Bé con nhà tôi vừa mới 2 tuổi, nhưng luôn biết cám ơn, xin lỗi, chào hỏi, vứt rác đúng chỗ, quan tâm hỏi han người khác… Tôi có vài kinh nghiệm “huấn luyện” như sau.
Đảm bảo quyền dạy con của mình
Nghe có vẻ thừa, ai dành của mình đâu. Nhưng đây là sự thực. Tôi thấy nhiều người vì cha mẹ bận việc, cứ nghĩ con mới nhỏ xíu nên toàn vứt cho ông bà hoặc người giúp việc. Trong khi những người già hoặc từ quê lên, quan điểm sống của họ rất khác, có đôi khi lạc hậu. Hoặc có cha mẹ còn để cho hàng xóm, người qua đường ai cũng có thể “dạy” con mình.
Chẳng hạn, có khi bé mút tay lúc tôi bế ngoài đường, vài người lớn cứ đánh nhẹ tay bé “Không được bú tay, bẩn, bỏ ra”. Tôi không thấy việc con mình khi buồn ngủ hoặc mệt thì mút ngón tay có gì là xấu phải ngăn cản. Bởi vậy, không muốn làm mất lòng họ, nhưng tôi thường kéo bé ra xa và nói “Bác kệ cháu ạ”. Hoặc có khi, người thân quen hơi một chút muốn “uốn” bé theo kiểu của họ. Tôi nói thẳng luôn “Em không nghĩ thế, mà…”. Một vài lần, những người đó tự rút ra dạy con là việc của tôi, chỉ tôi mới được quyết định.
Một sự cố xảy ra nhưng nó lại trở thành một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Từ lúc bé 18 tháng, tôi không thuê giúp việc ở luôn trong nhà nữa mà cho con đi nhà trẻ và chỉ thuê người chăm con vài tiếng mỗi ngày khi cần. Bởi vậy, tôi ngăn được rủi ro bé ở nhà, học những thói quen mà tôi không mong muốn hoặc không kiểm soát được.
Khi chọn nhà trẻ, tôi cũng lựa khá kĩ dựa trên tiêu chí một nhà trẻ có phương châm giáo dục tử tế chứ không phải là vẻ ngoài cơ sở vật chất hoành tráng. Tôi đọc kĩ về các phương pháp giáo dục sớm, đến trực tiếp xem trường, nói chuyện với cô giáo quản lý, cô giáo dạy trực tiếp con, ngồi dự lớp vài buổi đầu tiên, xem thông tin trên trang web/ facebook của trường. Việc xem thông tin này thực ra lại rất quan trọng. Mọi người cứ nghĩ là trang web bao giờ cũng mang tính marketing, cho nên cái gì mà chả hay, chả tốt. Nhưng có một điều, chính trong cách họ marketing, ta sẽ phần nào biết được quan điểm kinh doanh của họ là gì. Vì cách kinh doanh ấy nó sẽ ảnh hưởng rất quan trọng đến định hướng giáo dục và chăm sóc của họ.
Mẹ tự “dạy” mình trước
Đảm bảo việc dạy con chỉ được chi phối bởi chính mình, và môi trường giáo dục đúng phương châm của mình, tôi phải đảm bảo việc thứ hai là mình sống đúng như cách mình muốn dạy con. Không thể muốn con biết cảm ơn, xin lỗi người khác nếu bản thân mình không làm như thế. Bởi vậy, từ lúc con còn chưa biết nói, mỗi lần mẹ lỡ tay làm đau con tí ti khi mặc áo, buộc tóc chẳng hạn, tôi đã phải xin lỗi con. Và tôi cũng thường xuyên xin lỗi, cảm ơn người khác. Có lần tôi thấy bé mãi chạy ở khu trò chơi, vô tình va vào người khác, bé đã biết phản xạ ngay “I’m sorry” (con tôi được dạy song ngữ).
Hay mỗi khi giả bộ nhờ con làm gì, “Con đưa giúp mẹ con búp bê được không?”, tôi đều phải cảm ơn thật sự. Để huấn luyện thói quen, khi giúp con, tôi thường nhắc “Cám ơn mẹ chưa?”. Nhưng cũng nhiều lần tôi vô tình quên cám ơn con, thế là bé bèn nhắc “Mẹ cám ơn con chưa?”. Dù rằng thực ra hành động của bé lúc đó chả có gì là “làm ơn” cho mẹ cả, nhưng tôi vẫn sẽ cười “Ừ, mẹ cám ơn con”.
Mỗi lần con tôi làm được việc gì, không chỉ là làm đúng, mà dù chỉ là sửa sai (trở nên ngoan hơn sau một lúc gào khóc giận dỗi chẳng hạn), tôi cũng vỗ tay khen. Bé vì thế cũng biết vỗ tay khen khi bé nghĩ rằng tôi hay bạn khác, người khác làm đúng, làm tốt được việc gì.
Khi bé làm hư hỏng đồ đạc, đổ bể thì đó với tôi cũng không phải là tội lỗi gì lớn tới mức bi quát mắng, đánh đòn như ở một số nhà khác tôi thấy. Nhưng tất nhiên tôi phải chỉ cho bé thấy cái sự “hư” của mình. Chẳng hạn bé đòi tự pha sữa bột, rồi làm đổ lung tung, tôi sẽ mắng nhẹ kiểu “Con làm đổ rồi kìa. Dọn cho mẹ đi”, và đưa tờ giấy hoặc khăn sạch cho con lau. Hẳn nhiên bé sẽ lau không sạch, nhưng mẹ sẽ sửa chữa nốt phần còn sót lại của con. Từ đó tôi để ý thấy bé rất xông xáo “sữa chữa lỗi lầm” khi gây ra những trò phá phách như thế.
Khi tôi làm lỗi, tôi cũng tự nhận mình hư, để làm gương cho bé về việc nhận lỗi về mình. “Mẹ hư quá, mẹ làm đổ nước ra sàn rồi nè”. Con bé thường cười tán thành “Mẹ hư quá”, và tôi sẽ nhờ con phụ mình lau chỗ nước bẩn để con thấy mình cũng rất có “vai vế” trong nhà.
Luyện khái niệm của “yêu thương”
Khi đi chơi, gặp thùng từ thiện, tôi hay đưa tiền cho con bỏ vào. Khi công ty đi từ thiện, tôi cũng đem con theo, để con chơi hòa đồng với các bạn khuyết tật, mồ côi. Chắc chắn là con chưa biết ý nghĩa việc mình làm đâu, nhưng tôi nghĩ những hành động ấy sẽ phần nào được lưu vào bộ nhớ của con, thẩm thấu vào nhân cách của con sau này.
Cũng có những khi, tôi “ăn may” dạy cho con được vài thói quen tốt. Chẳng hạn, khi ăn, tôi nhường cho con phần ngon. Khi con không ăn nữa, còn miếng cuối cùng, tôi muốn ăn hết nhưng sợ con “bắt đền” nên cứ hỏi trước “mẹ ăn nốt nha”. Vậy là gần đây, con ăn miếng ngon thì luôn nhớ mời mẹ, bắt mẹ ăn cùng. Còn một vài miếng trong đĩa, con trước khi ăn cũng hỏi mẹ “Con ăn nốt nha”.
Mỗi ngày, khi đánh thức dậy, lúc chia tay con đi học, trước khi đi ngủ, tôi đều nói “Mẹ yêu con”, và ôm hôn quấn quýt. Bé cũng học điều đó, nên mỗi khi cuối tuần, mẹ cố tình ngủ nướng lâu hơn con, bé sẽ hôn lên má mẹ và thì thầm “I love you” để đánh thức mẹ dậy chơi. Hay lúc ngủ, sau lúc đọc sách, mẹ hôn con xong, bé cũng sẽ hôn lại mẹ “Good night, I love you”.
Tôi để con tự làm theo ý mình với những thứ con có thể và muốn làm, chẳng hạn mang giày, mặc áo, trải thảm chơi… Chỉ khi đợi một lát, thấy con không làm được, tôi mới đề nghị giúp “Mẹ giúp con nhé”. (Thực ra là con bé nhà tôi rất cá tính, nên nếu con chưa muốn sự hỗ trợ, mẹ mà mó vào thì sẽ biết tay ngay). Nhưng vì thế, mà dạo gần đây, con đã biết dùng từ giúp đỡ. Khi con thấy mẹ hoặc ai đó lay hoay làm gì, còn sẽ nói “Let me help you”. Con còn biết nhận diện hành vi giúp đỡ khi ai đó làm cho mẹ được việc gì, chẳng hạn như “Ah chị Cún giúp mẹ được rồi. Hoan hô”.
Mới đây, khi qua chơi nhà hàng xóm, nhìn thấy bác chủ nhà bị băng tay, bé hỏi ngay “Bác đau hả”. Rồi nó chỉ gói thuốc trên bàn “Bác uống thuốc đi, đừng khóc nhé”. Trước khi về, nó còn chào “Chào bác. Bác nghỉ đi”. Thực ra bé còn chưa hiểu ý nghĩa của những lời chăm sóc đó, mà chỉ “phát lại” những gì đã nghe, đã thấy. Nhưng vì thế tôi mới càng thấy việc “sàng lọc” môi trường dữ liệu xung quanh trong hành trình lớn lên của bé là vô cùng quan trọng.
HỒNG NGUYỄN