Gặp sếp khó tính, “lính” phải làm sao?

Trong môi trường công sở, sẽ có lúc bạn “đụng” phải một vị sếp “hắc ám”, “khắc” bạn như nước với lửa. Làm cách nào để bạn có thể chinh phục vị sếp khó tính kia mà vẫn giữ được tính cách riêng của mình?

“Đọc vị” cấp trên

“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Điều bạn cần làm chính là “đọc vị” xem sếp mình là người như thế nào, lý do tại sao vị ấy lại khắt khe với mình thế kia rồi mới tìm cách giải quyết. Có như vậy bạn mới mong sớm tìm lại niềm vui nơi công sở và mỗi ngày không còn u ám vì cứ phải cảm thấy áp lực khi đối mặt với vị sếp khó tính.

Nếu sếp là người áp đặt?

Nhận dạng: Sếp luôn là người đề ra ý kiến và nhân viên buộc phải làm theo.

Giải quyết: Bạn cần là người lắng nghe. Hãy tập trung chú ý khi sếp nói và đặc biệt chú ý đến ngữ giọng xem đâu là trọng tâm cần chú ý. Dù bạn có không hài lòng ngay khi đó cũng đừng tỏ bất kỳ thái độ tiêu cực hoặc cắt ngang lời sếp. Hãy đợi khi thích hợp và trình bày ý kiến của bạn. Còn không, hãy thực hiện như lời sếp. Nếu kết quả không tốt đúng như bạn dự đoán, lúc này bạn đã có đầy đủ lý lẽ để thuyết phục sếp theo hướng của bạn hơn. Hãy cố gắng ôn hòa để tìm tiếng nói chung cho sự hòa hợp công việc.

20140211074409-sep-cong-so

Nếu sếp thích kiểm soát?

Nhận dạng: Luôn hỏi bạn đang ở đâu, làm gì ngay cả khi sếp biết bạn vừa ra khỏi văn phòng để đi việc công. Thường hỏi dò tiến độ công việc của bạn một cách thường xuyên.

Giải quyết: Những vị sếp này thường có suy nghĩ rằng nếu không có họ đốc thúc, nhân viên sẽ không tự giác làm việc, dẫn đến công việc bị đình trệ hoặc có kết quả xấu. Tốt nhất là bạn phải chứng minh rằng mình có năng lực và trách nhiệm dựa trên hiệu quả công việc. Hãy đặt nhiệm vụ công việc lên hàng đầu và giải quyết chúng bằng 100% sự nỗ lực của bạn. Khả năng bạn đến đâu, nhận việc đến đấy. Đừng ôm đồm và đuối ở phút cuối dẫn đến hỏng việc. Điều này chỉ làm bạn thêm điểm trừ trong mắt sếp. Bạn cũng có thể nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp khác để hỗ trợ nhau hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất.

Nếu sếp bỗng dưng khó tính?

Bỗng đâu một ngày, sếp khó chịu với bạn khác hoàn toàn với thái độ trước đó, chắc chắn bạn đã làm gì khiến sếp nhìn bạn khác đi. Chỉ còn một cách là bạn hãy tìm cơ hội để hỏi chuyện trực tiếp hoặc gửi cho sếp một “tâm thư” chân tình và quan tâm kèm theo những câu hỏi dò như “Gần đây hình như sếp có vẻ căng thẳng, đã có chuyện gì xảy ra?” hoặc “Dường như sếp đang cần giải quyết việc gì đó, em có thể giúp được gì không?…” giúp sếp mở lời với bạn dễ dàng hơn. Nếu thực sự bạn đang phạm phải một sai lầm gì đấy khiến sếp không hài lòng, hãy lắng nghe và thành thật nhận lỗi. Thái độ này của bạn sẽ làm xoa dịu sếp nhanh chóng. Bạn cũng có thể đưa đến cho sếp một vài tin tức tốt lành về tình hình của công ty, những khởi sắc của dự án mới bạn vừa nắm được… cũng là cách để chuyển hướng tâm trạng của sếp.

150403-boss-stock

Nhìn lại bản thân

Tất nhiên sẽ không có chuyện bỗng dưng sếp nhìn bạn là cảm thấy không hài lòng. Nếu mối quan hệ giữa bạn với sếp vẫn như nước với lửa, hãy tự đi tìm hiểu nguyên do bắt đầu từ bản thân bạn.

Năng lực của bạn đã tốt?

Sếp nào cũng mong muốn lính cấp dưới của mình phải là lính chiến với năng lực phải thực sự phù hợp. Liệu bạn đã làm tốt công việc được giao? Thử rà soát lại xem cách biểu hiện của bạn với công việc như thế nào? Có trễ hạn deadline nhiều lần hay không? Có mang lại những kết quả giá trị cho nhóm bạn hay không?

Thái độ của bạn đã đúng?

Nếu năng lực quan trọng một, thì thái độ bạn đối với sếp và các đồng nghiệp xung quanh quan trọng gấp đôi. Luôn khiêm tốn học hỏi, luôn biết nghe đúng lúc và nói đúng nơi. Đừng tỏ ra thái độ thiếu tôn trọng hoặc tự cho mình là giỏi nhất. Khi sếp có ý hướng dẫn bạn, dù đó là những cái bạn đã biết qua đi chăng nữa bạn cũng nên lắng nghe và tiếp nhận nghiêm túc. Thái độ của bạn quyết định đến hơn 90% sự thành công của công việc, vì vậy hãy cố gắng để điều chỉnh nó.

office-space-parody

Bạn có đang đánh mất cá tính riêng?

Trước đó sếp quý bạn vì bạn là người có nhiều ưu điểm và có cá tính riêng. Tuy nhiên, bạn lại vụng về trong việc tiếp cận với sếp và làm mọi thứ trở nên không thật. Đó cũng là một trong những lý do mà các sếp không thích ở nhân viên mình. Hòa hợp là việc nên làm nhưng không vì thế mà đánh mất đi chính kiến của bản thân. Hãy cân nhắc sự hợp lý trong công việc, biết cách hòa hợp khéo léo, giao tiếp tốt với thái độ điềm đạm để luôn được sếp và đồng nghiệp yêu quý.

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN