“Nghề nào rồi nó cũng có những vất vả, thách thức riêng, với Dương trái sầu riêng đã trở thành nền tảng kinh tế của gia đình từ bao đời, nó cho Dương niềm tin, sự nỗ lực và cả niềm tự hào” – Doanh nhân Nguyễn Thị Thùy Dương tâm sự và không ngại chia sẻ về bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực kinh doanh nông sản mình đang theo đuổi.
Xin chào Thùy Dương, được biết Thùy Dương là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối hoạt động kinh doanh nông sản?
Xin chào mọi người, cảm ơn mọi người đã dành sự quan tâm cho Thùy Dương.
Đúng! Dương là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp tục gắn bó với hoạt động kinh doanh nông sản. Trong gia đình Dương, ông nội và cha cũng đã đi qua bao thăng trầm với nghề này.
Trong một số bài báo trước đây, Thùy Dương từng chia sẻ gia đình đã xảy ra không ít biến cố khi gắn với nghề kinh doanh nông sản, vậy tại sao bạn vẫn tiếp tục kế nghiệp gia đình?
Bản thân Dương là người đã chứng kiến những thăng trầm trong kinh doanh của cha. Có thể ngày bé, Dương chưa lý giải được hết mọi lý do, chỉ biết thị trường thay đổi do hàng Trung Quốc có mặt ở khắp nơi và gia đình Dương thua lỗ do không thể cạnh tranh được về giá. Tuổi thơ của Dương cũng trải qua những ngày tháng vất vả khi gia đình phá sản, mất trắng. 8 tuổi Dương đã cùng ba mẹ bán sầu riêng ở các chợ tỉnh như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Nhưng có lẽ sự kiên trì theo đuổi nghề của cha, sự nỗ lực của toàn gia đình để vực dậy kinh tế đã khiến Dương càng trân quý, càng tự hào hơn về cái nghề của gia đình. Và cũng tự lúc nào mà Dương tin rằng mình cũng sẽ như cha, sẽ đi lên từ cái nghề này.
Tiếp quản hoạt động kinh doanh của gia đình, bạn có những quyết định táo bạo hay sự bứt phá nào để đưa doanh nghiệp phát triển?
Có thể nói bứt phá lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của gia đình Dương chính là quy trình sơ chế sầu riêng đông lạnh và xác định đúng tiềm năng xuất khẩu của trái sầu riêng. Hiện tại, Dương đã mạnh dạn mở rộng thêm một số mẫu sơ chế sầu riêng để đảm bảo nguyên liệu cho các công ty sản xuất bánh kẹo.
Quy trình bảo quản và chế biến sầu riêng của doanh nghiệp bạn có gì đặc biệt?
Về quy trình bảo quản và sơ chế sầu riêng của công ty Dương thì cơ bản có hai hướng. Một mặt công ty luôn đẩy mạnh, khuyến khích và hỗ trợ nhà vườn việc sử dụng, canh tác đúng phương thức để có được sản lượng và chất lượng sầu riêng cao nhất. Thứ hai là sơ chế cơm sầu riêng thành các nguyên hương liệu phục vụ các cơ sở sản xuất bánh kẹo. Đặc biệt trái sầu riêng tự rụng 100%, đây mới là loại sầu riêng được đánh giá cao về mùi hương đặc trưng.
Những thách thức mà doanh nghiệp của Dương gặp phải khi làm việc với các đối tác nước ngoài là gì?
Cũng có khá nhiều thách thức cả chủ quan lẫn khách quan. Thứ nhất, sầu riêng là loại cây trồng lâu năm và chịu ảnh hưởng về thời tiết. Nếu đã gần đến ngày thu hoạch mà gặp mưa, bão, nhiễm mặn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng. Lúc này công ty sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với các hợp đồng đã ký kết.
Thứ hai là thị trường sầu riêng quốc tế vẫn chưa đánh giá cao trái sầu riêng Việt. Câu chuyện về thương hiệu trái sầu riêng Việt là điều cần được giải quyết của các công ty kinh doanh xuất khẩu trái sầu riêng và cả các cơ quan ban ngành.
Một năm công ty Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Tuấn Khiêm xuất khẩu sản lượng bao nhiêu qua thị trường nước ngoài? Thùy Dương có thể chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu sầu riêng trong những năm sắp tới ra sao?
Hiện nay, doanh nghiệp của Dương xuất khẩu ra thị trường nước ngoài 30% doanh thu. Trong thời gian tới, doanh nghiệp của Dương sẽ tiến hành thực hiện các chứng nhận về nguồn gốc và kiểm định quốc tế để có thể xuất khẩu ra các thị trường lớn hơn.
Dương vẫn đặc biệt đặt niềm tin vào tương lai ngành xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu trái sầu riêng ra nước ngoài. Vấn đề trước mắt chúng ta hãy khẳng định chất lượng và tiềm năng cung ứng của mình.
Và đó là lý do doanh nghiệp của Dương đang đẩy mạnh vào việc ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác trái sầu riêng?
Đúng vậy, thiếu hụt ở đâu thì phải tập trung giải quyết ở đó. Ngày xưa nhà vườn trồng cây sầu riêng phải mất đến 10 năm 12 năm mới cho thu hoạch. Song việc áp dụng canh tác 10 năm trở về đây thì cây sầu riêng chỉ mất 5 năm là đã có thể cho thu hoạch. Những giống sầu riêng ghép không những mang đến hiệu quả tăng năng suất mà còn cải thiện chất lượng nông sản.
Tên gọi “Nữ hoàng sầu riêng” có tạo áp lực gì cho Dương không?
Đối với tên gọi “Nữ hoàng sầu riêng”, ban đầu đây là cách gọi thân mật và vui vẻ mà mọi người dành cho mình. Danh xưng này cũng khiến Dương cảm thấy gần gũi hơn với khách hàng và đối tác. Song dần dà, danh xưng này đã lại trở thành một yếu tố gắn bó với cả Dương lẫn doanh nghiệp. Cũng chính vì thế mà Dương áp lực hơn về việc phát triển chất lượng cũng như sự uy tín của thương hiệu. Tuy thế Dương cũng coi đây là nguồn động lực lớn cho mình.
Được biết, doanh nghiệp của Dương cũng thường xuyên có những hoạt động vì cộng đồng?
Làm gì cũng vậy, chúng ta đều mong muốn được đóng góp những giá trị thiết thực cho xã hội. Hằng năm, doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Tuấn Khiêm đều thực hiện hoạt động thiện nguyện, tặng 1.000 phần quà và gạo. Mỗi tháng đều có đóng góp, ủng hộ cho các nhóm thiện nguyện tại bệnh viện, hội chữ thập đỏ… Doanh nghiệp cũng trích một số tiền để làm thiện nguyện cho các trẻ em vùng cao, trẻ em khó khăn. Doanh nghiệp cũng cố gắng chăm lo cho đời sống công nhân viên một cách tốt nhất.
Lắng nghe “Nữ hoàng sầu riêng” chia sẻ những tâm huyết của mình với nghề mới thấy được hết cái “tâm” và “tầm” của nữ doanh nhân trẻ. Cô mang trong mình tình yêu, niềm tự hào đối với nghề nghiệp truyền thống của gia đình.
Cô cho người đối diện một sự tin tưởng, tin rằng những khát vọng của Thùy Dương sẽ luôn bùng cháy và cô sẽ cùng doanh nghiệp của mình đạt được những mục tiêu như đã định.
Nội dung được thực hiện theo GPKD của Đại Việt Toàn Cầu.