Người Việt “cưng” hàng Thái – tại sao thế?

Việc BJP (Berli Jucker Plc – công ty thuộc một tập đoàn của Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị Metro Việt Nam không hề khiến người tiêu dùng Việt ngỡ ngàng. Ngay cả khi công ty này tuyên bố có kế hoạch chi thêm 1 tỉ Baht (31,2 triệu USD) đến năm 2018 để mở rộng mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam thì nhiều người còn tỏ ra… phấn khởi.

Nguyên nhân, trớ trêu thay, là vì hàng Thái Lan đang ngày càng nhận được sự tin dùng của người Việt Nam.

Hợp thị hiếu

Hàng Thái Lan có mặt và được biết đến rộng rãi trên thị trường Việt Nam bắt đầu từ một bước đi rất nhỏ: Những mặt hàng thông dụng được “xách tay”, chuyển về bán, rồi dần dà, những cửa hàng chuyên bán đồ Thái mọc lên ở các con phố trung tâm. Chuyên nghiệp hơn là mở các cửa hàng nhỏ, tiện ích, đến các siêu thị mini chuyên bán hàng Thái. Có cửa hàng bán kiểu tạp pí lù cái gì cũng có cho đến những cửa hàng chuyên biệt từng loại mặt hàng. Từ bánh kẹo, thực phẩm (gạo, muối, đường, hoa quả, thực phẩm chế biến…) mỹ phẩm – hóa mỹ phẩm (đồ dưỡng da, dưỡng thể, đồ make-up cho đến dầu gội, sữa tắm, xà phòng, nước rửa chén…), quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng (nồi cơm, quạt điện…), đồ dùng gia đình (chén, cốc, dao, dụng cụ đa năng)…

Và bước đi cuối cùng là các đại gia bán lẻ Thái Lan hăm hở vào cuộc, manh nha âm mưu chiếm lĩnh thị trường Việt.

“Họ bán được vì hàng của họ tốt, so với hàng Việt Nam hay Trung Quốc mà giá cả lại rất hợp lý, so với hàng Hàn, Nhật hay châu Âu, hàng Mỹ”, chị Tuyết Minh, một người tiêu dùng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết. Gia đình nhà chồng chị Minh vốn là Việt kiều Thái Lan nên chị cũng có “thâm niên” dùng hàng Thái hơn 10 năm nay. Ban đầu, nhà chị cũng chủ yếu dùng hàng xách tay do người nhà gửi sang hoặc khi du lịch thăm người thân thì mang về. “Thật ra, khẳng định hàng Thái Lan tốt hơn hàng Việt Nam thì cũng có vẻ chủ quan”, chị Minh nói. “Hàng Việt Nam cũng rất nhiều loại tốt nhưng khi mình tìm hiểu kỹ về các tiêu chuẩn chất lượng cũng như các hệ thống giám sát chất lượng của họ, so với các sản phẩm tương đương của nhà mình, thì rõ ràng là cũng có khác nhau. Vậy nên, với những mặt hàng mà mình kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn chất lượng của họ thì mình rất tin dùng. Còn một số sản phẩm thì mình cũng hạn chế, ví dụ như gạo Thái hay hoa quả được quảng cáo của Thái Lan mà mình không nắm rõ nguồn gốc”, chị Minh cho biết thêm.

Theo chị Thu Giang, một chủ cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan ở phố Hoàng Văn Thái, Hà Nội thì “đa số khách hàng đến mua hàng gia dụng, mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm là chủ yếu. Họ nhận xét rằng những mặt hàng gia dụng của Thái Lan có chất lượng tốt, giá cũng hợp lý. Mỹ phẩm – hóa mỹ phẩm thì có mùi dễ chịu, ít bay mùi, dễ sử dụng. Còn các mặt hàng khác như bánh kẹo, đồ uống hay thời trang thì bán chậm hơn”.

SM_large

Tiếp cận bài bản

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thì việc hàng Thái Lan bất ngờ lên ngôi tại thị trường Việt Nam, thậm chí lấn át cả hàng Trung Quốc hay Hàn Quốc hoàn toàn không… bất ngờ. “Họ có những bước đi rất bài bản để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam”, ông Phú cho biết.

Sau khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam qua con đường “hàng xách tay” của Việt kiều và khách du lịch, hàng loạt các hội chợ hàng Thái Lan đã diễn ra rất thành công. Và Chính phủ Thái Lan thường xuyên hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam nhằm giúp họ quảng bá sản phẩm. Thái Lan có diện tích rộng gấp rưỡi Việt Nam nhưng dân số họ chỉ bằng 2/3 so với dân số Việt Nam (65 triệu dân Thái Lan so với hơn 90 triệu dân Việt Nam). Chính bởi vậy, Việt Nam đang là thị trường tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, nhất là sự ưa chuộng hàng Thái với người Việt khá lớn nên đây chính là cơ hội hiếm có, là “miếng bánh ngon” cực kỳ hấp dẫn với các đại gia Thái Lan đang muốn thống lĩnh thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng Việt nên hàng tiêu dùng Thái Lan ngày càng đổ bộ vào thị trường Việt nhiều hơn. Điều này đã khiến các đại gia Thái tính toán đến cuộc chơi mới, lớn hơn và dài rộng hơn đang rất tiềm năng trên thị trường Việt, đó là thâu tóm các chuỗi bán lẻ trong nước nhằm đưa hàng Thái sang Việt Nam ngày một nhiều hơn, nhất là sang năm 2015 khi hàng rào thuế quan giữa hai nước hoàn toàn được gỡ bỏ.

Chính vì thế, từ vài năm trước, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Thái đã có kế hoạch nhằm thôn tính thị trường bán lẻ Việt Nam thể hiện qua những thương vụ M&A. Điển hình nhất phải kể đến đó là sự kiện Tập đoàn BJC đã mua lại chuỗi siêu thị phân phối Metro Việt Nam mới đây.

Nói như ông Vũ Vinh Phú thì: “Rõ ràng, sự xâm nhập của các doanh nghiệp bán lẻ đến từ Thái Lan là có chiến lược và rất bài bản, từ việc mở kinh doanh chuỗi cung ứng thực phẩm, rồi thâu tóm hàng chục cửa hàng tiện ích đến việc thành lập và mua đứt một loạt hệ thống siêu lớn ở Việt Nam”.

images648027_Tr3.hoi_cho

Người tiêu dùng cần lưu ý gì?

Một điểm “hiểm ác” của hàng Thái, khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam, là thông tin sản phẩm đều được ghi bằng tiếng Thái Lan, nhất là hàng xách tay hay nhập tiểu ngạch. Một số sản phẩm có tiếng Anh nhưng không thể hiện hết các vấn đề cần lưu tâm. Một số sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch có thể được dán tem phụ tiếng Việt nhưng vì người tiêu dùng Việt đa phần không biết tiếng Thái nên cũng không có khả năng đối chiếu để tìm hiểu kỹ. Bởi vậy, có thể nói, sự “sung” hàng Thái của người Việt hoàn toàn dựa trên vấn đề cảm tính.

Một ví dụ cụ thể là mặt hàng gạo Thái. Mặc dù xu hướng tiêu dùng gạo Thái đang tăng nhưng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam không nhập (chính ngạch) gạo Thái Lan trong nhiều năm qua. Hầu hết gạo Thái có trên thị trường là được nhập tiểu ngạch và rất khó kiểm soát về chất lượng. Tháng 7-2013, tổ chức “Vì người tiêu dùng Thái Lan” đã phát hiện 74% số mẫu gạo xét nghiệm chứa methyl bromide – một loại chất hóa học bị phân hủy trong không khí, thường được dùng để diệt mối mọt và thuốc diệt nấm. (Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mà khá nhiều người tiêu dùng Việt phản ánh về gạo Thái là: Để được lâu mà không lo mối mọt, vo gạo thì hoàn toàn không có cám gạo).

Vấn đề không minh bạch thông tin này khá dễ dàng có thể gặp trên các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng như mỹ phẩm – hóa mỹ phẩm hay thực phẩm chế biến. Khá nhiều trường hợp bán hàng mỹ phẩm Thái trôi nổi trên mạng đã bị phát giác thay date. Mặc dù date trên nhãn là hạn sử dụng nhưng lại được quảng cáo là ngày sản xuất, mà người tiêu dùng thì khó phân biệt được. Bản thân chị Tuyết Minh, một người đã rất có kinh nghiệm trong việc mua và dùng hàng Thái cũng phải chia sẻ rằng: “Với một món hàng Thái mới, mình thường chụp lại thông tin trên nhãn, mang về cho người nhà check chắc chắn rồi mới trở lại mua cho yên tâm, kẻo tiền mất tật mang”.

hang Thai

Muốn mua hàng Thái hãy đợi… đại gia

Ngoài thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam với 19 trung tâm trên toàn quốc, BJC cũng đã mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s mart với hơn 40 cửa hàng đang hoạt động ở TP.HCM từ tay người Nhật Bản. Ngoài ra, vào đầu năm 2013, BJC đã chi 32 triệu USD để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.

Một nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan khác là Tập đoàn Central Group cũng đã kịp “nhảy” vào thị trường bán lẻ Việt với mục tiêu sẽ trở thành nhà bán lẻ được ưa chuộng nhất với người tiêu dùng Việt Nam. Central đã khai trương một trung tâm thương mại tại Hà Nội và vào tháng 11 này, Central tiếp tục khai trương thêm trung tâm tại TP.HCM.

 Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN