Không chỉ có các anh – những người lính biển mới đối diện với hiểm nguy, gian khổ mà ở quê nhà, những người vợ, người mẹ một mình chèo chống chăm lo cho gia đình cũng phải vượt qua nhiều sóng gió để trở thành “hậu phương” vững chắc…
1. Trong cuối hẻm sâu hun hút ở góc đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp là tổ ấm của chị Đoàn Thị Minh Huyền, vợ thượng úy Vũ Thanh Sang (đang công tác tại tiểu đoàn ĐK1 Vùng 2 Hải quân). Trong căn phòng trọ nhỏ, chị Huyền mở đầu câu chuyện bằng một giọng trong trẻo của cô giáo dạy Văn tự hào kể về mối tình đẹp như sóng biển của cô thiếu nữ xứ Nam Định với chàng trai quê lúa Đồng Tháp.
“Em và chồng quen nhau trong đợt em đi tình nguyện mùa hè xanh tại An Giang. Thời điểm đó đúng dịp anh được nghỉ phép về thăm nhà. Em nghĩ đúng là duyên số, chỉ tình cờ gặp nhau có 2 lần nhưng lại có ấn tượng với nhau và yêu nhau lúc nào không hay, mặc dù biết trước yêu và lấy người lính hải quân là phải chấp nhận thiệt thòi. Đám cưới vừa xong, vợ chồng chưa quen hơi anh ấy phải ra biển đằng đẵng cả năm trời. Cả ngày bận rộn công việc nên không có thời gian để nhớ, để buồn nhưng cứ tối đến, một mình trong căn phòng trọ em lại thấy tủi thân. Buồn nhất là những lần có những việc cần tới bàn tay của người đàn ông nhưng nhìn đi nhìn lại chỉ thấy thui thủi một mình. Lúc đó chỉ cần một bờ vai của chồng để tựa vào san sẻ, nhưng rồi đành tự an ủi mình…”
2. Cưới nhau gần 14 năm, nhưng chị Nguyễn Thị Minh Nghĩa (quê Nam Định) và chồng – trung úy Hoàng Xuân Trực (đang công tác tại tàu cảnh sát biển 9002, hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2) không có bao nhiêu thời gian bên nhau. Chị Nghĩa không nhớ mình bao lần tiễn chồng đi biển, bao lần cô đơn trào nước mắt. Buồn nhất là khi Tết đến. Anh vô đơn vị gần 14 năm nhưng chỉ ăn Tết ở nhà có 2 lần. Chị phải làm quen với việc đón Tết không có anh. “Đêm 30 Tết năm nay, anh gọi điện về trò chuyện với con và động viên tôi. Có lúc giọng anh nghẹn lại. Tôi biết là ở ngoài kia, anh cũng đang rất nhớ vợ con”, chị Nghĩa kể.
Vốn gia đình hai bên hoàn cảnh chẳng khá giả gì, nhà chồng lại neo đơn nên những ngày anh Trực đi làm nhiệm vụ, một mình chị Nghĩa vừa làm cha, làm mẹ, vừa quán xuyến mọi việc trong nhà. Ngoài đi dạy ở trường chị còn lo cấy thêm mấy sào ruộng để có thêm khoản tiền chi tiêu. Mâm cơm đạm bạc của mấy mẹ con chị hiếm khi có mặt anh. Nhiều lúc thằng cu lớn cứ hỏi sao bố đi lâu thế không về làm chị thấy thương con vô cùng. Có những đêm mưa tầm tã, mấy mẹ con ôm nhau co ro trong phòng. Những lúc như thế chị lại thương anh vô cùng, vì ngoài kia, giữa trùng khơi, đang giông bão bất thường…
3. Cưới nhau chưa được bao lâu chị Nguyễn Thị Hiền vợ trung úy Trần Thế Anh (đang công tác tại lữ đoàn 162, Vùng 4, Hải quân) phải tiễn chồng vô đơn vị, chị ở nhà thay anh gánh vác gia đình, tần tảo với ruộng đồng. Con gái ở quê khỏe như trâu vâm nên chị chẳng nề hà gì. Khi chị có bầu đứa đầu, bụng to vượt mặt mà đi cấy lúa băng băng. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, vì nhớ chồng nên chị Hiền quyết định bồng con từ Thái Bình vào Khánh Hòa sinh sống.
“Thời gian đầu vất vả không sao kể hết. Mặc dù chuyển vào gần chồng nhưng anh ấy đi công tác suốt ít khi có nhà, một thân một mình phải buôn gánh bán bưng kiếm tiền lo từng bữa chợ. Cả gia đình dựa vào đồng lương lính của anh nên cứ chật vật mãi. Nhờ đơn vị cấp cho miếng đất, người anh họ cho vật liệu nên vợ chồng mới xây tạm được một căn nhà cấp 4 che nắng che mưa, cuộc sống cũng dần ổn định”.
Nhưng cuộc đời thật biết trêu ngươi, năm 2013, con gái thứ hai của anh chị là cháu Trần Thị Thúy Kiều, sinh năm 2006 mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Đó là bệnh LuPus di căn hay còn gọi là nhiễm trùng máu. Đến giờ não của cháu đã bị teo, mọi bộ phận bên trong cơ thể bị tổn thương. Điều đặc biệt hơn là cháu không thể nhận máu của người khác mà phải là máu nguyên chất của bệnh viện mới đáp ứng được với cơ thể cháu.“Cháu mắc căn bệnh này đã 2 năm rồi nhưng 3 tháng gần đây bệnh phát nặng nên tôi phải đưa cháu vào bệnh viện Nhi Đồng 2 để điều trị. Nhìn con đau đớn, chống chọi với bệnh tật thân tôi chỉ mong có một phép nhiệm màu. Những lúc nghe cháu hỏi: Mẹ ơi sao con không được khỏe mạnh giống như các bạn? Mẹ ơi, con nhớ bố, nhớ chị, con muốn về nhà là lòng tôi như có ngàn vết dao cứa… Vừa rồi anh được nghỉ phép về thăm con, suốt ngày ở bên con, chẳng chịu nghỉ ngơi nhưng giờ anh phải vào lại đơn vị rồi”, chị rưng rưng nói…
Đây chỉ là 3 câu chuyện trong hàng ngàn câu chuyện ở hậu phương. Có những khổ đau, mất mát lớn hơn cả nỗi nhớ thương, cách trở nhưng biết làm sao khi vợ lính biển là phải mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và giỏi chịu đựng hơn những phụ nữ khác… Họ hiểu những hiểm nguy, nhọc nhằn ngoài khơi xa để luôn cố gắng là hậu phương vững chắc của các anh, như lời chị Nghĩa, “Tôi nghĩ ở đất liền khó khăn thiếu thốn cũng chẳng thấm gì so với các anh đang bám biển. Những lúc khó khăn nhất, tôi lại nghĩ đến tình yêu của anh ấy dành cho mẹ con tôi, thế là vượt qua, thế là đủ rồi”.
Lê Tuyền (Phụ Nữ Ngày Nay)