Một khi gia đình phải chấp nhận sống tiêu cực trong một xã hội nhiều tiêu cực thì hy vọng gì con em nó nhận thức đúng?
Một số bậc cha mẹ thắc mắc sau khi xem một chương trình trên ti-vi. Vài đứa trẻ, có MC dẫn dắt để thảo luận, quan tâm những chuyện đại sự như tham nhũng… (chương trình Những đứa trẻ hay chuyện do VTV6 sản xuất)
Họ băn khoăn không biết có nên làm vậy không, hay là để trẻ con nó làm việc và suy nghĩ chuyện trẻ con như học hành, vui chơi, cư xử bạn bè, đi cắm trại… để rèn luyện kỹ năng sống?
Có người lại nói, hiểu biết xã hội cũng là rèn kỹ năng sống. Cho nó biết cuộc đời không dễ dàng, cái thiện không phải bao giờ cũng chiến thắng cái ác như trong cổ tích…
Những mục đích ấy là cần, nhưng quan trọng hơn là cái CÁCH chúng ta làm.
Trong xã hội, giờ có nhiều hiện tượng tiêu cực mà ngay cả hệ thống luật pháp, thể chế xã hội, những người tâm huyết , ra sức “chiến đấu” để làm cho xã hội trong sạch, mà vẫn còn vất vả, nhức nhối. Nhưng “kẻ thù “ lại luôn giấu mặt. Có những cung cách, lối cư xử lại đã biến thành “ chuyện thường ngày ở…nhà” (không phải ở huyện nữa nhé).
Chuyện thường thôi mà, có lý bảo vệ hẳn hoi nữa. Con cái bé tý đã phải chạy trường, không chạy để học trường làng trường phường với con cái xích lô ba gác à? Có phải mình không có quan điểm giai cấp đâu, nhưng rõ ràng thực tế chả ai đầu tư cho những trường như thế. Con cái nhà lao động bố mẹ nhao đầu kiếm sống có dạy dỗ gì con. Nhiều đứa bé hư, “đầu gấu “ trong lớp đó thôi. Có phải tự nhiên người ta muốn chạy trường đâu. Có trường cho trẻ nứt mắt, đưa cả mấy ngàn đô họ nhận cho đã mừng.
Đó, có cả trăm chuyện “có lý “ như thế để bào chữa cho chúng ta. Con cái sắp ra trường, giờ lo cho nó có biên chế, đừng có tưởng ai cũng đi làm cho công ty nước ngoài lương cao đâu. Học hành cà lơ phất phơ. Vào biên chế tuy lương không nhiều nhưng bảo đảm, lấy nhàn làm lãi, tranh thủ đi học lấy thêm bằng cấp. Lễ tết, chia chác, không kếch sù nhưng “lương thiện “ và nhàn nhã. Nếu lọt vào cơ cấu thì “hoàn vốn “ mấy hồi, mà là bình thường trong sạch nhé.
Tiền thì ai chả phải lo đi kiếm. Người giàu có họ ở những Ciputra, The Mano, đi xe BMW, Bentley, có nhà lớn mấy chục tỷ. Đau ốm cái, là tót sang Sing chữa chạy. Người ta bảo, khoảng cách giàu nghèo thể hiện ở nhà cửa xe cộ, cung cách ăn tiêu và hưởng thụ y tế.
Cứ vào bệnh viện xem. Có cả cảnh người bệnh tự đem đinh búa vào, ra vườn đóng đinh lên cây cạnh ghế đá, để treo cái dây truyền thuốc, bởi trong phòng làm gì có chỗ. Chuyện bệnh nhân chui dưới gầm giường đứng chào Bộ trưởng Y tế đi thị sát tình hình quá tải bệnh viện là có thật đó.
Kể ra nữa còn bao chuyện bi hài, cứ như là than vãn, nói xấu. Nhưng không, đó là thực tế còn kéo dài, mỗi người dân phải chịu lo thân.
Lý lẽ ấy, cách kiếm tiền, tiêu pha, ăn nói của chúng ta, rất hợp lý, chúng ta thấy mình không có lỗi gì.
Và con cái chúng ta nhìn thấy tất cả, vô tư nhiễm tất cả lý lẽ. Không ai có thể phê phán ta. Ta đã sống và nương theo thói đời, củng cố cho các thói đời càng thêm hiển nhiên và vững chắc.
Nói một hồi, lại đưa ra lý sự “quá cũ”: Lại muốn nói giáo dục con trẻ bằng cha mẹ làm gương chứ gì? Thật là thất vọng quá, tưởng có gì mới chứ.
Thì đúng thế đó, mọi lý lẽ giáo dục nó đúng như thế. Một khi gia đình phải chấp nhận sống tiêu cực trong một xã hội nhiều tiêu cực thì hy vọng gì con em nó nhận thức đúng? Gia đình giữ gìn đạo đức mà có khi con vẫn hư (tại xã hội nọ kia nữa), cho nên ta lại càng phải cố chứ không lấy đó làm lý do chính đáng để “sống theo thời”. Và có một điều ít người thích làm, đó là sự nỗ lực gìn giữ, nó cũng nhiễm vào con cái chúng ta theo con đường vô hình mà tuyệt diệu. Tất cả mạnh hơn lời nói suông. Mạnh hơn thảo luận, tọa đàm, MC dẫn dắt…
Chuyện vẫn “cũ “ thế thôi. Vì Giáo dục có quy luật bất biến như thế.
ĐẠT MỸ (Phụ Nữ Ngày Nay)