Một cô con dâu trưởng ngồi một mình giữa một “bãi chiến trường” bát đĩa bên bờ ao và đó là công việc phải làm, là nghĩa vụ, là bổn phận. Một cô vợ thức trắng đêm chờ chồng đi nhậu trong một nỗi vừa bực tức lại vừa lo lắng. Một cô gái trẻ còn chưa bước chân về nhà chồng đã “khoe” ảnh mặt mũi thâm tím do bạn trai bạo hành lên mạng và kêu đau.
Tại sao họ không từ chối? Khi mà từ chối nhiều khi là một cách lựa chọn, một cách giải thoát, một cách giã từ đau khổ và hy vọng hạnh phúc…
Không từ chối nghèo nhưng hãy từ chối hèn
Nghèo hèn là một từ ghép, nhiều người nghĩ rằng nghèo thì đi đôi với hèn. Nhưng không hẳn như vậy. Nghèo là một trạng thái, còn hèn là một bản chất. Nghèo có thể thay đổi, người ta có thể thoát nghèo, nếu có chí khí, chịu khó vươn lên. Còn gần như rất ít người có khả năng thoát… hèn.
Và trên đời này, không có gì đáng chán ghét, đáng khinh bỉ bằng một người đàn ông hèn. Đàn ông hèn thường không dám ra quyết định, vì họ không dám gánh chịu kết quả của quyết định đó. Đàn ông “an phận thủ thường” chưa chắc đã hèn, đôi khi họ mang tiếng “hèn” ngoài xã hội, từ chối những cuộc vui phù du, dành thời gian cho vợ con, mang lại hạnh phúc cho gia đình. Đàn ông như vậy không dễ kiếm, nhưng nhận lời hay từ chối, tùy bạn!
Còn người đàn ông hèn, nhất định phải từ chối, vì họ không thể mang lại hạnh phúc cho ai, thậm chí ngay cả bản thân mình. Người đàn ông hèn thường bị phụ thuộc vào người khác, không chủ kiến, không ý chí, thậm chí không dám nói ra suy nghĩ của mình. Thật tệ hơn nữa nếu họ lấp liếm những điều đó bằng thói sĩ diện hão, thậm chí, là bạo hành, là đòn roi, là to tiếng chửi tục, để che đậy sự hèn của mình.
Đàn ông như thế, nhất định phải từ chối!
Không từ chối lấy chồng, nhưng hãy từ chối lấy cả gia đình nhà chồng
Trước khi gật đầu lấy một người đàn ông làm chồng, hãy thỏa thuận trước với anh ấy về những thứ liên quan tới nghĩa vụ, trách nhiệm với họ hàng cả hai bên. Thậm chí, hãy “văn bản hóa” những điều trao đổi, chia sẻ này, để tránh những tranh cãi về sau.
Thật sai lầm khi lấy lòng gia đình chồng tương lai bằng cách thể hiện sự đảm đang của mình. Bạn luôn là khách trước khi lễ cưới diễn ra, và hãy thực hiện mọi việc đúng bổn phận của một người khách: lịch sự nhưng không khách sáo, thân mật nhưng không quá nhiệt tình. Tạo một khoảng cách nhất định sẽ là một cách “từ chối” rất tế nhị với rất nhiều thứ bạn không mong muốn sau khi bước chân vào nhà chồng, nhất là trong trường hợp bạn ở cùng với nhà chồng.
Trong các cuộc trao đổi với chồng về bổn phận hay nghĩa vụ với nhà chồng sau khi cưới, hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, không thỏa hiệp. Mọi thứ phụ thuộc vào tình cảm, cảm nhận của chính bản thân bạn, chứ không phải do bị ai hay lý do nào ép buộc bạn vào chuyện dâu trưởng hay làm dâu thì phải gánh trách nhiệm quán xuyến mọi sự trên đời, từ nấu ăn đến rửa bát… Nếu bạn có đủ tiếng nói, hãy trao đổi để cùng phân công, chia sẻ mọi việc. Nếu chẳng ai muốn làm gì, hãy đề nghị mọi người cùng đóng góp để thuê dịch vụ.
Từ chối là cách bạn giữ gìn sự êm ấm, thay vì chịu đựng để đến lúc cũng sẽ phải từ chối vì mệt mỏi.
Không từ chối công việc, nhưng hãy từ chối ông chủ và đồng nghiệp
Công sở là ngôi nhà thứ hai của bạn? Điều này hoàn toàn không chính xác, cho dù thời gian bạn dành cho công việc nhiều khi còn nhiều hơn cả thời gian dành cho gia đình. Công việc là công việc, chỗ làm là chỗ làm. Xác định cơ quan như ngôi nhà thứ hai khiến cho sự giao tiếp nhiều khi có thể trở nên gần gũi, thậm chí là suồng sã quá mức. Trong khi rõ ràng đồng nghiệp không phải là chồng, người yêu, hay thậm chí là anh trai, hay bố của bạn.
Công việc là “cần câu cơm”, là nguồn kiếm sống của bạn. Hết mình, say mê, cống hiến để nhận lại những tưởng thưởng xứng đáng là việc cần làm, phải làm và nên làm. Tuy nhiên, thành quả này cần đến từ sự nỗ lực, phấn đấu, từ cách làm việc thông minh, từ sự cần thiết của bạn trong chuỗi nhân sự, chứ không nên đến từ quan hệ, từ sự đánh đổi.
Bản thân bạn giá trị hơn rất nhiều so với mọi thứ mà bạn có thể có được trên đời này. Bởi vậy, cần kiên quyết từ chối những môi trường khiến bạn có thể gặp nguy hiểm, những công việc không minh bạch, những ông chủ khiếm nhã và những đồng nghiệp xấu tính.
Nếu không, sẽ có ngày bạn đột nhiên nhận ra mình cũng trở nên giống như họ. Hoặc tệ hơn, bạn còn không nhận ra mình đã trở thành người như vậy, vì bạn đã đánh mất mình rồi!
Hãy có những giới hạn để không đánh mất mình, không tự biến mình thành con rối trong một mối quan hệ tình cảm hay bất kỳ quan hệ nào đó – đấy là quyền của bạn mà!
Không từ chối cơ hội, tiền bạc nhưng cần biết từ chối cám dỗ
Tiền không tạo nên hạnh phúc nhưng hầu như mọi người đều cảm thấy bất hạnh nếu không có tiền. Tiền bạc giúp bạn trang trải cuộc sống, mở ra những cánh cửa mới, đưa bạn đến với những thế giới mà bạn hằng mơ ước. Tiền bạc cũng chắp cánh cho những giấc mơ của bạn, biến chúng thành sự thật.
Nhưng tất cả sẽ đều vô nghĩa, khi bạn không có chút thời gian nào để tận hưởng cuộc sống này, cảm nhận những khoảnh khắc đáng giá bên gia đình, người thân, lắng nghe cơ thể và tâm hồn mình, để bạn thực sự là đang sống, chứ không phải đang tồn tại như những con rô bốt được cài đặt duy nhất một chức năng: Kiếm tiền!
Tiền bạc, danh vọng là những thứ có thể lấy đi của bạn một thứ vô cùng quý giá và một đi không trở lại – là thời gian. Cứ cho là bạn có thể ngắm đi ngắm lại hoàng hôn hay bình minh, nhưng bạn sẽ không thể có lại khoảnh khắc con bạn nói tiếng đầu tiên, bước đi chập chững, khi chúng giành được một chiến thắng trong trận đấu quan trọng hay khi chúng nhận được bằng chứng nhận tốt nghiệp… Bạn cũng có thể ngắm mây trời, ngắm hoa lá cỏ cây mỗi ngày, nhưng sẽ không kịp nhận ra cha mẹ mình đang già đi, và họ có thể đi xa khỏi bạn bất kỳ lúc nào.
Hãy hoạch định mọi thứ trong cuộc sống một cách cẩn trọng và kỹ càng. Xác định với bạn những điều quan trọng, để mạnh mẽ từ chối những cám dỗ có thể lấy đi của bạn quá nhiều sức lực và thời gian dành cho những người thân yêu.
Họ ở đấy là vì bạn, nhưng họ sẽ không ở đấy mãi mãi!
Anh Vân