Đầu tháng Mười một, nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn trở lại với bộ sưu tập (BST) mang tên “Cô Ba Sài Gòn” rực rỡ sắc màu, bừng sáng sàn diễn runway Tuần Lễ Thời Trang Quốc Tế Việt Nam mùa Thu Đông tại Hà Nội. Các thiết kế mang hoạ tiết gạch bông quen thuộc, được truyền cảm hứng từ chính thành phố Sài Gòn và ngôi nhà thân thương một thời, cùng những form dáng trẻ trung, linh hoạt trong sử dụng chính là tia nắng ấm phương Nam mà Thuỷ muốn gửi đến Hà Nội trong những ngày gió mùa rục rịch về. “Cô Ba Sài Gòn” được tái hiện trong bối cảnh của những năm 60, với tinh thần tươi mới, đậm chất Sài Gòn tinh tế và sành điệu. Khán giả sẽ sớm được tái ngộ những thiết kế tương tự trên màn ảnh lớn trong bộ phim cùng tên mà Thuỷ tham gia sản xuất trang phục.
Không quá chìm đắm trong niềm tiếc nuối quay quắt về một thời đã xa, Thuỷ chọn cách tôn vinh nét đẹp cổ điển và năng động, ấm áp mà Hòn Ngọc Viễn Đông từng sở hữu. Hoa văn gạch bông đặc trưng trong kiến trúc Đông Dương của một thời vang bóng được khắc hoạ trên nền trang phục, đi kèm là những nét biến tấu sáng tạo giúp làm mới các hình ảnh tưởng chừng như đã rất quen thuộc với mỗi chúng ta. Có thể ví von BST này như một bản tình ca Bolero dù chất chứa nhiều hoài niệm nhưng lại rất trìu mến, tươi sáng.
Thuỷ bộc bạch, “Dù là một người con Hà Nội, tôi đã luôn dành cho Sài Gòn một tình cảm đặc biệt, nhất là lòng si mê cái sành điệu và lối suy nghĩ cởi mở, sẵn sàng đón chào xu hướng mới trong thời trang, kiến trúc và nghệ thuật mà thành phố này luôn ấp ủ.”
“Không chỉ là một Sài Gòn trong ký ức, các hoa văn được sử dụng cho BST lần này còn đến từ ngôi nhà nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Vì mỗi ngày đều nhìn thấy chúng, trên nền gạch, trên tường, và trên bàn, ghế trong nhà, các hoa văn này đã trở thành một phần tuổi thơ tôi. Do đó, khi nhìn thấy chúng dần biến mất khỏi cuộc sống thường trực, tôi mong muốn được gìn giữ những hình ảnh này qua ngôn ngữ của Thời trang.”
BST “Cô Ba Sài Gòn” được thực hiện với kỹ thuật in chất lượng cao trên nền gấm, bố gấm, giúp các hoa văn đạt được độ chính xác cao, truyền tải chi tiết ý tưởng của NTK. Phi lụa, phi dẻo, organza và các chi tiết đính kết bằng tay còn giúp tạo hiệu ứng nổi 3 chiều cho trang phục, kèm theo đó là sự gặp gỡ của các mảng màu tương phản, những đường ghép dứt khoác theo phong cách pop-art, xu hướng đặc trưng vào những năm 60. Phụ kiện đi kèm trong BST như kính mắt mèo, băng đô, nón gấm và giày mũi nhọn đế thấp được thiết kế riêng với hoạ tiết gạch cũng là những điểm sáng không thể bỏ qua.
Đêm diễn với sự xuất hiện của diễn viên Ngô Thanh Vân với vai trò là là người mẫu mở màn mang tinh thần Cô Ba Sài Gòn, tôn vinh vẻ đẹp bất hủ của áo dài, trên nền nhạc Biển Tình, Một Thoáng Quê Hương gợi xúc cảm mạnh mẽ.
Trong cái se lạnh đầu đông của Hà Nội, nhà mốt Thuy Design House đã ra mắt giới mộ điệu bộ sưu tập mới nhất mang tên “Cô Ba Sài Gòn”. Vẫn giữ cho mình tình yêu bất tận với các giá trị văn hoá, nét đẹp từ chính Việt Nam, NTK Thuỷ Nguyễn đã tái hiện Hòn Ngọc Viễn Đông trong bối cảnh thập niên 60 tinh tế, dịu dàng và sành điệu, khiến người xem không khỏi bồi hồi về một thời hoa lệ của thành phố phương Nam. Sau đây là 5 điểm sáng đáng chú ý của BST.
Hoạ tiết gạch bôn
Nhắc đến Sài Gòn xưa cũ, ta không thể không nhắc đến hoạ tiết gạch bông một thời được sử dụng trong rất nhiều gia đình. Đây cũng là hoạ tiết gắn liền với hình ảnh của Sài Gòn và với chính tuổi thơ của NTK Thuỷ Nguyễn khi căn nhà nơi cô lớn lên cũng đầy ắp hình ảnh của hoa văn này. Với sự bay bổng và các nét biến tấu riêng, hoạ tiết gạch bông của “Cô Ba Sài Gòn” được tái dựng qua kỹ thuật in chất lượng cao trên nền vải gấm, bố gấm, trong nhiều hình dạng khác nhau và nhiều màu sắc khác nhau, mang đến một tinh thần tươi mới và năng động cho các thiết kế.
Chi tiết đính kết ba chiều tạo hiệu ứng thị giác
Nếu chỉ dừng lại ở kỹ thuật in vải, có lẽ “Cô Ba Sài Gòn” đã không khiến các tín đồ thời trang xao xuyến đến vậy. Chính các chi tiết đính kết tỉ mỉ hoàn toàn bằng tay, với nhiều chất liệu khác nhau, từ cườm, kim sa, đến sử dụng gấm, lụa, lụa dẻo… để tạo ra các hoạ tiết nổi trên nền vải đã giúp khẳng định giá trị của sự sáng tạo và nhiều giờ lao động, tâm huyết được đặt vào mỗi thiết kế.
Kỹ thuật rã vải công phu
Thoạt nhìn, việc kết hợp các hoa văn khác nhau trên cùng một trang phục có vẻ rất đơn giản. Nhưng nếu quan sát cẩn thận hơn, người xem sẽ nhận ra mỗi thiết kế trong BST đều được ứng dụng kỹ thuật rã vải. Với các mẫu hoa văn khác nhau, NTK Thuỷ Nguyễn chọn cách cắt và ghép chúng để tạo thành một trang phục hoàn chỉnh, thay vì chỉ “phó thác” cho việc in ấn. Như vậy, thời gian sản xuất một mẫu thiết kế sẽ tăng lên, đòi hỏi việc cắt – ghép phải chính xác hơn, nhưng đồng thời cũng giúp tăng giá trị sản phẩm và đảm bảo tính độc đáo, nguyên bản.
Màu sắc pop art đặc trưng của thập niên 60
Vốn là một cái tên gắn liền với màu sắc, việc Thuy Design House tạo ra BST “Cô Ba Sài Gòn” rực rỡ không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, để tái hiện lại đúng tinh thần xưa cũ của thành phố này, Thuỷ đã chọn ứng dụng các màu sắc pop art, đặt các mảng màu sắc tương phản, nổi bật cạnh nhau, với ba màu chủ đạo là vàng, đỏ và xanh dương. Pop-art còn là xu hướng đặc trưng của những năm 50 – 60, được ứng trong nghệ thuật, thời trang, đến thiết kế nội thất hay quảng cáo.
Phụ kiện đi kèm được thiết kế riêng
Một trong những điểm quan trọng giúp hoàn thiện BST “Cô Ba Sài Gòn” chính là các loại phụ kiện đi kèm. Không chỉ đơn thuần là đội một chiếc nón, cài một cánh nơ hay mang một cặp kính mát, mỗi phụ kiện dùng cho BST lần này đều được sản xuất và chọn lựa tỉ mỉ để vừa phù hợp với tinh thần của show diễn, vừa đảm bảo được tính nhất quán về mặt thiết kế, như nón mang hoạ tiết gạch, băng đô cài tóc bản lớn, kính mắt mèo hay sandal và giày mũi nhọn đế thấp. Nhờ vậy, các tín đồ thời trang có thể nhấn nhá trang phục của mình bằng những phụ kiện đậm chất Sài Gòn năm xưa.
132 – 134 Đồng Khởi, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM
29A Lê Thánh Tôn P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM
09 đường Tràng Tiền, Phố Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
http://thuydesignhouse.com