Về miền đất mẹ yêu thương

Bên tai tôi là tiếng trống hội rộn ràng, trước mắt tôi là khung cảnh nhộn nhịp của làng quê Việt Nam vào mùa lễ hội và trong trái tim tôi là nỗi niềm đầy xúc động, đầy tự hào khi được sinh ra ở một đất nước ngàn năm văn hiến.

Le hoi go dong da

Là người yêu thích khám phá, tham quan du lịch, tôi đã từng đặt chân và kể cho các bạn nghe về hành trình của mình tại Đài Loan, Nhật Bản, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu… Mỗi một nơi đi qua đều để lại trong tôi những ký ức khó quên. Trong lần này tôi muốn chia sẻ với các bạn một hành trình khác, hành trình ngay trên đất mẹ yêu thương. Dù là người đã đi nhiều nơi trong và ngoài nước, nhưng mỗi khi được thưởng ngoạn nơi mình sinh ra trong tôi luôn hiện hữu cảm giác thân thuộc, như tổ ấm thân quen, như một phần máu thịt.

le hoi co loa 6

Chiều 27 tháng Chạp, tôi tình cờ nghe được cuộc hội thoại của chàng thanh niên trẻ phải ở lại thành phố làm thêm ngày Tết, anh bạn ấy tiếc nuối: “Thế là không được dự hội làng rồi!”.

Câu cảm thán và nét mặt đượm buồn của chàng thanh niên đã dấy lên trong tôi nỗi niềm xúc động, bởi giá trị truyền thống của dân tộc luôn luôn cháy trong trái tim của người Việt. Dù có đi đâu chăng nữa thì vẫn nhớ về ngày đoàn tụ bên gia đình, vẫn nhớ về những đặc trưng của quê hương, những hoạt động quen thuộc của làng quê, xứ sở.

le hoi co loa

Trong tôi có một sự thôi thúc mạnh mẽ để một lần nữa xách ba lô lên để tiếp tục khám phá nét đẹp của Việt Nam – Nét đẹp văn hóa trong mùa lễ hội.

Ông bà ta thường có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” và thật may mắn cho tôi khi thời điểm này đang là mùa xuân, mùa của lễ hội Việt Nam. Trên thực tế thì bạn có thể tìm thấy một lễ hội bất kỳ trong năm bởi Việt Nam có đến gần 8000 lễ hội thường niên, song đầu xuân năm mới là dịp nhiều lễ hội diễn ra nhất.

Tôi quyết định du xuân ở xứ kinh kỳ và chọn lễ hội Gò Đống Đa để thăm quan tìm hiểu. Mùng 5 tết ở Hà Nội trời vẫn giá lạnh nhưng cái không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội làm con người ta quên đi cái khắc nghiệt của thời tiết, chỉ còn lại là sự háo hức, chờ đợi cho một ngày lễ đầu năm long trọng.

Lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống lại giặc ngoại xâm. Tôi đến với lễ hội này trước hết là bởi sự thành tâm dành cho sự hi sinh của cha ông đi trước và lòng tự hào về truyền thống dân tộc.

le hoi co loa 3

Người ta nói quả không sai, nếu muốn tìm hiểu văn hóa của một quốc gia, điều nên làm là thưởng thức món ăn và tham gia các lễ hội. Thông qua lễ hội Gò Đống Đa những giá trị văn hóa của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam được lột tả sâu sắc.

Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình, nhưng khi có kẻ xâm lăng thì quân và dân một lòng kháng chiến. Lễ hội Gò Đống Đa và nhiều lễ hội khác trên toàn quốc đều mang ý nghĩa ca ngợi về sự quả cảm của ông cha. Mỗi chúng ta khi được sống trong khoảnh khắc hòa bình này đều cần ghi nhớ công lao, sự hi sinh của lớp người đi trước.

Ngay từ sáng sớm tôi đã có mặt để được chứng kiến toàn cảnh lễ hội. Không khí náo nức, nhộn nhịp nhưng không kém phần long trọng. Cảm giác được hòa mình vào đám rước rồng lửa khiến cho người ta như thực sự trải nghiệm quá khứ, trải nghiệm giây phút quân và dân chiến thắng trở về.

Tại lễ hội, tôi cũng thử sức mình ở những trò chơi dân gian để sống lại một thời của tuổi thơ ngày hôm qua, khi cuộc sống không vướng bận những bộn bề, vô lo, vô nghĩ. Có lẽ đây cũng chính là ý nghĩa đích thực mà các lễ hội mang đến cho con người, nơi ồn ào náo nhiệt nhưng lại mang đến sự an yên trong tâm hồn.

le hoi co loa 5

Cùng nằm trên đất kinh Thành, mùng 6 tết tôi ghé thăm lễ hội Cổ Loa ở Đông Anh. Lễ hội này là sự kiện tưởng nhớ công ơn của Thục Phán An Dương Vương – người có công gây dựng nước Âu Lạc và xây dựng thành Cổ Loa.

Đến với lễ hội Cổ Loa là cách để cảm nhận rõ rệt về truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam, để mỗi người tìm lại những giá trị của cội nguồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa. Một lễ hội uy nghi, hoành tráng và chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Khám phá đám rước Văn của lễ hội Cổ Loa, nếu để ý kỹ, bạn có thể thấy trong lễ rước long trọng có những vật dụng tái hiện lại đời sống sinh hoạt của người Việt cổ, của vua chúa ngày xưa như cờ ngũ hành, phường bát âm, kiệu long đình, có lọng và tàn che…

Lễ hội Cổ Loa diễn ra long trọng trong 10 ngày (từ ngày 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch). Trong thời gian tổ chức lễ hội, lớp lớp người ở mọi miền đất nước lại tề tựu về đây để được vãn cảnh đẹp tại di tích, lắng nghe những câu chuyện lịch sử và vun bồi cho những giá trị văn hóa Việt.

le hoi co loa 4

Hành trình du xuân của tôi không chỉ dừng lại ở những lễ hội mang giá trị văn hóa. Mùa xuân của người Việt còn là những chuyến đi để tìm đến sự bình an trong tâm hồn. Những ngày này ở khắp mọi miền đất nước, người dân nơi nơi lại thành tâm viếng chùa, cầu mong cho một năm mới may mắn, khỏe mạnh. Tôi dành thời gian để ghé thăm nhiều lễ hội độc đáo khác như: Hội Gióng, hội Xoan, hội Yên Tử, Hội Lim… Đi qua mỗi lễ hội tôi như muốn ôm trọn những nét đẹp của đất nước vào lòng, ôm trọn những câu hát dân ca, ôm trọn cả tình người Việt.

Thế mới thấy ngàn năm văn hiến chẳng sử sách nào nói hết, đi qua một đời người văn hóa Việt lại được vun bồi thêm mãi. Yêu lắm! Việt Nam ơi.

Thanh Hà

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN