Nếu hỏi đến vị chua của trái cây-gia vị, người ta nghĩ ngay đến me, chanh, sấu. Nhưng trái cây chua thanh, thơm, nhiều công dụng trong đời sống, phải kể đến quả quất. Quất, trong Nam gọi là tắc, là thứ quả nên được xếp lên kệ bếp và tủ thuốc của mỗi gia đình.
Từ trong nhà, ra ngoài phố
Hãy đi từ trong nhà ra phố theo quả quất, để xem chúng ta có những món gì nhé!
Quả quất nhỏ hơn quả chanh nhiều, vỏ khi chín chuyển sang vàng rất đẹp, nên quất cũng là cây thường được chưng trong dịp Tết. Trong bếp, vị chua của quất kèm mùi thơm thanh dịu khiến cho bát nước mắm có sả bằm nhuyễn trở nên món nước chấm vô cùng tuyệt vời cho các món đồ biển. Vài năm gần đây, món “chân gà sả tắc” khiến cho dân ghiền ăn vặt lẫn dân nhậu trở nên hòa thuận trong nhà, có thành phần không thể thiếu là thứ quả “nhỏ mà có võ” này. Pha nước chấm với quất sẽ ngon không thua gì chanh, thậm chí được ưa thích hơn vì vị chua của quất dịu hơn, thơm hơn, tinh dầu quất trên vỏ cũng không đắng gắt như chanh.
Mùa quất cho nhiều trái chín đẹp nhất là mùa xuân, nhưng với kỹ thuật cấy ghép hiện tại, quất chín đã có quanh năm, và khi Tết đến cũng là lúc mứt quất là món mứt khá thông dụng trên bàn tiệc ngọt vô cùng phong phú ở Việt nam. Chỉ hơi thoáng cay vị tinh dầu, mứt quất dẻo thơm, vàng óng khiến cả lũ trẻ con lẫn ông bà đều thích. Mứt nguyên trái, khía mỏng, đẹp mắt, nhưng khi làm phải ép bớt nước chua sẽ không nhiều dưỡng chất như loại mứt quất để nguyên nước, chỉ loại bỏ bớt hạt, dạng “jam”, để trong hũ kín, ăn với bánh mì.
Một ly nước quất giải nhiệt, không phổ biến bằng nước chanh, nhưng nước mía được ép chung với vài trái tắc, lại gần như món giải khát phổ thông, bình dân mà tuyệt ngon trên đường phố Sài gòn.
Nhưng không chỉ là gia vị hay mứt thông thường, mứt quất – mứt tắc còn là món trị bệnh ho, khó tiêu, vốn rất nhiều người mắc phải trong dịp cuối năm, trời lạnh và chuyển mùa, lại nhiều tiệc tùng cao lương mỹ vị.
Vì sao quất được coi là thuốc?
Mọi phụ nữ đều biết, đều có thể làm quất/tắc chưng đường phèn, một bài thuốc đơn giản mà công hiệu. Chỉ việc xắt mỏng cả vỏ lẫn ruột quả quất chín, cho vài cục đường phèn, để trong cái chén sứ nhỏ, bỏ vào nồi cơm khi vừa cạn, cơm chín là có một chén thuốc dân gian không có khánh sinh, lại hiệu quả vô cùng để trị ho, tiêu đàm cho cả người lớn lẫn trẻ em. Nếu bỏ ít đường thôi, nhai kỹ cả vỏ quất, sẽ giảm cả đấy hơi, tức bụng, khó tiêu. Đó là những tác dụng khá phổ biến.
Những tác dụng ít người biết hơn về quả quất, là chữa chứng miệng khô, đau răng, tê lưỡi, phù nề vàng da ở phụ nữ sau khi sinh, viêm loét dạ dày ở người làm việc căng thẳng, ăn uống thất thường.
Cả sách xưa và nay của các bác sỹ đông và tây y đều ghi rõ: quất chức nhiều vitamin C, khoáng chất, đường, acid hữu cơ, giàu chất pectin, một dạng chất sợi hòa tan, có tác dụng hấp thụ cholesteron trong máu, iúp phòng ngừaq xơ vữa động mạch.
Quất, với những dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, có khả năng sát khuẩn, chống viêm, nhuận tràng, tăng cường chức năng tiêu hóa, an thần, hạ huyết áp, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư.
Hãy giữ một hũ quất ngâm trên kệ bếp gia đình nhé.
Quất muối
Rửa sạch, để ráo nước, xếp cứ một lớp muối một lớp quất vào hũ thủy tinh, phơn nắng, dùng quanh năm
Siro Quất ngâm đường
Rửa sạch, đâm các quả quất chin bằng tăm nhọn, xếp một lớp quất một lớp đường, đậy kín, để mát, 2 tuần là có sirô quất để pha nước, thêm mật ong
Làm mứt dẻo
Ngào quất đã tách hột, nguyên vỏ, nguyên nước, với đường thô, gừng thái sợi, trái thơm xắt mỏng, ngào đến khi keo, dẻo quánh, cho vào hũ đậy kín, ăn với bánh mì.
L.A