Bé con bước tới giai đoạn cực điểm của “khủng hoảng tuổi lên ai”. Bé chẳng thèm gào khóc đòi theo ý mình như trước, mà chỉ nói “KHÔNG”, rồi ngồi im chứ nhất định không tuân theo mẹ dù là giải thích nhẹ nhàng, ngọt ngào năn nỉ hay lớn tiếng dọa dẫm.
Ngày thứ nhất, hai, ba… mất 15 – 20 phút cho mỗi công đoạn chuẩn bị cho con đi học, sự kiên nhẫn trong tôi mất dần. Đến ngày thứ ba, tôi không kiềm nỗi, quát con ầm ĩ. Ngày thứ tư, căng thẳng leo thang, tôi tét đít con. Ngày thứ năm, tôi hét lên dọa dẫm “Bây giờ con uống thuốc hay là mẹ tét đít”. Nó quay mông ra tỉnh bơ “Mẹ tét đít”. Tôi đành tét một cái nhẹ phủi bụi, rồi bỏ ra ngoài gục khóc vì đã hoàn toàn bất lực!
Phân tích nguyên nhân
Không thể tiếp diễn như vậy, tôi phải tự xem lại mọi việc. Đợt này con ho nặng, nên phải uống 4 – 5 loại, liên tục mấy tuần nên con đã rất chán thuốc. Loại thuốc này có vẻ lợn cợn bột nên con cũng không thích. Mẹ cũng ngầy ngật cảm ho nên càng dễ cáu. Hơn nữa, vì con ốm nên người bác mà hai mẹ con qua ăn tối mỗi ngày lại càng chiều theo mọi ý muốn của con với lý giải “Em ốm mà, chiều em. Mai mốt em hết ốm lại ngoan mà”.
Ngoài ra, dạo này mẹ nhiều việc nên về muộn, ít thời gian chơi với con. Con đi ngủ muộn, sáng không muốn dậy đi học. Dậy rồi thì vì ít được chơi với mẹ nên chỉ muốn được mẹ ôm ấp chơi đùa. Trong khi mẹ thì vừa gọi con dậy đã ngay lập tức giục con quần áo thuốc thang… Khi con nhõng nhẽo thì vì mẹ mệt nên nhanh nổi cáu…
Thay đổi môi trường và cách hành xử của mẹ
Tôi nói chuyện với sếp về vấn đề của mình, và thông báo trước về việc tôi sẽ cần đi muộn hơn trong vài ngày tới nhằm bớt áp lực trong thời gian buổi sáng.
Hai là buổi tối tôi không cho con qua nhà người bác kia ăn cơm nữa, mà lấy cơm về, hai mẹ con ăn với nhau. Vừa ăn vừa chơi, con có nhiều thời gian với mẹ hơn, vừa tránh được việc bác vì yêu qúy mà chiều con sinh hư. Ăn xong cho con đi ngủ sớm hơn, để giúp buổi sáng con dậy được sớm không mệt.
Tôi đọc lại các bài hướng dẫn trên mạng về “khủng hoảng tuổi lên hai”. Quả thực dù đã đọc mấy lần, nhưng có nhiều thứ vẫn quên nên phản ứng theo bản năng (ví dụ mất bình tĩnh đến quát mắng con).
Sáng hôm sau đánh thức con dậy, tôi mát xa cho nàng, ôm hôn âu yếm, nàng tỉnh dần. Rồi tôi cho nàng ngồi chơi một lúc lâu với các món đồ yêu thích. Nàng vui vẻ với một ngày mới chứ không còn cáu kỉnh vì mẹ gọi dậy bất chợt và giục giã chuẩn bị như những hôm trước.
Rồi cũng phải đến lúc chuẩn bị đi học. Khi con giữ phản ứng cũ, nói “KHÔNG” với thuốc và quần áo, tôi đã chuẩn bị tinh thần nên không gào lên “Sao con hư thế” nữa. Đọc sách cho tôi hiểu rằng lứa tuổi này đang chưa phân biệt đúng hay sai, mà chỉ biết “Con muốn cái này”. Vậy nên tôi không đối đầu với con nữa mà “thỏa hiệp”.
Ví dụ, nàng lại vẫn đòi cái đầm mickey yêu thích “Con mặc áo mickey này”. Thay vì cầm cái áo đó cất đi và “Mặc áo kia mới ấm”, thì tôi thỏa thuận “Ừ, mẹ biết con thích áo này rồi. Hay là mẹ cất vô ba lô, tới lớp mẹ nói cô mặc cho con nhen”. Nàng đồng ý, vậy là chịu mặc áo mẹ đưa. Tất nhiên là tới lúc lên trường tôi không nhắc cô thay áo. Hơi không đúng lý thuyết vì có phần “nói dối” với con. Nhưng thôi, gỡ nút từng chút một vậy.
Đến đoạn uống thuốc thì lại phải qua dỗ dành đổi cho con món kẹo mút mà con thích nhất. Ăn ngọt không tốt, nhưng dù sao còn hơn là con không uống thuốc.
Đến lúc đánh răng, tôi thử áp dụng cách mà sách hướng dẫn: cho con lựa chọn. “Bây giờ con muốn đánh răng hay là súc miệng”. Con được “quyết định” nên chọn súc miệng. Thôi thì cũng được, súc nước muối cũng không đến nỗi tệ!
Lúc bước ra khỏi nhà, nàng lại đòi mang theo đồ chơi này, đồ chơi kia. Trước kia tôi thường không cho mà giải thích là không mang đồ chơi đi lỉnh kỉnh. Bây giờ tôi nói “Ok, con mang theo, nhưng chỉ một món thôi, con chọn đi”. Đến lúc tới cổng trường, chỉ vào các bạn đông đúc, tôi hỏi: “Hay là mẹ cầm về cất cho con nha. Đem vô các bạn lấy mất đó”. Chắc là viễn cảnh nhiều bạn như vậy nhắm không giữ nổi đồ chơi, nàng vui vẻ cho mẹ cầm về.
Ngày hôm đó tôi cũng sắp xếp thời gian đi khám. Dù chỉ ho nhẹ cảm xoàng, tôi vẫn uống lấy thuốc luôn cho khỏe hẳn chứ không chờ tự khỏi như hồi độc thân. Chiều đó đón con về tôi cũng cho con đi khám lại, nói bác sĩ đổi loại thuốc khác không có vị sền sệt lợn cợn để con thích uống hơn.
Mỗi ngày sau đó mọi thứ nhẹ nhàng hẳn đi. Con tự dưng qua một tuần “nổi loạn” hồi nào không hay, bỗng ngoan ngoãn dễ bảo đến bất ngờ.
Khủng hoảng tuổi lên hai không chỉ đến một lần rồi đi
Nhưng chuyện dạy con đâu đơn giản là cổ tích “từ đó hai mẹ con sống với nhau hòa thuận vĩnh viễn”. Sau vài tuần ngoan, mới tuần trước đây nàng lại trở bướng bỉnh trở lại. Đã đọc kĩ hướng dẫn về tâm lý trẻ con nên tôi biết đây chỉ là những tuần “nổi loạn”, chứ không phải là con “sinh hư”. Nó đến rồi lại đi, nhanh hay chậm tùy vào tính cách trẻ và cả cách xử trí của cha mẹ. Các chiêu cũ lại mang ra xài, con bắt bài được mẹ rồi thì lại nghĩ ra một chiêu khác. Lâu lâu không nghĩ ra chiêu mới, lại quay về chiêu cũ mèm của vài tháng về trước, bỗng dưng lại hiệu nghiệm.
Ví dụ con tôi thích con vật lắm, từ 16 tháng nàng đã thuộc hết các con vật cơ bản và tiếng kêu của chúng. Và nàng quyết định là nàng “sợ con sư tử”. Tôi mang sư tử ra dọa, được vài tuần, nàng răm rắp làm theo lời mẹ nếu nghe “mẹ gọi sư tử tới”. Rồi sau nàng thấy sư tử không đến, nàng không sợ nữa.
Bẵng đi vài tháng, hết chiêu rồi, tôi bí quá lại mang sư tử ra, lần này biến báo đi chút đỉnh, miệng gầm giả tiếng sư tử, tay chân giả bộ giơ móng vuốt dọa ăn thịt. Tất nhiên là con đủ lớn để biết là mẹ đang giả vờ, nhưng nàng thích trò này nên cười như nắc nẻ, vui quá nên chịu làm theo mẹ nói.
Tóm lại, điều mà tôi rút ra là vượt qua cái tuổi “KHÔNG!” của con, mẹ cần linh hoạt, không thể theo sách vở quá, nhưng kim chỉ nam vẫn là có phương pháp giáo dục chứ không được theo bản năng hoặc kinh nghiệm xã hội.
HỒNG NGUYỄN