Xuân về trên xứ sở kangaroo

Đang trong không khí ảm đạm của những ngày mưa Sài Gòn, tôi nhận được lời rủ rê khá hấp dẫn từ cô bạn thân “Muốn trốn mưa Sài Gòn và du xuân ngay giữa tiết trời tháng 10 không? Qua Úc ngay và luôn nhé”. Chỉ có vậy thôi là tôi bắt đầu mơ mộng về một mùa xuân trái khoáy ở lục địa khác và lên kế hoạch tìm xuân ở xứ sở Kangaroo.

Tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu về thủ tục visa du lịch, vật vã “canh me” vé máy bay giá rẻ của Air Asia mấy tuần liên tiếp, rồi chạy đua với thời gian để thu xếp công việc ổn thỏa và tất nhiên phải tích cực kêu gào sự trợ giúp của cô bạn phương xa. Cuối cùng mọi thứ cũng đâu vào đấy. Tôi chính thức tạm biệt Sài Gòn vào một chiều mưa gần giữa tháng 10 để bước chân lên máy bay tiến thẳng sang Úc.

Do đã có bạn là “thổ địa” ở xứ người, tôi quyết định không mua tour mà sẽ tự mình khám phá vùng đất thổ dân mới mẻ này. Sau khi tìm hiểu nhiều nguồn thông tin từ các phượt thủ ở Việt Nam, thu thập được kha khá lời khuyên trên Tripadvisor, Lonelyplanet, tôi ngậm ngùi nhận ra rằng thì chỉ với 9 ngày ngắn ngủi, tôi sẽ không thể nào khám phá được một lúc nhiều bang của Úc được trọn vẹn. Thế là tôi quyết định chỉ tập trung du lịch ở Sydney và các vùng lân cận trong bang New South Wales.

Sydney: Xuân tím mộng mơ với loài hoa Jacaranda

Bước xuống sân bay Sydney lúc 9 giờ sáng, tôi ngỡ ngàng với thời tiết đẹp như mơ của mùa xuân nơi đây. Bầu trời xanh ngắt với những tia nắng vàng nhẹ như chào đón tôi đến với nơi đây. Tiết trời Sydney se lạnh, tầm 15 – 17 độ C, khiến tôi quên béng mất không khí nóng bức và ẩm ướt đặc trưng của Sài Gòn. Cô bạn thân đã đợi sẵn trước cửa đón. Chúng tôi bắt xe buýt về hostel mà tôi đã đặt trước ngay trung tâm thành phố. Tôi đã có suy nghĩ sẽ tá túc nhà bạn mình như lời mời chào rất nhiệt tình của cô nàng để tiết kiệm chi phí nhưng nghĩ lại cũng hơi ngại, một phần cũng vì tôi muốn được thử cảm giác du lịch bụi, ngủ giường tầng nên chọn ở hostel để tha hồ trải nghiệm.

Mùa xuân ở Sydney thực sự gây cho tôi ấn tượng mạnh bởi sắc tím lãng mạn đến ngỡ ngàng của loài hoa Jacaranda. Hoa Jacaranda, tức dạ lan hương, hay còn được cộng đồng người Việt tại Úc gọi bằng cái tên trìu mến khác: hoa phượng tím.

IMG_2284

Khác với phượng đỏ chỉ nở rộ vào mùa hè, phượng tím là sắc thắm đầu tiên báo hiệu mùa xuân ấm áp đã về trên đất Úc. Lúc này, đường phố đã thôi ủ rũ màu đông ảm đạm mà bừng sáng rực rỡ khi khoác lên mình chiếc áo đa sắc màu mới của mùa xuân, bắt đầu từ sắc tím dịu dàng. Tôi may mắn trọ tại khu CBD (Central Business District) là khu trung tâm kinh tế của Sydney, nên được dịp chiêm ngưỡng những tòa sở hội có kiến trúc cổ đẹp mắt mang phong cách quý tộc Anh (do Úc vốn là thuộc địa của Anh) vừa cổ điển lại vừa hiện đại, nằm ẩn hiện giữa những tàng phượng tím nên thơ.

Nói đến Sydney, tất nhiên không thể không nhắc đến nhà hát con sò Opera House danh tiếng với kiến trúc độc đáo. Toạ lạc ngay cảng biển Sydney, Opera House được vinh danh như một biểu tượng và là niềm tự hào của quốc gia này. Sải chân bước dọc theo cảng biển, tôi thích thú ngắm nhìn những cánh chim bồ câu và hải âu trắng muốt chao lượn trên bầu trời rộng lớn, thấp thoáng đằng xa là những con tàu và du thuyền sang trọng bậc nhất đang neo đậu. Những tiết mục đầy ngẫu hứng của các nghệ sĩ đường phố nơi đây đã níu chân tôi lại. Tôi gần như bị quyến rũ ngay lập tức bởi một nhóm nghệ sĩ hóa thân thành thổ dân da đỏ, sử dụng trống da và tù và để biểu diễn những bài ca sôi động núi rừng của xứ sở thuở sơ khai.

IMG_2285

Sau khi dạo một vòng quanh nhà hát con sò, tôi và cô bạn thả bước đến công viên Hoàng Gia bên cạnh (Royal Park) để ngắm hoàng hôn trên cảng biển. Cây cầu Habour xinh đẹp, một biểu tượng đáng tự hào khác của Úc, lúc này đang chìm dần vào sắc tím pha đỏ của một ngày sắp tắt tạo nên một khung cảnh nên thơ và đẹp đến nao lòng.

Nhìn ngắm hoàng hôn trên cảng biển chán chê, tôi bắt đầu thấy đói. China Town, khu ẩm thực nhộn nhịp nhất xứ này là điểm kế tiếp mà tôi tìm đến. Như kẻ “buồn ngủ gặp chiếu manh”, tôi như lạc vào thiên đường ẩm thực châu Á phong phú với cơ man là quán xá dọc theo hai bên đường. Một tô phở nóng quen thuộc đã làm ấm lòng kẻ vừa “dạt quê hương đi bụi” là tôi.

Tái tạo năng lượng xong, chúng tôi tiếp tục… đi dạo. Sydney hào nhoáng lắm. Cứ vào mỗi cuối tuần, Sydney sẽ đón chào bạn bằng màn trình diễn pháo hoa sôi động ở khu vực cảng. Ghé ngang qua Darling Habour “Cảng biển Tình Yêu”, tôi và cô bạn bất giác nhìn nhau cười đồng cảm. Từng đôi tình nhân tay trong tay, sánh bước bên nhau tâm tình không khỏi làm cho hai cô nàng FA như chúng tôi thấy chạnh lòng một tẹo. Nhưng không sao, tình yêu ở khắp mọi nơi, chỉ là đôi khi “kẹt xe” đâu đó chưa kịp tới. Tôi nhanh chóng thả hồn vào giai điệu Oh My Love My Darling phát ra từ một nhà hàng nào đó, ngắm từng chùm pháo hoa rực rỡ trên không trung và tơ tưởng về một tình yêu đẹp đẽ trong tương lai.

Canbera: Rực rỡ hội hoa xuân Floriade

Một trong những lý do khiến tôi đến Úc vào mùa xuân là bởi danh tiếng của lễ hội hoa xuân Floriade lớn nhất trong năm. Trước đây, khi nhắc đến hoa tulip, tôi nghĩ ngay đến quốc hoa biểu tượng cho đất nước Hà Lan. Vậy mà khi đến lễ hội hoa Floriade, dàn hoa tulip nơi đây đã làm tôi phải suy nghĩ. Hàng triệu bông hoa với màu sắc rực rỡ, đa dạng về chủng loại, kích thước lẫn hình dáng được các nghệ nhân dày công xếp đặt theo những chủ đề khác nhau vào mỗi năm.

Lễ hội thường được tổ chức từ giữa tháng 9 và kéo dài đến giữa tháng 10 nên khi tôi đến thì cũng đã là những ngày cuối cùng của lễ hội. Tuy vậy, những khóm hoa vẫn được chăm sóc tỉ mỉ và vẫn “tươi không cần tưới”. Không hề có cảnh chen lấn, xả rác, ngắt bẻ hoa hay mang hoa về làm của riêng, lễ hội hoa diễn ra hoành tráng trong quy củ, nề nếp, hiền hòa và thân thiện.

Ngắm hoa trong lễ hội chán chê, tôi cảm giác như mình đang lạc vào khung cảnh cổ tích khi dạo bước trên những con đường thoai thoải ở Canberra. Những vườn hoa cải vàng ruộm, những ngôi nhà cổ điển xinh xinh thấp thoáng giữa những vườn hoa ngập tràn sắc nắng, Canberra để lại trong tôi ấn tượng đẹp đẽ về một thủ đô hiện đại mà yên bình.

Blue Mountains: Đi tìm nàng xuân trên rẻo cao

Sau hai ngày mê mải ở Canberra, tôi mê tít với lời đề nghị của cô bạn “thổ địa”: “Giờ đến lúc trải nghiệm mùa xuân trên núi cao nhé. Cho biết hương biết hoa và biết lạnh với người ta”. Tôi gật đầu cái rụp và a lê hấp Blue Mountains thẳng tiến.

Blue Mountains nằm trong danh sách bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới, cách Sydney hai giờ đi xe lửa từ ga Central đến ga Katoomba. Điểm đầu tiên khác biệt khi đặt chân đến đây chính là “lạnh run người”. Mặc dù đang vào xuân với tiết trời ấm áp nhưng nàng xuân nơi này đã nhiệt tình chào đón tôi bằng hơi thở lạnh giá “đặc sản” của vùng cao. Nhiệt độ nơi đây chỉ tầm 12 – 13 độ C vào ban ngày và có thể xuống mức 9 – 10 độ C về đêm.

2013-09-21 16.51.14

Có thể nói Blue Mountains này nổi tiếng vì vẻ đẹp của những dãy núi đá sa thạch cao cả 1.000m được bảo phủ bởi một màu xanh ngắt của các loại cây rừng, chủ yếu thuộc họ bạch đàn, khuynh diệp. Bước giữa hai hàng cây xanh thẳng tắp, tôi không khỏi trầm trồ trước những ngôi nhà cổ kính im lìm và xuýt xoa thán phục trước những khu vườn nhà lung linh màu sắc của người dân bản địa. Tôi yêu cảm giác bình yên như lạc giới vào chốn thần tiên mà Blue Mountains mang lại.

Đi dọc theo đường mòn của công viên quốc gia, tôi bắt gặp không ít những loài cây lạ, đây đó điểm thắm vài sắc hoa “lả lơi” mời gọi cái ghé mắt nhìn của những vị khách phương xa như tôi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được Echo Point vốn là điểm ngắm dãy Dãy núi Ba Chị Em (The Three Sisters) đẹp nhất nơi đây. Dãy núi Ba Chị Em hiện ra trước mắt tôi, đẹp sững sờ vì vẻ hùng vĩ uy nghiêm của nó. Tương truyền rằng đây là dãy núi tượng trưng cho một câu chuyện tình yêu buồn trong truyền thuyết thổ dân.

Hôm sau, tôi quyết định khám phá Blue Mountains theo một cách khác không kém phần thú vị, đó là trải nghiệm Scenic World Blue Mountains. Tôi được dịp nhìn ngắm các hẻm núi cổ và những thác nước lấp lánh phản chiếu ánh nắng mặt trời từ cáp treo bằng kính Skyway, sau đó làm một chuyến du ngoạn thót tim với Scenic Railway, vốn là đường sắt dốc đứng nhất thế giới, khi được đưa băng qua một đường hầm dài và ngọn núi xanh ngập nắng trước khi kết thúc tại chân thung lũng.

Tôi phấn khích đóng vai “nhà thám hiểm” cho trọn cả ngày khi tiếp tục dấn vào chuyến thám hiểm Janolan Caves – một trong những hang động cổ xưa nhất thế giới với những mê cung thạch nhũ đá vôi được chạm khắc bởi những dòng sông ngầm. Nếu may mắn trong chặng hành trình này, có thể sẽ bắt gặp các loài thú bản địa như kangaroo, wallaby hay thú mỏ vịt…

Hunter Valley: Thưởng thức rượu vang của thung lũng mùa xuân

Lên núi cao chán chê, chúng tôi tìm về thung lũng. Không gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức rượu vang giữa nền nhạc jazz êm ái tại các trang trại nho trứ danh nằm trong thung lũng Hunter. Hunter Valley không quá xa nên chúng tôi có thể đi về trong ngày.

Trên đường đi ngang qua thành phố duyên hải New Catsle, cô bạn tôi cho xe chạy dọc bìa rừng để tìm kiếm đàn kangaroo hoang dã. Vì là giống loài tự nhiên nên lũ kangaroo này hoàn toàn không thân thiện với con người. Tôi chỉ có thể ngắm chúng từ xa cho an toàn và tuyệt đối không được cho chúng thức ăn vì chúng phải tự kiếm sống theo bản năng để cân bằng sinh thái.

IMG_0021

Luyến tiếc từ giã đàn kangaroo đáng yêu, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đến thung lũng rượu vang nổi tiếng. Tại đây bạn được thử rượu tùy thích, ngay cả với những loại rượu vang đặc biệt như Semillon, Shiraz và Chadonnay. Và tất nhiên để tăng thêm phần hoành tráng và “chơi cho trọn vẹn” như cách chúng tôi đùa với nhau, cả hai quyết định chi 90USD cho 10 phút vỏn vẹn để được một lần nhìn ngắm toàn bộ khung cảnh núi đồi thung lũng đẹp khó quên này từ… trực thăng.

Kết thúc 9 ngày nơi xứ người, tôi trở về với sự tiếc nuối về một mùa xuân sớm đẹp tươi trên đất bạn. Dù chỉ mới đi được một phần bé tẻo teo của lục địa rộng lớn này, tôi cũng cảm nhận được sự đa dạng văn hóa của vùng đất từng là thuộc địa của thực dân, nét đẹp lãng mạn của mùa xuân ấm áp dù là ở vùng núi cao hay thung lũng sâu, khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những trải nghiệm kỳ thú về người dân nơi đây. Chắc chắn tôi sẽ quay lại thăm mảnh đất xinh đẹp này vào một ngày không xa.

 

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐI DU LỊCH Ở ÚC

Visa – Thủ tục xuất nhập cảnh

  • Có thể tìm hiểu thông tin và làm theo hướng dẫn của Bộ Nhập cư và quốc tịch Úc (DIAC) tại http://www.immi.gov.au/visitors/. Thời gian xét duyệt visa trung bình: từ 2 tuần đến 1 tháng. Chỉ được nộp trong vòng 3 tháng trước ngày dự định đi.
  • Hiện nay, hầu hết visa nhập cảnh vào Úc đều được mã hóa thành visa điện tử (không có visa giấy để dán lên passport như đi các nước khác). Vì vậy nên in sẵn thư điện tử thông báo visa cá nhân để tránh rắc rối khi quá cảnh tại quốc gia khác.
  • Nếu mang các loại động thực vật vào Úc, bạn buộc phải khai báo hải quan. Ngoài ra, chính sách ở một số vùng nước Úc không cho du khách mang đi những sản phẩm làm từ thịt, trứng, sữa, lông gà, thậm chí là trái cây hay hạt giống…

Thời tiết – Khí hậu

  • Úc là một lục địa đặc thù, 1/3 đất nước có khí hậu nhiệt đới, trong khi phần còn lại có khí hậu ôn đới. Nhiệt độ ở Sydney, Melbourne… có sự cách biệt rõ nét giữa ban ngày và ban đêm do chịu ảnh hưởng khí hậu sa mạc. Bạn nên căn cứ vào vùng sẽ đến để chuẩn bị trang phục phù hợp.
  • Trái ngược với Việt Nam, mùa hè của Úc từ tháng 12 đến tháng 2, mùa thu từ tháng 3 đến tháng 5, mùa đông từ tháng 6 đến tháng 8 và mùa xuân từ tháng 9 đến tháng 11.
  • Vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C và mùa đông chỉ còn 0 độ C.
  • Khoảng thời gian đẹp nhất để du lịch Úc là vào mùa xuân. Do bức xạ nhiệt tại Úc rất cao nên bạn cần mang nón và dùng kem chống nắng bảo vệ da.

Phương tiện đi lại – Lưu trú

  • Thường ít có hãng hàng không có vé máy bay giá rẻ đến Úc, tuy nhiên, bạn vẫn có thể canh vé của hãng Air Asia.
  • Đường phố ở Úc được quy hoạch rõ ràng, hệ thống phương tiện công cộng bao gồm tàu lửa (train), tàu điện (tram) và xe buýt. Tuy nhiên, chi phí đi lại ở Úc khá tốn kém. Nên nghiên cứu sử dụng các loại vé Multi, chỉ cần trả tiền một lần để dùng đủ mọi phương tiện miễn phí tùy theo thời gian quy định (ngày, tuần, tháng) và tùy theo khu vực quy định.
  • Lưu trú ở Úc rất đa dạng từ hostel, motel bình dân đến những khách sạn cao cấp 4, 5 sao ngay tại khu vực trung tâm. Nếu muốn thử “phượt” như Tây ba lô, hãy thuê giường tầng (dorm) ở những hostel dành riêng cho khách du lịch quốc tế với chi phí khá rẻ từ 18 – 25USD/giường tùy loại phòng.

 

Hoài Nhiên (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN