Hoa hậu thân thiện của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 khẳng định, tiền bố mẹ là của bố mẹ, không có chuyện con “đòi gì được nấy”.
Gây ấn tượng với danh hiệu Hoa hậu thân thiện trong cuộc thi Hoàn vũ Việt Nam 2008 nhưng Dương Thuỳ Linh không lựa chọn hoạt động nghệ thuật. Người đẹp quyết định lên xe hoa vào năm 2010 với với chú rể bằng tuổi Nguyễn Việt Thắng và 1 năm sau đó thì hạnh phúc đón chào con trai đầu lòng – bé Việt Anh (tên thường gọi là Tod).
Xây dựng tổ ấm bình yên cùng kinh tế vững chãi với ông xã doanh nhân và cậu con trai đáng yêu, thông minh, Dương Thuỳ Linh khiến nhiều người ngưỡng mộ vì hạnh phúc viên mãn sau nhiều năm rời xa showbiz.
Mới đây, trong dịp sinh nhật con trai 7 tuổi, Dương Thuỳ Linh tiết lộ những câu chuyện thú vị về cách nuôi dạy một “quý tử” sinh ra trong gia đình có điều kiện, đi học trường quốc tế “chục nghìn đô” nhưng vẫn “xin mẹ giao làm việc nhà”.
Chị từng gây xôn xao với lời nói đùa cách đây khá lâu rằng con trai có học phí ngang với “hoàng tử George”, hiện giờ, học phí của bé vẫn ở mức đó?
Đúng vậy. Học phí vẫn ở mức đó và chỉ có tăng lên thêm mỗi năm thôi. Trường của con tôi vẫn chưa phải là trường đắt nhất ở Việt Nam hay ở Hà Nội đâu. Nói chung khi đã nói tới trường tư hay trường quốc tế thì đều có mức giá chung toàn cầu. Nên cho dù là hoàng tử cũng chỉ trả tới thế thôi. Chứ không phải vì là hoàng tử mà bị tính giá cao hơn.
Có vẻ vợ chồng chị rất quan trọng việc đầu tư giáo dục cho con? Lý do vì sao chị lại lựa chọn cho bé theo học trường quốc tế?
Tôi nghĩ tài sản quý nhất có thể để lại cho con đó chính là tri thức và kĩ năng sống. Nên nhà tôi tuy còn chưa mạnh về kinh tế nhưng cũng cố chọn cho cháu học trường quốc tế vì nhiều lí do. Lớn nhất là vì bố mẹ và các cô chú cũng đều học trường quốc tế từ nhỏ nên nó như là truyền thống, chứ không có suy tính nhiều. Thứ hai nữa là tôi thấy ngoại ngữ là một công cụ vô cùng hữu ích trong cuộc sống mà các cháu học trường quốc tế sẽ có được lợi thế hơn.
Ngoài ra, với cơ sở vật chất và cách dạy mở thì tôi cũng có cảm giác là các cháu có cơ hội phát triển toàn diện hơn và khả năng sang tạo tốt hơn. Nhưng đó cũng chỉ là hi vọng thôi. Tôi tạo điều kiện tốt nhất có thể, còn tất cả là ở nỗ lực của đứa trẻ. Trường nào cũng sẽ có những đứa trẻ xuất sắc cho dù là quốc tế hay không.
Chị có gặp áp lực “con của người nổi tiếng” thì phải học giỏi, xuất sắc?
Tôi không thấy có áp lực đó nhưng tôi mong con học giỏi vì tôi thấy học giỏi nó cũng thể hiện được nhiều điều. Thứ nhất là khả năng tư duy, tiếp thu. Thứ hai là kỉ luật, không ai không có kỉ luật mà lại học giỏi được cả. Thứ ba là khả năng vượt khó, và không sợ thử thách. Khi con học giỏi thì tối thiểu con cũng sẽ có thể có được một công việc tốt. Còn không học giỏi thì con phải rất xuất chúng ở một lĩnh vực nào đó và sự khởi đầu theo tôi là khó khăn hơn.
Tôi muốn con giỏi ở một lĩnh vực bất kỳ nào, chứ không tạo áp lực cho con. Vì tôi thấy thời buổi ngày nay có rất nhiều cách để thành công, chỉ cần bạn giỏi ở một lĩnh vực nào đó.
Bận rộn với công việc kinh doanh, vợ chồng chị sắp xếp thời gian cho con như thế nào?
Vợ chồng tôi không chọn những công việc khiến phải xa gia đình và bị bí bức về thời gian. Nên thật ra vợ chồng tôi lại có rất nhiều thời gian cho con. Ông xã tôi có thể làm việc ở bất cứ đâu vì anh ý làm việc online là chính. Còn tôi thì lịch quay hay các công việc khác cũng linh động được cả về thời gian và không gian.
Nhiều gia đình “có điều kiện” đang đau đầu với việc dạy con “vượt sướng” để có sự nỗ lực, cố gắng. Chị có chung tâm tư?
Có chứ. Nhưng sự thực là tôi cũng không dư dả tới mức con tôi bị rơi vào hoàn cảnh vậy. Ví dụ như không phải lúc nào tôi cũng đáp ứng nhu cầu của con, vì cá nhân tôi lớn lên gia đình không khó khăn về tài chính, nhưng cái cách bố mẹ tôi đặt vấn đề về tiền rất rõ ràng. Đó là tiền của bố mẹ là của bố mẹ, và con phải làm được điều gì đó con mới được thưởng. Và thưởng hay không là do bố mẹ quyết định. Tôi không cảm thấy là bố mẹ không yêu tôi, mà chỉ thấy rất logic là tiền của bố mẹ thì tôi không có bất cứ quyền gì mà đòi hỏi, nhất là khi tôi chưa có sự đóng góp gì.
Tôi muốn con tôi cũng có tư duy đó. Con tôi cũng rất hay hỏi vì sao cháu phải làm việc nhà hay phải làm cái nọ cái kia mới được thưởng. Nhà tôi vẫn nói là vì như thế cháu mới hiểu giá trị của đồng tiền và tự hào về bản thân. Đấy là cốt lõi để có hạnh phúc. Tôi cũng giải thích là như vậy con sẽ không bao giờ phải nghi ngờ về những thành công của con là do bố mẹ đem lại, mà nó thực sự là của con.
Cứ nghĩ trẻ con không hiểu, nhưng mà tôi thấy cách cháu thể hiện thì là cháu hiểu. Cháu cũng rất thương bố mẹ vì phải đi làm vất vả. Muốn lớn để nuôi bố mẹ. Tạm thời tôi nghĩ chưa có gì đáng lo quá.
Chị ứng xử thế nào với những đòi hỏi của con? Nhất là khi bé là con một?
Tôi sẽ hỏi vì sao con muốn điều đó. Logic thì tôi cho, không thì tôi không cho. Nhà tôi con một, nhưng sự thực là cháu không được chiều lắm. Vì bố cháu luôn quan niệm cháu sẽ là người phải gánh vác sau này, nên khá nghiêm khắc. Nhà tôi một năm chỉ có một lần cháu được quà ra tấm ra món đó là Noel. Lúc đó thì là ông già Noel tặng, chứ không phải bố mẹ. Với điều kiện cả năm cháu đã là trẻ ngoan.
Còn trong năm cũng có sinh nhật của cháu bạn bè tặng quà nhiều. Tôi luôn hỏi cái gì không dùng thì cho các em họ, hoặc đem bán đi mà mua cái khác tôi thích. Nói chung nhà tôi có thói quen tiết kiệm nên có là con một chắc cũng sẽ bị nhiễm tính đấy thôi.
Một cậu bé lớn lên trong gia đình có đầy đủ điều kiện vật chất, người giúp việc,… chị làm thế nào để con biết cách tự lập, biết làm việc nhà và có những kĩ năng sống?
Từ Tết ra tôi đã quyết định không thuê giúp việc nữa vì tôi thấy cháu cũng lớn rồi và mọi người đều tự làm được. Trước đây cô giúp việc cũng là người rất nghiêm khắc, quân phiệt vì nuôi cháu từ bé, nên cháu cũng phải làm việc nhà hết, như tự dọn phòng cháu, tự cho quần áo vào máy giặt sau khi cởi ra. Giờ không có giúp việc, thì mẹ sai gì làm nấy. Nhiều hôm còn xin việc vì thấy mẹ bận quá, không chơi cùng với cậu ý được, nên cậu ý giúp mẹ để xong việc sớm, hai mẹ con còn chơi với nhau.
Tod là một cậu bé rất tình cảm, thương mẹ, có trách nhiệm.
Chị thường có hình thức thưởng – phạt với con như thế nào?
Trước bé hơn thì hay có phạt ngồi một góc để tự suy nghĩ về hành động của mình. Dạo này cháu lớn hơn thì không làm thế nữa mà hay nói chuyện, phân tích cho cháu nghe. Thưởng phạt có thể là không được xem tivi hay chơi điện tử trong bao lâu đó. Hoặc chỉ đơn giản là sự im lặng và thái độ của tôi thôi. Cháu là người rất nhạy cảm nên khi thấy thái độ của mẹ hay bố không được ổn, cháu cũng rất căng thẳng và đều tự thể hiện sự hối lỗi.
Theo quan điểm dạy con của chị, điều gì là quan trọng nhất khi giáo dục một đứa trẻ?
Tôi nghĩ đó là luôn khẳng định tình yêu của tôi với con và mọi điều tôi chia sẻ với con là để tốt cho con. Thứ hai nữa là lắng nghe và thấu hiểu và dám nhận sai nếu tôi sai.
Tôi xin lỗi con rất nhiều. Vì có những cái tôi dạy con, nhưng tự tôi không làm được. Khi con chỉ ra, tôi không chối hay bao biện, tôi nhận lỗi, xin lỗi và nỗ lực sửa sai để không lặp lại nữa.
Vợ chồng chị có hay mâu thuẫn chuyện dạy con? Với trường hợp bố mẹ chồng can thiệp vào chuyện dạy cháu thì sao?
Cái này khiến cho vợ chồng tôi mâu thuẫn nhiều nhất. Nhưng cũng chưa có gì nghiêm trọng quá. Chồng tôi thì muốn dạy con theo kiểu hơi quân đội, đàn ông với nhau. Tôi thì thích âu yếm, tình cảm với con, thủ thỉ. Đâm ra chồng tôi hay nói là nếu con có hư là do mẹ chiều. Ông bà nội cũng thỉnh thoảng góp ý cách dạy con, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc là góp ý.
Con trai đã lớn, chị có dự định “tập 2” trong thời gian tới?
Tôi cũng cố gắng mấy năm rồi. Nhưng chắc là ông trời chưa thương để có. Vợ chồng tôi cũng không nghĩ nhiều. Vì cũng đang rất hạnh phúc với chỉ một con. Thậm chí còn thấy rất nhẹ nhàng. Vì với một con, tôi có điều kiện để lo tốt cho con hơn. Còn thêm cháu nữa, thì quả thực sẽ là gánh nặng tài chính mà tôi không dám chắc đã gánh được. Nên cả hai vợ chồng cũng cứ “thuận tự nhiên” thôi. Đến đâu tính đến đó thôi.
Cùng ngắm những bức hình trong buổi tiệc sinh nhật 7 tuổi mà HH Dương Thuỳ Linh vừa mới tổ chức cho bé Tod tại Hà Nội.
Theo Khám Phá