Sau những ngày tiếp ngày bận rộn rối bù với công việc, thật là khó khăn mới có thể thu xếp một chuyến đi cho kỳ nghỉ lễ dài ngày hiếm hoi của hai vợ chồng.
Bạn gieo mình xuống… ôi ước chi là dòng sông Seine! … nhưng thực tại chỉ là một cái ghế sofa có những vết bột của trẻ con và cả một cái gì đó khiến bạn đau nhói! Hóa ra là một khối nhựa xếp hình thằng con bạn vứt lọt vào khe ghế! Lại còn thế nữa! Bạn bỗng cảm thấy một nỗi thất vọng và tức tối trào lên! Chồng bạn vừa gọi điện thông báo: mẹ đồng ý đi cùng bọn mình để trông thằng Tít! Không, trong hình dung màu hồng của bạn, cu Tít sẽ được về bà ngoại chơi mấy ngày, và hai vợ chồng sẽ nhẹ tênh hít thở một vài ngày hiếm hoi được tách rời khỏi mọi ràng buộc, trách nhiệm, lo toan, nhìn trước ngó sau kia!
Bây giờ thì trước mắt bạn là một tương lai xám xịt, kinh hoàng. Buổi trưa nào ở cơ quan bạn cũng được nghe cơ man nào là những lời than vãn của mấy chị em cùng phòng về những nỗi khổ sở sống chung cùng ông bà.
Vừa mới tuần trước thôi, chị Q đã làm cả hội mất ngủ mấy bữa trưa chỉ vì những câu chuyện cười dở mếu dở của chuyến đi nghỉ mát “cả nhà”. Muốn đi dạo biển đêm để nhớ lại những kỷ niệm “nắm tay nhau còn run” ư? Bà bảo 9 giờ phải cho trẻ con ngủ, ok, bà sẽ trông con giúp cho nhưng chúng mày đi đâu nhanh nhanh lên đừng có về khuya đấy. Vâng, vâng, vâng. Hai vợ chồng vâng đều, dạ ran và biến hút. Bà thật là tuyệt vời!… 15 phút sau, chuông điện thoại réo lên giữa biển đêm thanh vắng khiến hai vợ chồng giật bắn, cuống cà kê tìm điện thoại và ngã bổ chửng khỏi tảng đá “lãng mạn” tìm chọn mãi mới được. Đơn giản chỉ là: chúng mày để hộp sữa ở đâu, bà tìm không thấy? Và, cứ khoảng mươi phút một lần, điện thoại lại reo vì con mày nó không chịu đánh răng, nó khóc đòi mẹ, nó… bà không dỗ được con cho anh chị đâu, liệu mà về. Thì về, chứ còn hứng khởi gì, lãng mạn gì nữa? Đi chơi hả, đi đâu cũng một bầu đoàn thê tử. Bà thì quần chùng áo dài – “đi biển mà mẹ mặc vậy trông kỳ chết! – mẹ không quen, chúng mày cứ kệ tao”, trong khi chị thì quần soọc tũn tỡn, áo hai dây, nếu không thì váy mỏng, hở hết mức có thể, bà không nói gì nhưng mắt bà nhìn chị khiến rát cả cái chỗ dây áo, nắng giữa trưa cũng không rát bằng.
Chưa hết, bơi, nghịch sóng, chạy đùa suốt sáng cùng các con, mọi việc rất ổn, rất vui, bụng ai cũng đói meo và háo hức với bữa trưa có ghẹ tươi và mực ống xào thơm phức, thì bỗng phát hiện ra: ông đi đâu rồi ấy nhỉ? Đi tìm, chờ đợi. Bụng réo sôi. Thức ăn nguội ngắt. Hóa ra ông về phòng nằm từ lúc nào. Tức điên lên, cố nén, nhẹ nhàng hỏi, thì ông trả lời tỉnh queo: tao mệt, chúng mày cứ ăn đi, tao không đói. (Thực ra là ông dỗi chỉ vì lúc chọn chỗ ăn, ông muốn “về đằng khách sạn ăn cho gần mà lại rẻ”, còn chị thì lại muốn “cả nhà chịu khó đi bộ thêm vài bước chân để đến quán Ti-tan góc đằng kia mới có đồ ăn tươi và đảm bảo”). Lại nữa, trên đường đi, chị muốn dừng lại ngắm cảnh vật trên đèo cao gió lộng một lúc nhưng anh giục đi mau mau lên đến nơi còn nghỉ, ông bà mệt rồi! Thế nhưng ngày đi chơi hôm sau, chiều đã muộn, phải khởi hành về khách sạn nếu không muốn 1h đêm mới ăn tối, cả nhà vẫn phải kiên nhẫn đợi bà mê mẩn với những thứ vòng quê kiểng lấp lánh mà ở chỗ du lịch nào cũng bày bán ê hề.
Đấy, thử hỏi còn gì đáng mong chờ nữa chứ? Thà mấy ngày nghỉ nằm dài ở nhà ngủ còn sướng hơn!… Và bạn thấy mình muốn bật khóc, thấy mình không mong chờ cái gì nữa hết. Ồ, vậy là có một cái gì đó không ổn, rất không ổn. Bạn hít một hơi thở dài, thật sâu – khi có chuyện gì bực bội, ta cần một hơi thở “ngăn đập” như thế. Rồi, tiếp sau làm gì nữa đây? Chưa làm gì cả. Bạn vẫn cứ ngồi như thế, thở nhẹ, nhìn bóng cây buổi chiều đổ bóng lên tấm rèm mỏng màu xám nhẹ… Tác dụng tốt. Bạn bắt đầu thư thái trở lại.
“OK, bây giờ ta phải nghĩ một chút. Có cách nào không đi với ông bà được không? Không được đâu, dễ hai ba năm nay ông bà của bọn nhóc chẳng đi đâu, lúc thì ông ốm, lúc thì bà bận trông cháu cho chị chồng. Đáng lẽ ra, bạn phải lường trước, phải chu đáo hơn mới phải.
Nếu bạn muốn nghỉ ngơi xả láng kiểu chỉ có “chàng và nàng” thôi thì bạn phải lên kế hoạch trước, phải tìm cách tỉ tê để bà đi chơi cùng mấy bà bạn tập thái cực quyền, hoặc cùng bà dì đi lễ chùa Bái Đính, nói tóm lại là để bà muốn đi đâu thì đi, bạn sẵn lòng chi để bà có thể thoải mái một chuyến cái đã. Bà vừa đi chơi rồi thì vợ chồng bạn có kéo rủ, bà cũng chả đi cùng đâu. Đằng này, bạn đã không làm thế và kiểu này là phải đi cả nhà.
Bạn đã có nguyên tắc, cái gì không thể tránh được thì phải dũng cảm và khôn ngoan giải quyết, than thở chán chường, ích chi?
Đi cùng với ông bà ư? Chưa phải là tận thế, có khi lại hay, có bà đi thì sẽ mang được cả cu Tít đi mà không đến nỗi phải một mình đầu bù tóc rối lo cơm cơm cháo cháo rồi bồng bế suốt ngày. Hơn nữa, cu Tít lại được đi chơi cùng cả nhà. Đơn giản là bạn phải nghĩ cách làm sao để cải thiện tình thế. Thế này nhé, phân vai rõ ràng cho cả nhà: mẹ cứ nghỉ ngơi cho thoải mái, muốn dậy lúc nào, muốn ăn lúc nào cũng được. Nếu có một buổi mẹ trông cu Tít cho con thì cho bọn con đi chơi tối khuya khuya, mẹ đồng ý trước cho con rồi đấy nhé, cu Tít cũng đồng ý rồi đấy nhé. Bạn sắp sửa cháo ăn liền, mì tôm, bánh ngọt cho cu Tít trước, phòng khi nó không kịp ăn với người lớn thì đã có đồ “cứu trợ”. Và bạn cũng xác định tư tưởng trước là con có nhỡ bữa một chút nhưng cả nhà được bữa chơi bời sung sướng với sóng và gió biển thì cũng đừng có lo lắng sốt ruột, trái lại phải thấy vui và thoải mái. Bố cu Tít chịu trách nhiệm làm sao để mọi người được chơi càng nhiều càng tốt, hứa là bế cu Tít khi con quấy đấy. Chồng bạn sẽ gật đầu, đồng ý – chuyện này “nhỏ như con thỏ” – cả nhà cười vui… “Còn con, chịu trách nhiệm quyết định chỗ ăn uống, chỗ nào ngon nhất mà không quá đắt thì mình đi, nhưng riêng khoản này, mẹ cho con lãnh đạo nhá!”. Không khí đang vui vẻ nên mẹ chồng bạn sẽ cười, bảo: vâng, ai chủ chi thì người ấy quyết, tôi chả bảo sao. Bà với cu Tít ăn gì mà chẳng được, nhỉ?…”.
Hình như các bánh răng đã khớp vào nhau. Nhưng, hãy nhớ, mọi việc không dễ, và chẳng có gì là hoàn hảo cả đâu, nhất là đi chơi với mẹ già và con nhỏ. Biết là như thế rồi thì chấp nhận thôi. Trong tất cả mọi chuyện, không trông đợi nhiều, chuẩn bị tư thế đón nhận mọi phiền phức có thể sẽ khiến bạn nhẹ nhõm hơn. Coi một chuyện trái ý mình là nhỏ, quên nó đi, thì nó là nhỏ, để ý quá nhiều đến nó, nghĩ nó là nghiêm trọng thì nó sẽ thành ra ngày càng to tát. Bạn hít một hơi nữa thật sâu. Khoát tay vứt bộ mặt âu sầu. Nhặt miếng đồ chơi xếp hình của con cho vào giỏ, và khe khẽ hát.
Phụ Nữ Ngày Nay