Cô gái hát trong sự cô đơn, trong những nỗi niềm của một người thích tự sự với thân phận. Rời khỏi những chốn ồn ào của showbiz để đi từ thành phố này sang thành phố khác mà theo cô chúng thật khác nhau từ cách sinh sống đến lối hành xử.
- Siêu mẫu Quỳnh Thy: “Đặc ân của phái nữ là đẹp. Và đặc quyền là được làm đẹp”
- Siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh: “Tôi cần người đàn ông muốn cùng tôi giữ ngọn lửa hạnh phúc”
- Hoa hậu Giáng My: “Sợ hãi không có trong tự điển của tôi”
Dù lãng mạn và cảm xúc đến tận cùng, Lê Cát Trọng Lý vẫn luôn là một cô gái làm việc với tinh thần trách nhiệm, sự tự tin với bản chất công việc và bản chất con người. Nếu tôi quên hẳn những sáng tác, những phần biểu diễn nghệ thuật ấn tượng, thì đối diện tôi, cô cũng đã rất đủ thú vị cho một buổi trò chuyện cuối năm. và với người đối diện, Lý luôn đủ trẻ để thấy mình tích cực và tôi nghĩ rằng 20 năm nữa cô vẫn được gọi là em.
Tôi vẫn chưa hiểu được vì lẽ gì mỗi lần tôi thấy em, hay nghe em hát tôi luôn cảm nhận một nỗi cô đơn cứ mỗi lúc lại dâng đầy!
Chắc vậy, em đã được sinh ra tự nhiên như thế với nỗi cô đơn. Thế giới mình cảm nhận, mình biết rằng mình không thể chia sẻ được toàn vẹn với người khác, sự thấu hiểu của riêng một ai đó thì đâu có ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Nhưng sự cô đơn chủ động cũng có mặt tích cực, như một không gian để thở, để sáng tạo.
Đàn bà Việt nam thường cô đơn, em có nghĩ khái quát chung là thế không?
Chắc là sự cô đơn đến từ những cam chịu, mang tính truyền nối qua nhiều thế hệ. Bà đã như thế, mẹ đã không khác hơn và em cũng vậy với những nỗi cô đơn mang tên phụ nữ Á đông. Biết làm thế nào! Nhưng nếu anh hỏi nỗi cô đơn nào cũng lớn lên cùng tuổi tác và những sáng tác cũng đòi hỏi thời gian để được cảm nhận đến tận cùng thì em sẽ trả lời: Là một người viết, quan trọng nhất không phải là để người khác hiểu; nhưng khi viết cần một điều: mình phải trung thực với chính mình. Một người kề bên, 8 năm, 10 năm còn chưa hiểu mình hết huống gì qua một bài hát, một bài báo? Nhưng viết thì phải đúng cảm xúc của mình, không vay mượn, không tô vẽ dối trá.
Những sáng tác của em cần sự cảm nhận ở mức độ cao, không nhiều nhưng rõ ràng có những khán giả nghe và nhìn thấy những triết lý trong ngôn từ của em, em luôn có những điều muốn gửi gắm trong đó?
Vì đôi khi người nghe có sẵn những suy nghĩ ấy và họ thấy câu chuyện của họ ở trong đó. Còn em, cứ cắt ngang việc sáng tác ra thì em đã viết câu chuyện của em xong rồi. Câu chuyện này không liên quan đến ai, ngay cả người yêu, bạn bè hay cha mẹ… nó là một việc rất cá nhân. Nên nó không phụ thuộc vào người nghe, em chỉ luôn nhắc mình và tự nói với mình về điều em đã nói với anh trong câu trả lời trước: nên có sự trung thực về mặt cảm xúc. Sáng tác đã hoàn tất!
Sau đó là việc phát hành, là phần thuộc về công việc đối với một sản phẩm âm nhạc, nó cũng liên quan đến công việc và những sáng tạo thuộc về những lĩnh vực khác và của nhiều cộng sự khác. Một người bán đĩa nhạc chẳng hạn, cũng có những sáng tạo và nghệ thuật bán hàng riêng của họ, để sáng tác ấy đến với công chúng.
Và sau cùng, lẽ dĩ nhiên là mỗi khán thính giả, khi họ nghe và tiếp nối câu chuyện riêng của họ. Sự cộng hưởng sau cùng lại quay lại như việc em đã bắt đầu sáng tác… là những sự trung thực rất cá nhân khi một người đối diện với chính mình và nói chuyện với chính mình.
Một khái niệm làm nghệ thuật rất văn minh. Tôi đã gặp nhiều nghệ sĩ không cho rằng nghệ sĩ là một nghề.
Em nghĩ đơn giản thôi: Phần sáng tác là sáng tạo của riêng em và thuộc về em, trong việc này: chính em phải có trách nhiệm với chính mình. Phần sản phẩm em phải làm thật kỹ lưỡng. Vì em phải có trách nhiệm với nhiều người khác. Em được sáng tạo mà em yêu thích, rồi lại tiếp nối phần công việc yêu thích. Nghề nghiệp là một sáng tạo khác để tạo ra sản phẩm.
Nhưng khi nói đến công việc thì phải chấp nhận những đánh giá khắc nghiệt từ những người thụ hưởng và cách một người nhìn về sản phẩm của họ sẽ phản ánh chất lượng công việc của chính họ. Ví dụ, một người lựa chọn thời điểm phát hành một sản phẩm mà họ không có niềm tin rằng số đông sẽ chấp nhận. Nhưng họ vẫn làm thế, vì một tính toán nào đó, thế cũng không hẳn là một thất bại. Điều quan trọng nhất là phải tỉnh táo để không tiêu tốn năng lượng vào những việc không cần thiết.
Như cách em nói, suy nghĩ về việc sáng tác, tôi cảm nhận rằng những người cô đơn thường bên trong họ có một niềm tin rất lớn! Sao lại có một người trẻ cô đơn đến nhường này, như cô gái ngồi trước mặt tôi? Cho dù em vẫn là một người tích cực, tôi chắc là như thế!
Có những người cô đơn có niềm tin, có những người cô đơn không niềm tin và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Còn tùy thuộc vào niềm tin đó đẩy mình tới chỗ nào.. Em sinh ra đã vậy nhưng ba mẹ em cũng không nghĩ rằng em cô đơn. Em sống thoải mái, vui vẻ những lúc em cần làm thế! Cô đơn nằm ở trạng thái, chứ không phải hình thức. Nó là sự cô đơn tích cực, cô đơn không đi kèm kịch tính. Nhìn về thân phận một cách bình thản, chẳng phải chúng ta rất nghèo nàn đó thôi. Nhưng đâu có nghĩa rằng chúng ta phải sống trong buồn thảm! Em có xu hướng tích cực. Vì em tin rằng trong mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay khó khăn đều ẩn chứa một bài học nhất định. Nói ra thì nghe hơi sách vở nhưng thực sự niềm tin đó luôn đẩy em tiến lên, tiến lên và không dừng lại cho đến khi em không còn bất cứ nỗi sợ hãi nào bên trong. Mà em cũng còn đủ trẻ để được phép có niềm tin ấy (cười).
Luôn nhìn thấy bóng dáng một người đàn bà Việt nam trong tinh thần những sáng tác của em, đó là chủ đích khi em sáng tác? Có bao giờ em tự hỏi vì sao những sáng tác của em lại có những khán giả khác nhau đến thế? Một cậu học trò cho đến một bác gái cao niên?
Em cũng không biết nữa. Có lẽ anh có cái nhìn cảm thông với người phụ nữ nên anh thấy điều đó ở trong sáng tác của em. Còn khi viết, em không cố chuyển tải một hình ảnh cụ thể nào cả. Điều đó mình cũng không thể đoán trước được. Đơn giản chỉ là người nào cảm thấy thích hoặc rung động thì họ chọn nghe, về phía em thì em không bao giờ cố ý khoanh vùng khán giả cho những tác phẩm của mình.
Cảm ơn em và cuộc trò chuyện thú vị này, mong em luôn trẻ trung vì sự cô đơn chủ động như em nói sẽ là một không gian đầy sáng tạo cho nghệ sĩ.
Phụ Nữ Ngày Nay