Trong đời làm báo, tôi đã viết về rất nhiều nhân vật, đó là chủ đề thú vị. Mỗi nhân vật mang trong mình một câu chuyện không lặp lại, đáng để tôi rút tỉa ra những điều quý giá, những triết lý thâm sâu cần học hỏi. Nhưng có lẽ, nữ anh hùng lao động Ninh Thị Ty là nhân vật mà tôi muốn viết về chị nhiều nhất.
- Trần Thị Thu Trang: “Sáng tạo là yếu tố sống còn”
- Trần Thị Cẩm Tú: “Không có con đường nào khác ngoài tiến lên phía trước”
Người biết đổi màu cho vận mệnh
Báo chí từng viết nhiều về chiến công anh hùng của chị, là một nữ lãnh đạo doanh nghiệp dệt may luôn chiến thắng vào những lúc khó khăn nhất. Trong lúc thị trường Đông Âu sụp đổ, dệt may Việt Nam đứng trước một thị trường trắng khi trước nay chỉ biết tới Nga và Đông Âu trong khối các nước XHCN, thì chị đã tiên phong trong việc khai mở thị trường mới. Đầu thập niên 90 chị đi Mỹ, đi các nước Tây Âu tìm thị trường. Và mặc dù đó là thị trường may mặc khó tính bậc nhất, cạnh tranh khốc liệt nhất, thì chị Ty đã giành được những hợp đồng đầy khó khăn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng ngặt nghèo để dần dần xây dựng nên một thương hiệu May Hồ Gươm được bạn hàng thế giới công nhận, gắn bó, được các doanh nghiệp may trong nước nể phục, học tập. Và hơn hết, chị đã dựng lên một doanh nghiệp, nơi trở thành mái ấm an toàn và hạnh phúc cho hơn 5000 công nhân cùng gia đình của họ. Tin tưởng người phụ nữ chuyên gánh vác việc khó này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã giao lại cho chị doanh nghiệp may Chiến Thắng – một doanh nghiệp đang gặp khó khăn, với gánh nặng nợ nần chồng chất, thiết bị nhà xưởng xuống cấp và bộ máy lỏng lẻo, kém hiệu quả. Chị Ninh Thị Ty nhận nhiệm vụ khó với suy nghĩ đơn giản, phải vực dậy doanh nghiệp này sao cho xứng cái tên Chiến Thắng của nó. Và chị đã làm được.
Nói hai chữ “Làm được” thì dễ, nhưng để có kết quả đó, chị đã thực sự lao vào cuộc chiến đấu cam go. “Giặc” ở đây không chỉ là đối thủ cạnh tranh, là uy tín xuống dốc, là nợ nần chồng chất, mà còn là lòng người chưa thuận, những lối suy nghĩ cũ kỹ, sự bảo thủ, trây ỳ, tính cá nhân và cả sự thù hận khi thiếu thông tin và tầm hiểu biết. Và thời gian đã mỉm cười với chị, chị giành chiến thắng, được phong danh hiệu Anh hùng lao động. Chị đã trải qua biết bao gian lao mà tôi và những người ngoài cuộc sẽ không bao giờ biết hết hoặc tưởng tượng ra. Khi kể về mình, chị chỉ nói chút ít, và tôi nhớ chị vì câu nói “Tôi là người hay gặp vận đen”. Nhưng phải nói rằng, chị là người biết đổi màu cho vận mệnh. Chị từng khởi sự doanh nghiệp may mặc khi một thị trường mang tính bao cấp sụp đổ, phải tự loay hoay tìm đường đi mới, xây dựng thị phần trong thị trường mới. Chị cũng dũng cảm nhận về một doanh nghiệp thất bại để xây dựng thành một doanh nghiệp phát triển. Khi có tích lũy đủ số dư nguồn vốn từ doanh nghiệp dệt may, chị mạnh dạn đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, vận đen lần nữa lại thử thách bản lĩnh người phụ nữ này, khi doanh nghiệp bất động sản của chị bắt đầu tạo ra sản phẩm cung ứng cho thị trường, thì cũng là lúc thị trường đóng băng. Trong lúc hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản lao dốc, nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, thì Hồ Gươm Plaza của Anh hùng lao động Ninh Thị Ty lại bán được phần lớn số căn hộ. Trong số khách hàng mua, có cả cán bộ của doanh nghiệp may Hồ Gươm và Chiến Thắng. Chị lại một lần nữa chiến thắng trong cả lĩnh vực bất động sản, ngay trong lúc thị trường héo hon, và tiếp tục phát triển doanh nghiệp bất động sản này lên hơn nữa, bằng dự án tòa nhà mới đang trong quá trình chuẩn bị. Năm 2015, doanh nghiệp May Hồ Gươm cũng phát triển thêm dự án mới ở Thanh Hóa với lượng tuyển dụng ban đầu là 500 công nhân.
Trong lửa có nước
Có thể thấy ở người phụ nữ này sự nhẹ nhàng, cần mẫn chăm chỉ của phụ nữ Việt truyền thống, sự suy tính căn cơ và vun vén của người làm nghề kim chỉ, sự quyết đoán mạnh mẽ của người đàn bà thép, sự sục sôi mãnh liệt như lửa của người chiến sỹ trên tuyến đầu, và cả sự nhạy cảm mít ướt của cô gái nhỏ giàu tình thương. Khó có thể tưởng tượng nhiều cá tính đối lập nhau lại hội tụ trong một người phụ nữ như chị (tôi từng chứng kiến mắt chị rưng rưng khi kể về trường hợp một tài năng kinh tế gặp vận rủi đã ngã đau thế nào. Cũng người phụ nữ sắt đá ấy gần như tê liệt vì sốc khi nghe tin khó cứu vãn của người bạn). Con gái chị từng viết về mẹ: “Mẹ tôi là một người phụ nữ rất đặc biệt, ở bà hội tụ nhiều tính cách tưởng chừng như không thể tồn tại trong một con người. Và tim tôi đau nhói khi nghĩ tới những gì mẹ tôi đã hi sinh trong suốt cuộc đời bà, những gì tôi nhìn thấy và cảm nhận được có lẽ chỉ là một phần nhỏ những gì bà đã trải qua. Một trong những thời khắc tôi tự hào nhất về bản thân có lẽ là khi còn bé, được hỏi ai là người tôi thần tượng nhất, tôi đã trả lời là mẹ tôi. Tài sản lớn nhất bà để lại cho tôi ngoài thân thể và trí óc, thì đó là tình thương, tình thương cho mình và tình thương cho người.”
Còn tôi, thì cho rằng, chính sự đa dạng về tính cách, mà tính cách nào cũng ở thế vượt ngưỡng đã làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ từ con người chị. Một người đàn bà cuồng nhiệt như lửa nhưng cũng ào ạt và mềm mại như nước. Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thành công trong việc làm mẹ của chị. Ngay từ sớm, chị đã tránh được sai lầm của hầu hết các bà mẹ Việt Nam là bao bọc con quá mức, tạo cho con thói quen ỉ lại và thiếu tự tin khi ra ngoài xã hội, không biết cách tự khẳng định và phát huy năng lực bản thân. Chị đã tạo không gian tự do cho các con tự lập, tự phát triển năng lực vượt khó bằng nguyên tắc “có làm có hưởng”. Và chị đã gặt mùa quả ngọt khi các con học giỏi, có năng lực cao, có chỗ đứng vững chắc trong xã hội và không cần dựa vào bố mẹ. Điều khiến chị hạnh phúc nhất là các con đều hiểu, kính trọng và yêu thương mẹ, hiểu và biết ơn sự nghiêm khắc trong cách nuôi dạy đặc biệt của mẹ, đã khiến con sớm biết trách nhiệm làm người của mình, sớm vươn lên khẳng định mình và biết hạnh phúc với những gì do chính năng lực của mình làm ra.
Đó là cách yêu con đúng đắn của người phụ nữ anh hùng, dám khác biệt và không nhân nhượng. Thật đáng khâm phục khi thời điểm này chị vẫn mải miết làm việc, không ngơi nghỉ. Làm việc không mưu cầu kiếm nhiều tiền hơn nữa, cũng không vì muốn có danh tiếng nhiều hơn, mà làm việc là cách học hỏi tốt nhất. Chính niềm say mê học hỏi chưa bao giờ vơi cạn đã thôi thúc người phụ nữ kỳ lạ này luôn tiến bước bất kể tuổi tác, thời gian.
Kiều Bích Hậu (Phụ Nữ Ngày Nay)