Con gái tôi là một tên siêu quậy thực thụ. Bé cực kì hiếu động và tinh quái, bướng bỉnh. Từ lúc 1 tuổi đã có đủ triệu chứng của Terrible 2. Nhưng từ lúc bé được 1,5 tuổi, tôi bắt đầu áp dụng các biện pháp “nửa vời”. Con vẫn nghịch ngợm thả ga, nhưng không còn bất cứ một “cuộc chiến” nào giữa hai mẹ con…
Phạt đứng vào góc “một nửa”
Lý thuyết bảo rằng nếu con hư, bạn cảnh báo nhưng trẻ vẫn hư, thì hãy cho bé phạt đứng vào góc phòng. Tôi thất bại hoàn toàn. Cô nàng 18 tháng là một diễn viên thật sự, vì chưa đầy ba mươi giây sau khi bị phạt, bé sẽ gào khóc và ói ra bằng hết những gì trong bụng để buộc mẹ phải ngưng hình phạt và chăm sóc.
Sau gần chục lần thất bại như thế, tôi vô tình phát hiện ra chiêu mới. Đưa bé vào phòng lúc bé bắt đầu cơn giận dữ, rồi trước khi cho bé vào góc phòng, tôi cho bé xin lỗi. Bé con sẽ chụp ngay lấy cơ hội này, nói xin lỗi mẹ, ôm mẹ và đồng ý mọi điều kiện mẹ đưa ra (nín khóc, không khăng khăng đòi thứ mà trước đó bé không được phép) để được thoát khỏi “ngục tù” mà nó sắp đối mặt. Chỉ cần khoảng một phút, tôi xử lý được cơn giận của bé, dắt tay con ra khỏi phòng, con lại vui vẻ chơi đùa.
Bỏ đi “một nửa”
Mỗi đứa bé là một thế giới. Nhưng các thế giới đó nhiều khi rất giống nhau ở trò “ăn vạ”. Không vừa ý là chúng cứ ngồi ì ra, bám chặt lấy cái chúng muốn, thậm chí ở nơi công cộng thì còn nằm lăn ra đất.
Trong các tình huống đó, sách dạy ta cứ giả vờ bỏ đi, trẻ sẽ phải chạy theo. Con tôi lì hơn cả mẹ, sau vài lần mẹ vờ bỏ đi, nó bắt bài được là mẹ chỉ giả vờ. Cô nàng cứ lì ra ăn vạ, hoặc mải mê với món đồ chơi, kệ mẹ bỏ đi đến khuất hẳn cả 7 phút. Thế là mẹ đành chịu thua, kiểu gì cũng không dám đi quá xa.
Sau vài lần thua cuộc kiểu đó, tôi phát hiện bé rất vui khi mẹ quay lại và tươi cười giơ vòng tay ra đón bé, chứ không phải vì “thắng” được mẹ mà nàng tiếp tục ăn vạ. Bởi vậy, bao giờ không thuyết phục được con, tôi lại giả vờ “mặc kệ con, mẹ đi đây”, nhưng đi ra hơi xa xa một tí rồi sẽ quay mặt lại, giang tay cười và chờ cô nàng chạy ào đến vòng tay mẹ. Ba tháng đã qua từ lúc tôi phát hiện ra chiến thuật này, lần nào cũng thành công với cô nàng lì lợm ấy.
Hứa hẹn “một nửa”
Chiêu mới nhất mà tôi vừa thực hành được là “Con có ngoan không?”. Em bé nào cũng thích mình ngoan, giỏi… Từ bé xíu tôi đã luôn khích lệ con với những từ ngữ tích cực này, nên con biết đó là những lời khen, vì vậy con rất thích mình “ngoan, giỏi”. Mỗi khi bé vòi vĩnh gì, tôi ôm bé vào lòng, vỗ về “Con có ngoan không?”. Dù đang gào khóc tấm tức cỡ nào, bé cũng sẽ ngưng lại để trả lời “có”.
Thế là mẹ sẽ nói “Bé ngoan thì đâu có khóc nhè nè. Con nín đi, ngoan rồi chiều về mẹ sẽ…”. Và tôi sẽ thỏa hiệp, hứa với bé một điều gì đó gần với thứ mà con đang đòi (mà tôi chắc chắn sẽ thực hiện được, ví dụ “Bây giờ mình phải đi taxi đến trường, cuối tuần mẹ sẽ chở con đi bằng xe đạp nhen”…). Tôi phát hiện bé chỉ cần được mẹ ôm ấp để dịu xuống, chỉ cần được mẹ lắng nghe điều bé muốn và đồng ý thực hiện, dù là ở một lúc khác chứ không phải ngay lúc đó, bé sẽ trở lại vui vẻ ngay lập tức.
Mỗi đứa trẻ một khác, nhưng hy vọng là những kinh nghiệm với bé con của tôi sẽ giúp các bà mẹ bắt đầu hành trình dạy dỗ các cô cậu bé đầu lòng mạnh dạn hơn trong việc “sáng chế” ra các chiêu thức linh hoạt của mình, chứ không nhất nhất phải tuân theo sách vở và các quy tắc giáo dục phổ biến xưa nay.
HỒNG NGUYỄN