Năm 2017, theo ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường (ĐTĐ) Thế giới số người mắc ĐTĐ đã lên tới 415 triệu người. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ lên tới trên 600 triệu người.
Hiện nay, có hơn 199 triệu phụ nữ mắc đái tháo đường trên thế giới, con số này dự kiến sẽ tăng lên 313 triệu vào năm 2040. Trong đó, có khoảng 10-15% trẻ em mắc bệnh trên tổng số bệnh nhân ĐTĐ.
Theo thống kê của Bộ y tế, Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Con số này dự báo tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Mặc dù, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường… Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bộ y tế cả nước mới chỉ có 28,9% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%.
Trong buổi gặp trao đổi thông tin với báo chí về Hội trại dinh dưỡng đái tháo đường tên gọi “Chung tay kiểm soát và đẩy lùi bệnh đái tháo đường” lần III – năm 2018 (Diabetes Camp – 2018) diễn ra vào chiều 23/10, PGS.TS Tạ Văn Bình – Nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội), Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam nhấn mạnh: “ĐTĐ thực sự là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sơm bệnh ĐTĐ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm”.
PGS Tạ Văn Bình cũng cho biết thêm, nếu cách đây 10-20 năm thì người ta khuyên bệnh nhân ĐTĐ càng ăn ít tinh bột thì càng tốt, càng chia nhỏ bữa ăn ra bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên hiện nay lại có quan niệm khác, nếu bệnh nhân ĐTĐ ăn được 3 bữa thì rất tốt bởi nó giúp cho tuyến tụy có thời gian nghỉ ngơi.
Nếu trước đây điều trị bệnh ĐTĐ thì làm sao để đường máu thấp thôi, đừng bao giờ vượt quá để qua đường niệu thì bây giờ lại khác, chúng ta điều trị để làm sao rút đường và nước tiểu ra cùng một lúc với natri. Khi rút đường với natri qua nước tiểu sẽ làm giảm mức độ suy tim, giảm số đo huyết áp, ngăn ngừa hội chứng tim mạch… kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ĐTĐ.
Về Hội trại dinh dưỡng đái tháo đường năm nay, PGS Bình cho hay, mục tiêu hội trại nhằm đem đến một ngày hội hướng dẫn, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cung cấp kiến thức bổ ích cho cộng đồng và người bệnh đái tháo đường. Đặc biệt cung cấp kiến thức phòng ngừa bệnh đái tháo đường ở trẻ em và kiểm soát biến chứng bệnh nhi đái tháo đường.
“Nhiệm vụ của Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam là làm sao để những người đái tháo đường nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung hiểu được rằng bệnh đái tháo đường là một đại họa của thế kỷ 21, vì hiện nay 6 giây thì có một người chết bởi đái tháo đường”, PGS.TS Tạ Văn Bình thông tin.
Ban tổ chức cũng cho biết thêm, hội trại dinh dưỡng đái tháo đường lần III này sẽ dự kiến khoảng 1000 đến 1.200 người tham dự, diễn ra từ 7h đến 17h ngày 28/10/2018, tại Trung tâm y tế quận Hà Đông (Hà Nội).
Theo Dân Trí