“Đã có lúc mẹ cũng se sua khi mua túi, vali hàng hiệu đắt đỏ… rồi mẹ nhận ra điều đó chẳng có ý nghĩa gì”, nữ giám đốc, nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy chia sẻ.
Từ bài học bà mẹ Việt nên đọc…
Ở tuổi 30, chị ly hôn chồng, mang theo con gái nhỏ tới miền đất mới. Tại Sài Gòn xa hoa, chị bắt đầu cuộc sống với số vốn liếng vỏn vẹn 10 triệu đồng và một chiếc xe đạp. Bắt đầu làm việc mưu sinh và nuôi con trong một quyết tâm cao độ và sự bền bỉ, siêng năng. Ở tuổi 47, chị là giám đốc công ty chuyên thi công nạo vét luồng lạch và san lấp mặt bằng, chủ hai nhà hàng tại Sài Gòn… Đó là một phần để nói với chị Đoàn Thu Thủy, top 3 Master Chef 2014.
Câu chuyện về chị còn nhiều điều để nói hơn khi gần đây, tâm sự về chiếc túi hàng hiệu 300 USD và tâm sự dành cho con gái trong những nấc thang cuộc đời khiến nhiều mẹ Việt tâm đắc. Theo chị, đừng mua chiếc túi trị giá 300 đô mà trong đó không có gì cả.
Cụ thể, chị viết:
“Con gái,
Hôm đi Thái Lan, ở sân bay mẹ thấy cái ba lô Burberry rất đẹp, hợp với con, mẹ nói con mua đi, mẹ tặng. Con xem giá rồi nói, nó hơn 50 triệu con không mua đâu mẹ ơi, để tiền làm chuyện khác, con chưa cần xài hàng hiệu.
Mẹ vui vì thấy con biết tiết kiệm chi tiêu, biết giá trị bản thân con không phải được đánh giá qua chiếc túi hay manh áo tấm quần.
Tỷ phú Warren Buffett nói: “Đừng mua chiếc túi trị giá 300 đôla mà không có gì trong đó cả. Mua một chiếc túi trị giá 10 đôla thôi và bên trong có 290 đôla. Đừng để mình phá sản vì cố làm ra vẻ giàu có”.
Mẹ nghĩ con biết điều đó.
Mẹ thấy nhiều cô gái trẻ bây giờ tiêu tiền nhiều hơn số mình kiếm được, mua cái túi đắt tiền để chứng tỏ bản thân nhưng trong chiếc túi đó đựng những tờ giấy lộn chứ không phải những tờ tiền.
Nhiều cô nhắm mắt nhận những món quà giá trị, áo quần hay trang sức để khoác lên người, tự hào với chúng bạn rằng mình sành điệu mà không biết món quà nào cũng có cái giá của nó.
Đã có lúc mẹ cũng từng se sua khi mua những chiếc túi, chiếc vali hàng hiệu đắt đỏ để thấy mình không thua kém người khác nhưng rồi mẹ nhận ra điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả, chiếc túi hay bộ đồ hàng hiệu không nói lên giá trị bản thân của con người, mẹ cũng không thể bắt chước người này người kia dùng hiệu này hiệu nọ để thấy sang, thấy chảnh.
Mẹ không quen.
Mẹ bây giờ mua đồ khi thấy thích và thấy tiện dụng, có thể quảy giỏ đệm, mang guốc mộc nhưng vẫn tự tin sải bước vì mẹ biết cái chất của mẹ như thế và mẹ biết trong giỏ đệm có gì. Tỉ như cho mẹ mặc đồ Chanel mang giày cao gót chắc sẽ luống cuống gượng gạo lắm.
Đi chiếc xe sang, mặc bộ đồ đắt tiền, mang chiếc túi đẹp, sang trọng lịch lãm là điều nhiều người ao ước, nhưng có một điều ít ai biết tới là khi đạt được mọi thứ rồi người ta lại muốn được ung dung tự tại, thích mặc cái quần lưng thun để không phải hóp bụng trong chiếc đầm ôm, đi đôi dép lê cho thoải mái chứ không muốn vắt vẻo trên đôi giày cao gót đau chân.
Suy cho cùng cuộc sống này càng đơn giản càng tốt.
Sống thật là cách sống nhẹ nhàng nhất con ạ”
Bài viết của nữ giám đốc Đoàn Thu Thủy đã nhận được hơn 8 nghìn lượt like sau hơn một ngày được đăng tải. Nhiều người đồng tình và bày tỏ sự ủng hộ với cách dạy con của chị Đoàn Thu Thủy.
“Đây thực sự là bài học quý giá cho tuổi trẻ. Đã có những thời điểm mình từng hoang phí và bốc đồng như thế. Nhưng rồi nhận ra tất cả là thứ bên ngoài mình. Chữ an ở bên trong mới là quan trọng”, facebook Thủy Huyền chia sẻ.
“Thấm từng câu. Tôi từng ao ước những thứ như vậy, và tôi đã sai lầm. Khi tôi ước ao những thứ như thế, tôi cũng đánh giá sai về người khác. Và tôi từng phải trả giá. Đây thực sự là những lời chia sẻ sâu sắc”, facebook Thủy Hương nhận định.
“Cuối cùng chữ an là ở bên trong chứ không phải bên ngoài. Cuối cùng hạnh phúc là tôi hạnh phúc chứ không phải tôi sẽ hạnh phúc. Và cuối cùng, giá trị của một con người là ở cách lựa chọn cho mình một cách sống chứ không phải một món đồ mặc bên ngoài”. Facebook Hồng Nhung cho biết.
… Đến người nước ngoài nghĩ gì về hàng hiệu?
* Ông Herby Neubacher (người Đức): Tiền nào của đó, nhưng đừng làm quá: Nhiều người phương Tây thích mặc quần áo tốt, ăn ngon, đôi khi mua những món có thương hiệu chất lượng để có thể sử dụng lâu bền. Bản thân tôi cũng từng mua một đôi giày ở Boston có giá đến 500 USD vào 20 năm trước, nhưng đến tận bây giờ trông vẫn còn mới. Tiền nào của đó, mắc thật nhưng đáng. Chúng tôi chú trọng giá trị hơn là giá tiền.
Hầu hết người Đức có thu nhập trung bình – tôi không nói những người giàu – chỉ chuộng hàng hiệu một lúc nào đó vào dịp đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn lúc nào cũng lãng phí tiền bạc vào các món hàng hiệu, mà muốn để dành tiền cho những dịp tốn kém kiểu khác như đi nghỉ dưỡng 1-2 lần/ năm.
Tôi nghĩ người trẻ thường cố gắng khẳng định mình. Tuy nhiên với một số người, khao khát được thể hiện mình bằng hàng hiệu là làm quá. Ví dụ đối với sinh viên, họ không nên bắt cha mẹ sắm sửa cho mình cái điện thoại đời mới nhất hay bộ quần áo thời thượng mắc tiền, khi mà cha mẹ đã đủ gánh nặng vì học phí của họ rồi.
Ngoài ra, chuyện sinh viên đua đòi hàng hiệu sẽ tạo ra môi trường xấu cho các sinh viên khác – những người không thể kham nổi các món đồ xa xỉ đó.
Điều đáng buồn là nhiều bậc phụ huynh lại sẵn lòng để con cái mình “tỏa sáng” với quần áo mắc tiền và thiết bị hiện đại để chúng có được cảm giác giàu sang, thay vì dạy chúng tiết kiệm đến khi có thể tự mình mua được.
* Bà Maria A. (họa sĩ, người Pháp): Đẳng cấp đến từ văn hóa
Là phụ nữ, tôi rất thích hàng hiệu. Đó là vì chúng có thiết kế tinh xảo, chất lượng cao, chứ không vì chúng giúp tôi trông có vẻ giàu hơn. Việc sử dụng tiền ra sao tùy quyền quyết định của mỗi người. Tuy nhiên, còn cần phải cân nhắc đến khả năng tài chính và nhu cầu khi bỏ tiền ra mua một món đồ hàng hiệu.
Thời trang là thế giới rộng lớn và bất tận. Nếu cứ cố gắng bỏ tiền ra mua hàng hiệu chỉ để hợp thời, hợp mốt, tôi cho rằng điều này là không cần thiết.
Tại Pháp, chúng tôi có Paris, một trong những kinh đô thời trang của thế giới. Tuy nhiên, người Pháp ăn mặc vẫn rất đơn giản chứ không quá phụ thuộc vào việc bắt kịp với xu hướng. Chúng tôi chuộng sự tiện nghi, thoải mái hơn là giá cả một món đồ vì hiểu rằng giá trị của bản thân không phải do vật chất quyết định.
Tôi nhận thấy một bộ phận người Việt Nam ăn mặc khá cầu kỳ nhưng thiếu tinh tế, thẩm mỹ. Có những người đi vào quán ăn bình thường nhưng lại diện son phấn, váy, giày như thể đi dự tiệc. Trong khi đó, đến một buổi lễ trang trọng lại mặc áo thun, quần jean.
Tôi nghĩ trước khi quan tâm đến đẳng cấp, mỗi người cần tự xây dựng văn hóa cho bản thân. Vì dù xài hàng hiệu mắc cách mấy nhưng hành xử thô lỗ, thiếu chuẩn mực như khạc nhổ, vất rác bừa bãi, bóp kèn inh ỏi nơi gần bệnh viện, chửi tục…, bạn cũng không thể có được sự tôn trọng từ người khác.
Nét đẹp và đẳng cấp đến từ văn hóa và thần thái của chính bạn chứ không phải vì bạn mang trên mình một món hàng hiệu. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người vẫn cảm thấy xài đồ mắc tiền, đặc biệt là hàng hiệu, là “biểu tượng” của sự giàu có.
Tôi nghĩ hàng hiệu không giúp quyết định vị trí trong xã hội của chúng ta. Giá trị của một người dựa vào nhiều thứ quan trọng hơn vật chất, ví dụ như cách họ hành xử, đối xử với người khác. Chúng ta nên đánh giá về giá trị một con người dựa trên nhân cách của họ hơn là thứ họ mặc hoặc sở hữu.
* Bà Robyn Ausmeier (giáo viên, người Nam Phi): Nên bớt quan trọng về ngoại hình
Tại Nam Phi, tương tự các quốc gia khác, những người thường sử dụng hàng hiệu là người nổi tiếng, người giàu có hoặc bất cứ ai có đủ tiền mua. Dùng hàng hiệu thường được xem là thước đo về đẳng cấp, vì vậy khiến nhiều người bị “áp lực” và luôn phải tìm cách sở hữu những món đồ này.
Có rất nhiều người dù không giàu, nhưng lại dành tiền để mua hàng hiệu chỉ vì muốn được người khác ngưỡng mộ hoặc tin là họ giàu. Điều này thường thấy trong xã hội hiện nay.
Tôi nghĩ nên bớt quan trọng ngoại hình và cách chúng ta nói hoặc nghĩ về hàng hiệu. Thật buồn khi rất nhiều người nghĩ rằng giá trị của họ chỉ phụ thuộc vào thứ đồ họ sở hữu hoặc vẻ ngoài của mình.
Ngoài ra, bạn cũng nên học cách chấp nhận bản thân thay vì cố theo đuổi một thứ gì đó xa xỉ. Khi sống trong một xã hội quá quan trọng ngoại hình, bạn luôn phải cố gắng hành xử hoặc tỏ ra “sang chảnh”. Bạn sợ người khác đánh giá về đẳng cấp, sự giàu nghèo hay khinh thường mình
Rõ ràng, các bậc phụ huynh nên giáo dục con cái từ nhỏ về những giá trị cốt lõi trong cuộc sống như sự trung thực, tình thương yêu, lòng nhân ái, sự bao dung… để từ đó bọn trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới và không cần phải chạy theo hàng hiệu chỉ để làm vừa mắt người khác.
Theo giadinhnet