Bạn đang lên kế hoạch cho các con đi nghỉ hè? Không quan trọng đó là một chuyến đi biển dài ngày, một cuộc pinic tốc hành hay chỉ đơn thuần là về trang trại nhà mình. Quan trọng là làm sao để khoảng thời gian ấy thật ý nghĩa đối với các con!
Trẻ thường mong chờ điều gì ở một kỳ nghỉ? Chúng mong được chơi thỏa thích, được khám phá những điều mới lạ, và tất nhiên là được gần gụi bên ba mẹ. Nếu biết cách phân bổ thời gian hợp lý, cộng với một chút sáng tạo, bạn có thể vừa nghỉ ngơi thoải mái, vừa giúp con
khám phá thiên nhiên kỳ diệu, đánh thức trí tưởng tượng của con và thậm chí còn dạy cho con thêm nhiều đức tính tốt.
Đi về phía biển xa
Nếu nhà mình đi nghỉ xa xa, đến một vùng miền khác và quỹ thời gian cũng dư dả thì một hai ngày đầu tiên bạn nên dành cho việc làm quen với “đất khách” và chỉ nghỉ ngơi tại chỗ thôi. Những ngày sau mới dành cho các hoạt động cần nhiều năng lượng.
Nếu nhóc chỉ thích quậy trong công viên nước, mẹ thì ưa nằm dài trên sofa đọc tạp chí, còn bố thì lăm le ra biển để lặn thì việc vui bên nhau quả là chẳng đơn giản chút nào. Cho nên, để mọi người đều thỏa nguyện mà vẫn có thể ở bên nhau, bạn cần lên một kế hoạch thật cụ thể: ngày nào đi thăm thú phố xá và mua sắm, ngày nào “đóng quân” trên bãi biển và ngày nào dành cho các hoạt động vui chơi khác. Và đến khi bọn trẻ đã được trải nghiệm đủ thứ rồi thì ta nên nghĩ ra một trò mới để dụ chúng chơi cùng.
Việc không sẵn đồ chơi thực ra lại là một cái cớ tuyệt vời để trẻ phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo. Chất liệu cho sự sáng tạo ấy đôi khi nằm ngay dưới chân bạn: cát để xây lâu đài, vỏ sò, vỏ ốc và những cọng rong để ghép thành những bức tranh độc đáo. Những trái thông khô có thể dùng để tô điểm chiếc bánh cát hoặc làm mắt, mũi cho một chú người cát ngộ nghĩnh. Đầu tiên, cứ để bé đóng vai “quan sát viên” thôi. Rồi bé nhất định sẽ tự nhào vô mà xây, mà đắp, mà ghép. Lưu ý là bạn đừng can thiệp vào “tác phẩm” của bé nhé. Hãy để bé có cơ hội bộc lộ khả năng và thể hiện mình như một “nhà sáng tạo”.
Với những trẻ lớn hơn thì có thể bày cho con chơi các trò “kinh điển” như “Cá sấu lên bờ”, “Bịt mắt bắt dê”, “Cướp cờ”… Tưởng rằng “xưa như trái đất” nhưng những trò này luôn khiến cả nhà bạn vui long trời lở đất đấy.
Mang theo những gì?
Nếu đi biển, nên trang bị cho nhóc đầy đủ phao, giày nhái, kính lặn, ống thở. Cũng đừng quên những chiếc túi để nhóc có thể đựng “chiến lợi phẩm” từ biển (vỏ sò, vỏ ốc, những viên đá cuội, những mẩu san hô lạ mắt…) Ngoài ra, nên mang theo vài món đồ chơi ưa thích để con có thể tự bày trò chơi.
Về “bờ ao nhà mình”
Nếu nghỉ tại trang trại hay dã thự của gia đình thì rất tiện. Tuy nhiên, chính vì là “bờ ao nhà mình” nên bạn sẽ phải trực tiếp sờ tay vào nhiều việc chứ không đơn thuần là nghỉ ngơi, thư giãn. Bởi vậy, bạn cần biết điều hành lũ trẻ để chúng trở thành trợ tá đắc lực cho mình, đồng thời phải sáng tạo một chút để kỳ nghỉ nơi điền dã thú vị chẳng kém gì ở resort 5 sao.
Ưu điểm của “bờ ao nhà mình” là sự hiếu động của lũ trẻ sẽ không bị hạn chế. Chúng có thể thoải mái chạy nhảy, tha hồ đào đất, tưới cây, thả thuyền giấy trên ao hồ hay nhóm lửa nướng khoai ngoài vườn. Quan trọng là bạn biết đưa ra vài ý tưởng để kết nối các trò nghịch ấy, lái hoạt động của trẻ theo những hướng hữu ích. Ví dụ, bạn đưa
ra ý tưởng dựng một túp lều rồi huy động các con tham gia phát quang một khoảnh đất và chặt cành nhỏ để dựng lều. Hoặc hô hào tổ chức những cuộc thi nhảy xa rồi rủ các con cùng đào một chiếc hố cát để tập nhảy.
Trẻ con vốn thích được làm những điều mới mẻ và cũng rất khoái khi được trở nên hữu ích. Chưa kể, khi được rèn luyện thói quen lao động, trẻ sẽ biết trân trọng những thành quả lao động của mình cũng như của mọi người.
Mang theo những gì?
Với trẻ 3-6 tuổi thì nên mang theo bộ dụng cụ làm vườn mini với đầy đủ thùng tưới, cuốc, xẻng, cào… Đừng quên đem theo quần áo phù hợp để bé có thể thoải mái bôi bẩn khi vào vai “thợ làm vườn”.
Với trẻ 6-8 tuổi thì nên chuẩn bị một cuốn sổ lớn để con làm “nhà sinh học” sưu tầm các mẫu hoa lá. Cũng nên mang theo cả giấy vẽ, màu tô, đất sét, bộ đồ lắp ráp, những cuốn truyện nhỏ.
Đặc biệt, những món đồ chơi ít có cơ hội tung hoành trong thành phố như: phi tiêu, cung tên, súng nước, bóng đá… nhất định phải được đem theo trong kỳ nghỉ này. Và đừng quên cần câu và vợt bắt cá nữa.
Nào mình cùng dã ngoại
Nếu bạn muốn kỳ nghỉ của gia đình sẽ diễn ra dưới những mái lều thì bạn cần huấn luyện lũ trẻ một chút về kỹ năng dã ngoại. Chẳng hạn khi trời nổi cơn giông phải nhanh chóng lấy áo mưa mặc vào, khi thu gom củi cần chọn cành khô thì mới dễ nhóm lửa…
Đi nghỉ kiểu này sẽ mất kha khá thời gian để bố trí nơi ăn ở. Cho nên bạn nhất định phải giao cho các “du khách nhí” một số nhiệm vụ chứ đừng để chúng rảnh rỗi rồi lại quậy phá và làm vướng chân người lớn. Chẳng hạn trong khi bố bận dựng lều, một đứa có thể chạy đi nhặt cành cây khô để dành tối đốt lửa trại, một đứa thì giúp mẹ dỡ đồ trong các ba lô ra…
Mang theo những gì?
Ngoài đồ ăn thức uống, dụng cụ nhà bếp, bạn cần mang theo: đèn pin, khăn ướt, những đôi giày vải, kem chống nắng, kem chống dĩn, muỗi, bông băng cá nhân, thuốc đau bụng, hạ sốt. Cũng nên cho bé mang vài món đồ chơi hay cuốn sách yêu thích để bé giải khuây khi cần.
Nếu lỡ cuộc dã ngoại của nhà bạn bị thời tiết phá đám khiến mọi người phải sơ tán hay làm nảy sinh những vấn đề bất ổn khác, thì bạn cố gắng đừng tỏ ra bi quan mà hãy cùng nhau bàn thảo để chọn ra một lộ trình hợp lý hơn. Nói cho cùng thì một kỳ nghỉ có thành công hay không chủ yếu là phụ thuộc vào tâm trạng của người trong cuộc chứ không phải vào ngoại cảnh. Và nếu gặp bất kỳ sự cố nào bạn cũng nên cho con cùng chia sẻ, bởi chính những sự cố mà con cùng bạn khắc phục sẽ dạy cho con cách đối phó với khó khăn và giúp con tự tin hơn. Mọi thứ dù hay dù dở đều có ý nghĩa của nó, cuộc sống thú vị chính là ở chỗ đó! Một buổi hoàng hôn tĩnh lặng hay một tia chớp inh tai, một nụ hoa hé nở hay một gã chuột chù gớm ghiếc chạy băng qua… Tất cả sẽ tạo nên một cuộc sống muôn màu. Và lẽ nào đó không phải là những điều mà bạn muốn con mình trải nghiệm?
Chúc gia đình bạn một mùa hè thật vui với nhiều khám phá mới!
Phụ Nữ Ngày Nay