Công việc chế tác ở xưởng đòi hỏi sự tỉ mẩn đến từng đường nét. Thời gian đầu tôi không yên tâm, luôn thấy phải theo dõi, giám sát từng công đoạn một. Nhưng đến lúc không còn đủ sức nữa, đành phải “buông”. Thế mà công việc không những chẳng tệ đi mà tổng quan chung lại còn ổn hơn nhiều.
Giám đốc dự án Nguyễn Thanh Thủy
Tốt nghiệp Đại học kiến trúc TP.HCM và du học tại Đại học Nghệ thuật Berlin, lý do chị chọn khởi nghiệp bằng quán cà phê khá nổi tiếng trong giới trẻ?
Đa phần những người làm về nghệ thuật nội thất như tôi ai cũng ước có một quán cà phê riêng, nơi mình có thể tạo ra một không gian ứng dụng mang đậm phong cách cá nhân. Lumineux là công trình chung của cả hai vợ chồng. Ngoài dấu ấn về bố cục, không gian, hình ảnh và đồ vật trang trí, thì các thức uống phục vụ trong quán cũng được chế biến theo những công thức rất “ngẫu hứng”. Không ít trong số đó có những phong vị chúng tôi mang theo về từ những ngày đi làm thêm trong các nhà hàng tại Đức.
Vậy tại sao chị lại chuyển sang công việc Giám đốc sáng tạo (Art director) cho một tờ báo giải trí?
Điều hành quán được một năm thì tôi nhận lời về phụ trách phần mỹ thuật cho một tờ báo mới dưới sự hướng dẫn của chuyên viên nước ngoài. Đây là cơ hội hiếm có để mình có thể học cách quản lý mới và một phần cũng vì lúc này việc kinh doanh ở quán nhìn chung đã “đâu vào đó”.
Làm giám đốc sáng tạo, chuyên về thiết kế trang báo là một cơ hội và trải nghiệm rất thú vị.Nhưng đến khi đã thiết lập xong nền tảng ổn định, tôi lại cảm thấy muốn “tung tăng” với những dự án kinh doanh. Vậy nên, về điều hành cho công ty thiết kế nội thất cùng chồng lại trở thành lựa chọn được ưu tiên
.Hai vợ chồng cùng kinh doanh, với cá tính sáng tạo và phóng khoáng, nhất là cái tôi nghệ sĩ, có khi nào anh chị gặp xung đột không?
Có chứ, thời gian đầu gặp thường xuyên. Chồng tôi là một người thuộc tuýp cầu toàn nên luôn đòi hỏi mọi thứ phải làm đúng y như chuẩn của mình. Tuy phân chia hai mảng, anh ấy lên ý tưởng và thiết kế, tôi lo điều hành nhân công cụ thể, nhưng mà hồi đầu cứ bị chồng chê hoài, kiểu như “tại sao lại làm thế này thế kia”, hay “sao nhân viên A, B nào đấy làm không hiệu quả thế…”. Về sau thì cũng đi đến được quyết định phân chia rõ hơn “anh cứ để em điều hành theo cách của em coi sao đã”, rồi kết quả thấy cũng… ổn. Vậy nên tin tưởng nhau hơn, giờ thì ai có phần việc người nấy, rõ ràng đâu ra đó rồi (cười).
Chị có tự nhận là xuất thân từ dân chuyên môn nghệ thuật, nên khi chuyển ngang qua quản lý kinh doanh đang phải học lại nhiều điều. Vậy từ Lumineux cho đến Mienform và show room nội thất Retrolivin’ hiện nay, điều quan trọng nhất mà chị đã thu lượm được?
Lúc ở Lumineux, mình có hơn chục nhân viên phục vụ, chủ yếu là nhân viên bán thời gian. Những em làm giỏi đều là sinh viên đi làm thêm, nên cứ đến mùa thi lại phải tập trung
học. Còn những người ổn định thời gian hơn thì lại làm không tháo vát lanh lợi.Cứ người ra kẻ vô, đào tạo đi đào tạo lại, công việc mệt phờ cả người. Hơn thế nữa, bán quán thì có hàng ra hàng vào, lưu kho, chấm công giờ làm… lúc nào cũng bận rộn như con mọn ở quán.
Thực ra, lúc đầu chúng tôi cũng bỏ tiền mua phần mềm quản lý, nhưng tại không đầu tư đủ thời gian tìm hiểu nên chỉ dùng nó để… in hóa đơn. Sau này thấy công việc quá tải và lộn xộn quá, phải dành hẳn mấy ngày ra để ngồi đọc hết hướng dẫn sử dụng các tính năng. Nhờ đó mọi thứ chạy êm hơn nhiều.
Khi chuyển sang quản lý Mienform và thương hiệu nội thất Retrolivin’, tính cả xưởng và văn phòng có hơn 20 nhân viên. Do sản xuất hoàn toàn theo kiểu dáng thiết kế riêng, nên thợ tuyển vào bắt buộc phải đào tạo thêm khá lâu. Rút kinh nghiệm từ Lumineux, tôi tuyển rất chặt ngay từ đầu và có nhiều chính sách để giữ họ lại lâu dài. Sát sao như vậy, nên vài lần nhận ra ngay dấu hiệu người ta vô để ngó nghiêng học nghề hơn là để gắn bó, cho nên đã kịp thay đổi nhân sự.
Khó khăn lớn nhất mà chị đã trải nghiệm cho tới nay?
Có lẽ là giai đoạn đầu mới khởi sự ở Mienform. Công việc chế tác ở xưởng đòi hỏi sự tỉ mẩn nên cần phải theo dõi, giám sát. Sau này dự án ngày mỗi nhiều, không đủ sức để ngày nào cũng xuống xưởng kiểm tra nữa nên đành phải chấp nhận “buông”.
Vậy nhưng chẳng những sản phẩm không bị giảm chất lượng đi, mà toàn bộ guồng công việc nhìn chung lại ổn hơn nhiều. Người phụ trách xưởng sau thời điểm đó lại càng có trách nhiệm với công việc. Mình lại có nhiều thời gian hơn để tư duy, đầu tư cho nhiều chuyện khác. Từ kinh nghiệm đó tôi tự tin giao hầu hết việc cho nhân viên.
Đã giao được những việc cụ thể hàng ngày, vậy phần việc mà chị hứng thú nhất và “ôm” nhiều nhất hiện là gì?
Tôi rất thích giám sát công trình, tức là đến quan sát và kiểm tra chất luợng cũng như tiến độ thi công tại công trình và điều hành các hạng mục sao cho vừa khớp. Quan sát ý tưởng của mình hiện ra rõ nét hơn từng chút một qua mỗi ngày là niềm vui mà tôi chưa muốn bỏ.
Cám ơn chị. Chúc chị luôn thấy vui trong công việc!
Phụ Nữ Ngày Nay