Tôi biết một Kiều Bích Hậu nhà báo trước khi biết bạn là nhà văn. Nhưng thật ra, Hậu dùng Văn để viết Báo và dùng Báo để viết Văn nên dường như hai “nhà” này không có ranh giới trong bạn. Hậu quyết liệt, xông xáo.
Hậu mẫn cảm với mọi thay đổi của đời sống. Rồi cũng Hậu, nhẩn nha rong chơi, yêu hoa yêu cảnh, mây mây gió gió, cứ như không gợn chút suy tư. Người phụ nữ này thật sự có nhiều điều thú vị. Nhưng có lẽ Hậu yêu nhất công việc viết văn. “Trong văn thì tôi thật, vì tôi cho mình là Vua trong Vương quốc văn chương của mình, muốn làm gì thì làm, làm đúng như mình muốn.” Hậu đã tưng tửng nói thế đấy. Từng đoạt ba giải thưởng văn chương: giải Khuyến khích cuộc thi “Truyện ngắn tuổi xanh” năm 1992 do báo Tiền Phong và trường Viết văn Nguyễn Du tổ chức, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn năm 2006-2007 do báo Văn Nghệ tổ chức, giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn 2008-2009 do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức, cho đến nay, Kiều Bích Hậu đã xuất bản 7 cuốn sách. Được phát hành đầu năm 2015, tuyển tập tản văn “Thay đổi người Việt” là kết quả từ quá trình chiêm nghiệm cuộc sống hiện tại, là những câu chuyện với quan điểm tân tiến, với thái độ tích cực và khuyến khích bạn đọc hành động. PNNN xin giới thiệu với bạn đọc một góc nhìn của Hậu.
Giới trẻ Việt hiện nay nghiện sống vội tới mức “vội vã” đã thành thói quen mà không hề biết. Vội tất dẫn đến ẩu tả, và không đạt được kết quả như mong muốn. Không những thế, thói quen vội vã đã phá hủy chất lượng sống của mình mà mình lại cứ ngỡ mình đang sống hiện đại.
Chúng mình vội vã lao lên đón bắt cơ hội, vội vã lao vào làm hùng hục trâu bò, vội vã kết thúc việc cho nhanh để hóng tiền về rồi lại tiếp tục ngay việc khác. Chúng mình cũng vội vã tiêu tiền để mua nhà, tậu xe, vội vã tìm đến những danh thắng của Việt Nam và thế giới, để mong biết tất cả, có tất cả. Nhưng, tất cả chúng mình khi vội vã để có, để biết đều gặt được một kết quả kỳ cục, như nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến từng nói về người Nghệ “Chúng mình cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”.
Hạnh phúc mới là cảm xúc nhân bản nhất mà loài người không ngừng phấn đấu vươn tới. Nếu chúng ta vươn tới những mục đích khác, ắt sẽ dẫn tới lệch lạc, và khi đi đến đoạn cuối cuộc đời, chúng ta sẽ bất hạnh sâu sắc mà không cách gì thay đổi được nữa rồi.
Xin kể hầu bạn đọc câu chuyện thật xảy ra với người bạn tên Chuyên của mình. Ông Chuyên là người biết ước mơ, và biết sắp đặt kế hoạch cuộc đời mình. Chỉ có điều kế hoạch cuộc đời của ông Chuyên hơi lạ: Từ 5-25 tuổi: học tập; từ 25-60 tuổi: kiếm tiền; từ 60 tuổi đến chết: yêu. Ông từng đi nhiều nước châu Âu trong suốt thời trai trẻ, tận lực làm ăn, thử mọi vận hội đến trong lúc xã hội một số nước Đông Âu thay đổi, tạo những cơ hội làm ăn rất lớn. Ông giàu lên nhanh chóng, mua nhiều đất đai, đầu tư cổ phần một số công ty ở Việt Nam nhưng đều để vợ, con đứng tên. (Có lẽ ông không muốn chính quyền để mắt đến mình vì mình có quá nhiều tài sản?) Cũng do tập trung tất cả thời gian làm ăn kiếm tiền, ông không có thời gian bên vợ, nên bà vợ ông đành tiêu thời gian vào việc đánh mạt chược giải sầu; không có đủ thời gian giáo dục và chăm sóc tinh thần cho các con, nên con trai ông dính vào nghiện ngập khi chưa thành niên, con gái học cao, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ở Đức nhưng cuối cùng lại không sử dụng vốn kiến thức của mình để tự lập mà vẫn sống dựa vào tài chính của bố. Đến tuổi 60, ông Chuyên mới biết đến tình yêu, ông yêu say đắm một cô gái Mường mà ông gặp trong một chuyến đi tìm đất cho dự án đầu tư ở tỉnh Hòa Bình. Lúc này ông bạn mình mới hiểu được thế nào là cảm giác hạnh phúc đắm say của tình yêu. Khốn nỗi, thứ tình yêu ông có lại không hợp pháp. Khi vợ con ông biết được, họ phá ông. Họ cắt nguồn tiền lợi tức từ những đầu tư của ông, vì mọi nguồn này đều đứng tên họ. Họ cũng bày mưu đưa ông vào bệnh viện tâm thần để cầm tù ông, may mà sau đó ông được một người chú ruột giải cứu. Ông buồn bã nói, đồng tiền thật bạc, mình cống hiến suốt thời trai trẻ rực rỡ nhất để có tiền, giờ đây lẽ ra mình được hưởng thụ thì đồng tiền quay lại hại mình.
Với trường hợp người bạn kể trên của mình, cho dù bây giờ ông đã tìm thấy tình yêu, nhưng ông cũng không tìm được hạnh phúc. Sự vội vàng, quá nỗ lực để kiếm tiền nhanh, nhiều, bỏ quên những cảm xúc nhân bản của chính mình, đã khiến ông cuối cùng mất mát quá nhiều. Nếu bây giờ, muốn xây dựng hạnh phúc với cô gái Mường kia, ông sẽ phải làm lại tất cả, mà thời gian thì đâu có quay trở lại?
Đó chỉ là một câu chuyện trong vô số những câu chuyện thất bại khác mà mình từng chứng kiến. Và những câu chuyện ấy đều có một điểm chung trong nguyên nhân, đó là con người bỏ quên chính mình, bỏ qua một chất dinh dưỡng thiết yếu nhất cho tâm hồn mình: ấy là hạnh phúc. Con người quáng quàng chạy tới chạy lui để chộp những gì đang lướt qua, đuổi theo nó hoài mà lạc lối, quên mất mục đích chính của mình, quên cung cấp dinh dưỡng hạnh phúc cho tâm hồn mình, đến mức triệt tiêu cả nguồn dinh dưỡng hạnh phúc, khiến ta như những cỗ máy kiếm tiền, kiếm thành công rầm rập lao lên trong một thế giới của những robot vô cảm.
Vậy thì có cách gì xử lý thông thái cuộc sống của mình, để đạt được hạnh phúc?
Luật sư Nghiêm Quốc Bảo có lần nói với mình, rằng hầu hết mọi người đang vội vã tiêu phí thời gian quý giá của cuộc đời mình vào những việc rất vô nghĩa. Ta ham hố nhiều thứ, nhưng thực sự khi có thứ đó rồi lại không biết cách sử dụng nó, hoặc không có thời gian sử dụng vì còn bận rộn với những ham hố khác chưa đạt được. Tất cả những ham hố đó chỉ như con số 0 tròn trĩnh. Bạn hãy nhìn đám đông lao ra đường vội vàng, rú còi inh ỏi lao lên, tranh giành nhau từng mét đường, để cuối cùng họ cũng chỉ là một con số 0 mà thôi. Vấn đề là ai có thể trở thành con số 1? Đó là những người thông thái, biết mình giỏi nhất cái gì, biết lược bỏ những thứ không cần thiết để đạt được ước mơ, để đạt hạnh phúc toàn vẹn.
Muốn vậy, khi có mơ ước thì dũng cảm dành cả cuộc đời mình thực hiện, biến giấc mơ thành hiện thực. Khi đã yêu thì yêu hết mình, chỉ yêu một người đó thôi, chớ lăng nhăng chim chuột lếu láo mà phá hủy hạnh phúc đích thực của mình. Cần tỉnh táo đừng lao theo đám đông, chỉ cần đơn giản làm thật kỹ công việc duy nhất của mình, yêu thật kỹ người mình đã chọn, và giáo dục con cho thật kỹ. Vì con chính là mình ở kiếp sau.
Với riêng bản thân mình, qua hai mươi năm làm việc, mình từng lăn xả vào việc, viết hàng ngàn bài báo, bị lụt lội trong công việc, trong những cuộc gặp gỡ, trong những kỳ cuộc chộn rộn, và bội thực thông tin. Đến nay, mình nghĩ mình có thể dừng lại chuyện đuổi theo những đồng tiền được rồi. Sau một lần ly hôn, mình cũng hiểu phải làm gì để tạo nên chất lượng cho cuộc sống đôi lứa. Vì thế, mọi lời kêu gọi vui chơi, mọi cái tưởng như cơ hội, với mình không quan trọng nữa. Mình chỉ cần tập trung cho ước mơ viết văn; và người bạn đời cùng con cái mình. Mình đã dám từ chối một công việc hấp dẫn, từng ngốn phần lớn quỹ thời gian của mình, để chọn một công việc bán thời gian, vừa đủ giữ những mối liên hệ cần thiết, có đủ nguồn thông tin cần thiết cho việc viết văn của mình. Tách ra khỏi đám đông vội vã, mình thấy mình bình tĩnh hơn để biết cảm nhận từng ngày hạnh phúc, yêu thương chồng con, yêu thương chính mình nhiều hơn, để khơi dòng cho nguồn chữ tuôn chảy. Để chọn lựa kỹ từng con chữ. Để suy nghĩ kỹ hơn những ý tưởng mới. Đó mới chính là mình.
Kiều Bích Hậu (Phụ Nữ Ngày Nay)