Hồng Ánh: Không có thành tựu nào từ trên trời rơi xuống

Nếu phải chọn một diễn viên nổi bật cho dòng phim nghệ thuật tại Việt Nam trong khoảng gần 2 thập kỉ trở lại đây, chắc chắn Hồng Ánh là lựa chọn số 1. Hồng Ánh đã trở lại và chưa biết có “lợi hại hơn xưa” không vì lần này, cô ngồi sau máy quay chứ không phải là phía trước.

Chưa đành lòng dứt bỏ ánh sáng hào quang

pnnn 1

Nữ diễn viên đang có những tháng ngày bận rộn với dự án phim dài đầu tay.

Cuộc sống của chị dạo này như thế nào thưa chị?

Vẫn một cuộc sống bình thường như những người khác bao gồm công việc, chăm sóc gia đình, học tập…trừ một điều là công việc của tôi thời gian này tập trung phần lớn cho giai đoạn hậu kì của phim Đảo của dân ngụ cư.

Nhiều người tôi đã gặp nói rằng, anh đã trót đứng dưới ánh đèn sân khấu thì cả đời sẽ sống trong hào quang đó, chị đành lòng dứt với thứ ánh sáng đó sao?

Làm gì có ai cả đời sống trong hào quang được! Để có những giây phút đứng dưới ánh đèn sân khấu, hào quang của phim ảnh cần biết bao sự lao động chăm chỉ miệt mài, biết bao mồ hôi, nước mắt. Tôi vẫn đang trong quá trình lao động miệt mài đó, có gì đâu mà gọi là “đành lòng dứt với thứ ánh sáng đó”?

Hay bởi, nói cách khác, Hồng Ánh ngoài những vai diễn khổ hạnh, thủy chung, đầy hi sinh trong những bộ phim của bộ đôi đạo diễn Thanh Vân – Nhuệ Giang thì không còn nhiều thành tựu trong vài năm trở lại đây nên thôi đành chuyển hướng. Chị nghĩ sao về sự hồ nghi này của tôi?

Không có thành tựu nào từ trên trời rơi xuống. Thành tựu là kết quả của một quá trình học tập, chiêm nghiệm và lao động miệt mài. Sau một thời gian làm việc, con người cần một quãng thời gian tĩnh lại để nạp thêm kiến thức, để chiêm nghiệm và định hình hướng đi sắp tới của mình. Không gì nhàm chán bằng sự lặp lại. Con người cần những khoảng lặng, những độ lùi để tiến lên phía trước. Sau những vai diễn trước đây của tôi, thời gian vừa qua là thời gian như vậy.

Ít đi tức là nhiều lên

pnnn 2

Hồng Ánh thị phạm cho 2 diễn viên trẻ Ngọc Thanh Tâm và Phạm Hồng Phước trên phim trường.

Có một thế hệ diễn viên như Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Mai Thu Huyền đã chuyển sang làm sản xuất, nhiều ít tuỳ khả năng từng người, và giờ là chị. Đó là lựa chọn gần như bắt buộc đối với những phụ nữ yêu và thích làm nghề khi vai diễn đã hạn hẹp dần hay đó là một biểu hiện của sự “tự chủ”, thưa chị?

Chúng tôi không “bắt buộc” phải có sự lựa chọn nào. Đó là cơ hội thú vị trong điện ảnh. Tốt nhất bạn hãy nhìn vào những sản phẩm điện ảnh mà chúng tôi – những diễn viên khi bước sang một lĩnh vực mới – đã tạo ra như thế nào, nó có góp phần vào diện mạo chung của bức tranh điện ảnh nước nhà thêm đa dạng và nhiều sắc hơn không.

Nói về sự tự chủ, việc dựng bản phim Đảo của dân ngụ cư là do chị dựng hay là có sự cố vấn từ những đạo diễn đi trước?

Một bộ phim cho dù mang nặng dấu ấn của đạo diễn thì vẫn là sản phẩm tập thể với những chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, trong đó có dựng phim. Cho nên, quá trình dựng phim Đảo của dân ngụ cư là sự hợp tác giữa tôi và chuyên gia dựng phim, cô Julia Beziau.

Đạo diễn thường tiếc nên cắt phim hơi khó, chị có vậy? Cắt thì xót mà giữ thì dài không đáp ứng được các yêu cầu về thời gian suất chiếu ngoài rạp, chị đã giải bài toán này như thế nào?

Cái quan trọng của một bộ phim là tạo ra và giữ được cảm xúc của khán giả. Cho nên, tôi không gặp vấn đề gì khi quyết định giữ hay cắt đi một cảnh phim, miễn là việc cắt đi hay giữ lại khiến cho cảm xúc của bộ phim tập trung hơn. Người ta hay bảo “ít đi tức là nhiều lên” (less is more) là vậy.

Liệu tôi có phải là đạo diễn giỏi hay không?

pnnn 3

Một mái ấm bền vững là hậu phương vững chắc cho người phụ nữ này dấn thân vào vai trò đạo diễn.

Đảo của dân ngụ cư đã ám ảnh chị 10 năm trước khi được bấm máy và giờ khi bấm máy xong rồi nó còn ám ảnh chị không?

Tôi yêu câu chuyện Đảo của dân ngụ cư từ những câu chữ gợi sự ám ảnh trong tryện ngắn của nhà văn Đỗ Phước Tiến. Văn chương mang lại những cảm xúc khác một tác phẩm điện ảnh, nhìn ngắm đứa con tinh thần do mình tạo ra từ chất liệu ban đầu trong văn học dĩ nhiên sẽ mang đến cho tôi những cảm xúc khác biệt, tôi bây giờ với tôi của 10 năm trước phải khác chứ, nhưng điều mà tôi hạnh phúc nhất là với phim tôi vẫn giữ được tình cảm mình dành cho các nhân vật như từng chạm được trong tác phẩm văn học.

Bộ phim của chị vừa có buổi showcase tại HANIFF, đánh giá của chị như thế nào về phản hồi của quan khách và báo giới?

Phản hồi quan trọng nhất là ai cũng hỏi “khi nào được xem trọn vẹn phim đây” (cười). Nói chung mọi người đều tò mò và đánh giá bộ phim có “tính điện ảnh”- đối với tôi như vậy là thành công.

Đó là áp lực?

Đó là động lực chứ!

Hồng Ánh là một diễn viên giỏi, không ai phủ nhận, bởi vậy nên khi chị làm phim nhiều người cũng kì vọng và tò mò không biết một diễn viên giỏi làm đạo diễn có giỏi không. Chị giải toả áp lực đó kiểu gì?

Tôi không có áp lực “diễn viên giỏi” phải làm “đạo diễn giỏi”. Áp lực của tôi là liệu tôi có phải là đạo diễn giỏi hay không? Nhưng nếu không có áp lực thì sẽ không có sự cố gắng, không có sự cố gắng thì không thể phát triển các tiềm năng của bản thân.

Chưa từng có hành động để phải hối hận

pnnn 4

Poster dự kiến của bộ phim.

Không có kinh nghiệm chỉ đạo phim trường nhiều, biểu hiện của chị tại trường quay như thế nào? Chị có từng “nổi điên” chưa?

Có bức xúc có căng thẳng, thậm chí là stress nhưng tôi luôn cố gắng giữ sự bình tĩnh cao nhất, và thật sự chưa có những hành động gì khiến mình phải hối hận. Tôi có thể rất kiên nhẫn khi làm việc với diễn viên nhất là các bạn diễn viên mới và trẻ như Phạm Hồng Phước và Ngọc Thanh Tâm.

Đảo của dân ngụ cư sẽ đi các liên hoan phim quốc tế chứ thưa chị? Sở dĩ tôi hỏi vậy là bởi ngay từ đầu bộ phim được nhận định là art-house và như chị biết art-house sẽ chỉ phù hợp với các LHP đúng không thưa chị?

– Vâng, cách tiếp cận mà tôi lựa chọn cho Đảo của dân ngụ cư là cách tiếp cận gần với phong cách của dòng phim art-house, dù trước đó đã có một số đề nghị làm phim theo phong cách thương mại hơn. Tôi cũng rất muốn mang Đảo của dân ngụ cư đi dự một số Liên hoan phim quốc tế trước khi chính thức phát hành và giới thiệu với khán giả trong nước. Nói dòng phim art-house chỉ phù hợp với các liên hoan phim là không chính xác, nó có khán giả của nó, chỉ có điều khán giả của nó có thể là không đông đảo mà thôi.

Cũng bởi chữ art-house đó mà việc phát hành phim có gặp khó khăn nào không thưa chị?

Chúng tôi đang tập trung cho quá trình hậu kỳ của bộ phim. Sau quá trình hậu kỳ sẽ tới lúc giới thiệu với những nhà phát hành, khi đó chắc các nhà phát hành sẽ có cái nhìn chính xác hơn về những thách thức (nếu có) của việc phát hành phim.

Đường đua thắng về truyền thông nhưng thua về phòng vé, chị có kinh nghiệm nào để né được với Đảo của dân ngụ cư để tránh không đi vào đường của Đường đua?

Hai bộ phim có hai phong cách và mục tiêu khác nhau, nên khó có thể đem kinh nghiệm của bộ phim này áp dụng cho bộ phim khác.

Xin chân thành cảm ơn chị về buổi trò chuyện!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN