Giới trẻ “yêu” nơi công cộng: Nhận thức sai về tình dục

Tình dục là một phần nhu cầu bản thân con người như ăn, uống, ngủ… nhưng những người được giáo dục đàng hoàng sẽ không làm những điều đó trước đám đông

Báo Người Lao Động ngày 17-4 có bài viết “Giới trẻ “yêu” nơi công cộng: Ý thức thua bản năng!”, trong đó TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nêu quan điểm nguyên nhân cốt lõi của hành vi “yêu lộ thiên” không phải các bạn trẻ không có chỗ riêng tư để “bày tỏ tình cảm” mà vấn đề nằm ở ý thức đối với cộng đồng yếu hơn bản năng tình dục.

Vậy giới trẻ nhìn nhận vấn đề này ra sao, có thật sự “thoáng” trong việc biểu hiện tình cảm có phần quá đà ở nơi công cộng?

Phải có giới hạn

Chia sẻ quan điểm về điều này, Đỗ Như Huỳnh, sinh viên (SV) Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình 2, cho biết quan hệ nơi công cộng như vậy là phản cảm, không đúng với lối sống của người Việt Nam. “Nhất là với những bạn còn ngồi trên ghế nhà trường thì nên thể hiện tình cảm một cách trong sáng, không nên đi quá giới hạn và quá đà ở nơi công cộng như vậy” – Như Huỳnh nói.

Đồng quan điểm, Nguyễn Thục Uyên, SV Khoa Ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, không đồng tình với những hành vi thể hiện tình cảm quá trớn tới mức phản cảm. Uyên cho rằng đây không phải là lối sống thoáng theo kiểu phương Tây mà là sự thiếu tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Tình dục là một phần nhu cầu bản thân con người như ăn, uống, ngủ… nhưng những người được giáo dục đàng hoàng sẽ không làm những điều đó trước đám đông.

Tỏ ra khá bức xúc, chị M.T.T.Trinh (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nhận xét: “Suy cho cùng những chuyện thích thể hiện tình cảm, yêu đương “lố lăng”, quá đà nơi công cộng xuất phát từ ý thức của mỗi người đối với cộng đồng. Không ai ngăn cấm hay ép buộc họ kiềm nén cảm xúc nhưng cách thể hiện làm người khác “đỏ mặt tía tai” thì không thể chấp nhận được. Yêu nhau thì phải biết cách thể hiện tình cảm như thế nào cho thật văn minh”.

Tỏ ra thông cảm với một số trường hợp thể hiện tình cảm nơi công cộng của những người trẻ, tuy nhiên N.Đ.Thùy Linh (SV Trường ĐH Sài Gòn) lại rất bất bình trước những hành động “yêu” thái quá. “Bản thân tôi cũng có người yêu, chúng tôi cũng thường dành cho nhau những cái nắm tay, những cái hôn nhẹ trên má ở nơi đông người như quán ăn, quán trà sữa, siêu thị… nhưng chưa bao giờ “đi quá giới hạn”. Chúng tôi ý thức được hình ảnh cá nhân trong mắt người đối diện quan trọng đến nhường nào. Đặc biệt đối với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, việc để con người bản năng thắng ý thức là cách nhanh nhất đánh mất nhân phẩm, đạo đức của bản thân trong suy nghĩ của người đối diện. Cư xử văn hóa, yêu nhau văn minh là thể hiện sự tôn trọng đối phương, tôn trọng những người xung quanh và hơn hết là tôn trọng chính bản thân mình” – Thùy Linh nêu ý kiến.

Giới trẻ yêu nơi công cộng: Nhận thức sai về tình dục - Ảnh 1.

Minh họa: KHỀU

Đừng để mình thành “nạn nhân”

Theo P.V. Sang (Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM), yêu nhau thì chuyện thể hiện tình cảm là rất bình thường, ngay cả ở chốn đông người. Ai cũng muốn cùng đi với người yêu, cùng nắm tay, khoác vai, trao cho nhau cái nhìn trìu mến… Đây còn được xem là cách “khẳng định chủ quyền” rất thiết thực của những cặp đôi yêu nhau, thể hiện sự tự hào của nhau về đối phương. Thế nhưng việc thể hiện “chủ quyền” đến mức lố lăng, kệch cỡm, phản cảm thì không thể chấp nhận. Vấn đề này không chỉ nằm ở văn hóa ứng xử nơi công cộng mà liên quan trực tiếp đến đạo đức, nhân phẩm của cá nhân. Đặc biệt, hành vi của một số thanh niên thiếu ý thức đó đã làm xấu đi hình ảnh của người trẻ hiện nay trong mắt cộng đồng.

Với Hữu Thắng, SV Khoa Ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, điều đáng lo ngại chính là nếu những hình ảnh “yêu” quá đà bị phát tán thì chắc chắn mối quan hệ với gia đình, tình yêu và tương lai các bạn trẻ sẽ bị ảnh hưởng.

Về vấn đề này, một chuyên gia tâm lý trị liệu cho biết: “Dưới góc độ của nhà tâm lý trị liệu, tôi lo ngại đến tổn thương tâm lý mà đôi bạn trẻ gặp phải sau hành động phát clip, like và share của mọi người. Ai cũng có lần trong đời mắc lỗi. Đôi bạn trẻ đã sai nhưng hành động vô tư phát tán, like và share của chúng ta có thể đẩy họ đến những tổn thương tâm lý, nhẹ là stress, nặng hơn là sang chấn tâm lý hoặc cũng có thể là điều kiện phát sinh trầm cảm. Nếu thực sự đặt mình vào vị trí của đôi bạn ấy, chúng ta nên lấy đó làm bài học cho bản thân và ngừng like, share. Hằ̀ng ngày, chúng tôi phải trị liệu cho rất nhiều thân chủ bị trầm cảm, sang chấn tâm lý… mà nguyên nhân đôi khi là từ những chuyện này” – vị chuyên gia chia sẻ.

Thiếu không gian là ngụy biện

Theo cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định, những lý do về thiếu thốn tiền bạc, không gian riêng tư chỉ là ngụy biện. Vấn đề là khả năng kiềm chế của các bạn trẻ kém.

“Người lớn cần quan tâm dạy dỗ các em. Dạy cho các em biết tôn trọng người khác cũng là giữ gìn sự tự trọng, giúp các em nhận thức đúng ý nghĩa của việc quan hệ tình dục” – cô An chia sẻ.

L.Thoa

Lê Thoa – Y Linh (Theo nld.com.vn)
Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN