngọt” không? Đặc biệt trong những ngày hè nóng nực thì một ly chè giải nhiệt là điều khó từ chối!
Có nhiều cách thưởng thức chè ở TP.HCM, các xe chè dọc các vỉa hè, gần các trường học ngon không kém trong các quán nhỏ. Chỉ với vài ngàn đồng, bạn đã có một ly chè đậu, chè bà ba, chè bắp, trôi nước và cả sâm bổ lượng…
Còn có một số khu vực bán chè mà nghe tên rất “ngoại” nhưng không rõ nếu bạn đến các nước đó thì có tìm ra được ly chè chất lượng như khi ăn ở Việt Nam không.
Nhắc đến chè Thái, hầu như mọi người đều nghĩ đến các quán chè trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10), Đặng Văn Bi (Q. Thủ Đức). Món chè này có mặt đã khá lâu ở Sài Gòn nên được nhiều người ưa thích. Chè Thái hấp dẫn ở màu sắc, mùi vị của múi mít thơm lừng, sa-pô-chê ngọt lịm, nhãn tươi trộn cùng hạt lựu, bông tuyết, rau câu thái sợi, nước cốt dừa, sương sa… hòa quyện trong vị béo của sữa tươi và thơm đậm, béo ngậy của sầu riêng.
Tiếp sau chè Thái là chè của người Hoa, luôn có tác dụng chữa bệnh, bồi dưỡng hay thanh nhiệt. Những món chè như: đậu hũ hạnh nhân, quy phục linh Quảng Châu, sữa tươi hột gà chưng, hột gà hồng trà hay các món chè gợi nhớ đến các món ăn đầy bổ dưỡng như rong biển tiềm nhãn nhục, tuyết nhĩ táo đỏ đu đủ tiềm… mỗi loại mang hương vị và cách thưởng thức khác nhau. Chè đậu hũ hạnh nhân có màu trắng giống rau câu, vị dai, giòn và mát, kết hợp với nhân hạnh nhân thơm, cay, lạ miệng. Quy phục linh “đen thui” giống sương sáo nhưng dai hơn, ngọt hơn vì luôn được kết hợp với sữa hay mật ong. Hột gà hồng trà với trứng gà luộc chín, cho vào nấu chung với trà, nêm thêm đường cho vừa miệng. Lòng trắng trứng thấm trà chuyển sang màu sậm cho cảm giác dai mềm, kết hợp với lòng đỏ và nước trà mang lại vị thanh mát.
Không phổ biến như chè Hoa, chè Thái, chè Campuchia (hay chè Miên) chỉ được bày bán ở một vài nơi như chợ Bàn Cờ, chợ Lê Hồng Phong… Cũng như chè Thái, chè Miên hấp dẫn với mùi thơm quyến rũ của sầu riêng cùng vị béo, ngọt của sữa tươi. Chè Miên không ngọt đậm như chè Thái vì sự gia giảm độ béo của sữa bằng vị mặn của nước cốt dừa. Món đặc trưng là chè bí chưng với cách chế biến khá đơn giản. Nạo rỗng ruột bí đỏ, cho vào hỗn hợp gồm sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, rồi đem hấp cách thủy cho chín. Khi bán, bí đỏ được thái thành lát mỏng, rưới thêm ít sữa tươi, trông rất hấp dẫn.
Mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng chè Nhật cũng được quan tâm khá nhiều. Có điều, chè Nhật được xếp vào hàng cao cấp và ăn thử cho biết chứ không thuộc dạng ăn cho đã ghiền (khoảng 75.000 đồng/ly). Từng hạt đậu béo mềm, nước dùng cô đặc, vị ngọt thanh hay hương thơm quyến rũ cùng vị béo nhẹ trong nước cốt dừa được chế biến theo phong vị Nhật đi kèm. Chè luôn đi kèm với món kem được chế biến từ sữa tươi Hokkaido của Nhật.
Và một loại chè đến từ đất nước xa xăm, đó là chè Mỹ. Loại chè này khá giống chè Thái, bởi thành phần tương tự từ thốt nốt, đến rau câu thái sợi, miếng mít vàng ươm hay hạt lựu đỏ au. Nhưng chè Mỹ không có mùi của sầu riêng hay cái ngọt đậm của chè Thái, mà vương vấn ở vị béo thơm của loại kem được nhập độc quyền từ Mỹ cùng cái ngọt được đánh giá là thanh, nhẹ, không quá ngấy.
Những ly chè hấp dẫn chắc chắn sẽ hạ nhiệt cho bạn khi hè sang.
Địa chỉ tham khảo: Chè Thái: Nguyễn Tri Phương (Q.10), Đặng Văn Bi (Q. Thủ Đức).
Chè Hoa: 528 Phan Văn Trị, Q.5; 98 Bùi Hữu Nghĩa, Q.5; 138 Châu Văn Liêm, Q.5; 186 Công Chúa Ngọc Hân, P.12, Q.11; 85 Cô Giang, Q.1. Chè Campuchia: chợ Bàn Cờ, chợ Lê Hồng Phong… Chè Nhật: Ohashi đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), các cửa hàng của M.O.F, Kuru Kuru đường Nguyễn Du (Q.1). Chè Mỹ: 119 Nguyễn Thái Học, Q.1; 591 Nguyễn Thị Thập, P.Tân Phong, Q.7. |
Phụ Nữ Ngày Nay