Điều khiến các bà mẹ quan tâm và thường gặp phải là khó khăn trong việc dạy các bé trai các kỹ năng sống.
- Mẹ làm cha: Sẻ chia nhiều… để trái tim rộng mở hơn
- Phong cách làm cha mẹ của bạn qua việc đưa con đi học
- Mẹ đơn thân – Lựa chọn không dễ dàng
“Tôi không khó khăn trong việc dạy con học, đưa con đến trường nhưng dạy con cột dây giày thì vô cùng vất vả. Hàng chục lần ngồi cùng chiều, ngược chiều, dạy từng ly từng tý, thằng bé vẫn rất chật vật và chúng tôi thường xuyên đi muộn vì chuyện này. Đổi sang các loại giày lười là giải pháp tôi phải tìm ra sau khi hết kiên nhẫn !”, mẹ đơn thân có nick nhimxu1…, kể.
“Chả gầy còm ốm yếu gì, nhưng khi tập cho con trai đi xe đạp, tôi đã có lúc bật khóc vì nghĩ sao mình lại không thể tìm cho con một ông bố để có thể dạy con có những kỹ năng sống đơn giản thế này. Chúng tôi mất cả tháng để thằng bé có thể đi vững, trong khi tôi thấy những trẻ khác tập cùng bố chỉ mất vài ngày…”, một bạn đọc từ Hà Nội chia sẻ.
“Tôi cho con đi tập bơi ở hồ bơi Yết Kiêu, các thầy cô dạy chuyên nghiệp, có phương pháp và cháu bơi được rất nhanh, nhưng chạnh lòng, phải chi cháu được học bơi cùng bố thì tốt biết mấy, trong khi bố lại đoạt giải quán quân môn này mà con thì phải học từ người khác thì cũng thấy có chút xót xa…”.
“Đàn ông tập các kỹ năng sống cho con trai dễ dàng hơn phụ nữ, đó là quan niệm chung của nhiều người và điều này rất hợp lý nhưng các bà mẹ đơn thân hiện đã có nhiều giải pháp khác mà tôi nghĩ có khi còn tối ưu hơn cả các cặp vợ chồng, khi các bé trai có cả bố lẫn mẹ hướng dẫn”, bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc trung tâm tư vấn FDC nhận xét.
Cũng theo bà Thương, các bé trai bị ảnh hưởng khá nhiều bởi bố nhưng kỹ năng sống không hình thành trong vài lần hướng dẫn mà là cả một quá trình con ở bên, theo dõi, làm theo… Những kỹ năng như bơi lội, tập xe đạp, xử lý tình huống, mẹ có thể chỉ cần quan sát, giám sát và cho bé tự học cùng bạn bè, những người xung quanh. Điều dễ nhận thấy là thiếu vắng bố, bé trai có thể nhận được sự chăm sóc “manly” từ ông ngoại, cậu, bác, các nam đồng nghiệp của mẹ. Và vấn đề chia sẻ từ cộng đồng với các bà mẹ cần làm cha nằm ở đây.
Bạn sẽ tìm thấy các lớp dạy kỹ năng sống cho bé trai ở đâu?
Câu hỏi này đã nhận được ý kiến rất cụ thể và hiệu quả từ chính các bà mẹ:
– Những lớp học kỹ năng mềm như: Học kỳ quân đội, các nhóm hướng đạo sinh… làm việc này khá tốt với những trẻ từ 6 tuổi trở lên. Còn “nhi đồng quá” thì có các nhóm học vào mùa hè. Các nhóm học này tăng cường khả năng giao tiếp, tiếp nhận kỹ năng cho các cháu và điều đó tạo nên thuận lợi khi chính các mẹ dạy con, tập cho con các kỹ năng khác…
– Nhờ những người đàn ông khác trong gia đình hướng dẫn cho bé trai.
– Các clip dạy kỹ năng khá phổ biến trên YouTube, đừng ngại tìm, hãy quan sát và xem clip trước rồi dạy cho bé làm cùng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Chuyên gia tư vấn tâm lý Học ăn, học nói, học gói, học mở…. Học kỹ năng sống từ người thầy đầu tiên là mẹ. Người mẹ là người gần gũi với bé con nhiều nhất và biết rõ con mình cần gì, thiếu gì? Với trẻ nhỏ, mẹ có thể hướng dẫn kỹ năng cho bé, “bày trò” cho bé bằng những cuộc thi, trò chơi “nào ta cùng làm” với bé ví dụ như cột dây giày, tự xúc cơm ăn, gấp áo quần… hoặc đặt đồng hồ để chấm điểm, kích thích bé hoàn thành tốt một công việc nào đó! Cho bé tham gia các sinh hoạt đội nhóm ở nhà thiếu nhi, các khóa học Hướng đạo sinh, Kỹ năng sống… tạo các cơ hội để bé gia nhập các hoạt động cộng đồng. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, bé cần những kỹ năng khác nhau. chỉ gần gũi con, hiểu con mẹ mới biết dạy con kỹ năng nào và dạy như thế nào cho hiệu quả? nếu kỹ năng nào ngoài tầm của mẹ, hãy mạnh dạn nhờ sự hỗ trợ của thầy/cô, bạn bè, đồng nghiệp, người thân… Có nhiều người thầy không chỉ giúp trẻ thuần thục kỹ năng, mà còn cho trẻ khả năng giao tiếp, biết thích ứng và hòa nhập với những người xung quanh; kết nối trái tim của trẻ với tình yêu thương của mẹ, của những người thầy, những người bạn để trẻ luôn cảm nhận được trẻ đang lớn lên trong tình yêu thương và hạnh phúc! |
Phụ Nữ Ngày Nay