Cánh chim bay về cuối trời

Chị tự nhận mình không rành tiếng Việt. Chị cất tiếng hát và dặn tôi hãy lắng nghe thật kỹ câu từ. Tôi mê man lắng đọng với những khúc nhạc của chị, nó xoáy vào hồn, đọng mãi trong tim. Chị nói, chị cười rồi chị hát, hồn nhiên như một tâm hồn trẻ thơ. Nhạc của chị được chiết xuất từ nội tâm, từ sự tinh tế và nhạy cảm với cuộc sống… Nhưng ở bài viết này, tôi không đề cập đến âm nhạc của chị.

Đừng tìm đâu xa, cứ tới quê hương mình mà làm

Chị có ánh mắt biết cười, làm cho người đối diện có một sự nhẹ nhõm, thoải mái. Khuôn mặt tươi tắn, chị trẻ hơn nhiều so với tuổi. Đó là sự chấm phá không lẫn vào đâu được, tạo nên một Nguyễn Thị Lệ Hằng khác biệt. Nửa đời người xa xứ sở, tận sâu trong tâm thức, chị luôn đau đáu hướng về cố hương. Ở nước Mỹ xa xôi, khi giá lạnh tràn về, thì nỗi nhớ càng cồn cào, da diết, xé nát tâm can. Và chị đã trở về Việt Nam, mang theo một trái tim đau và nỗi niềm trăn trở với thời cuộc. Điều đơn giản nhất chị nghĩ, đừng tìm đâu xa, cứ tới quê hương mình mà làm.

Vậy là chị đi, chị làm. Hơn 10 năm trước, chị bắt tay vào xây dựng thư viện ở một ngôi trường nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh). Chị đi tìm mua một số đầu sách, báo, bút vở cho các em học sinh có thêm tư liệu học tập. Trước cửa thư viện, chị đặt hai cái bồn rửa tay với mong muốn các em nhỏ có ý thức sống sạch sẽ và thói quen rửa tay trước khi cầm nắm một thứ gì đó. Với những đứa trẻ xuất thân đặc biệt như vậy, nhiều em chưa biết con chữ tròn méo ra sao, nên đầu sách trong thư viện cũng phải đặc biệt. Đó là những loại sách truyện tranh đầy hình ảnh, có sức lôi cuốn.

thumb_660_20-canhchim-154-1

Nụ cười của chị luôn khiến các cụ già tươi như trẻ thơ

Từ niềm đam mê, thích thú với sách, sẽ tạo ra thói quen đọc sách mỗi ngày với những đứa trẻ này. Đến nay, nhiều em trong mái trường ngày xưa đã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trở thành những người có ích cho xã hội, họ luôn nhắc về người “cho thư viện” với niềm biết ơn sâu thẳm. Chị còn thông qua quỹ khuyến học thành phố trao tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Trong sâu thẳm suy nghĩ, chị không muốn hô hào phô trương, cũng không cần ai biết đến việc làm của mình. Bởi chị làm từ cái tâm, khi tâm cảm thấy an nhiên, lòng thanh thản, con tim mình hạnh phúc là quá đủ rồi.

Chị đi và về giữa hai bán cầu như con thoi. Sau những cuộc trường chinh trên thương trường, chị quyết định trở về định cư ở Việt Nam, gác hẳn việc kiếm tiền, để lại cuốn mình đi mải miết theo những công trình nhân tâm trên khắp mọi miền đất nước. Chị cùng nhóm từ thiện đi tới những vùng miền xa xôi hẻo lánh nhất của Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Càng đi, Lệ Hằng càng khóc, đó là giọt nước mắt của tình thương về nỗi đau nghèo đói.

Những con người chân đất, áo rách cuốn lấy chị, cười vui hạnh phúc khi được nhận một món quà gì đó. Những cụ già cả đời không bước chân ra ra khỏi con dốc của bản, cả đời không biết đến phố thị văn minh, tiếng Kinh không biết nói, thế mà họ cười tươi như ngày Tết khi thấy Lệ Hằng về bản. Chị biểu lộ tình cảm bằng nụ cười và những cử chỉ vô cùng đáng yêu, chị nựng má cụ già, hấp háy ánh mắt, hứng chí lên chị nhảy và hát cho họ nghe.

thumb_660_20-canhchim-154-2

Không có khoảng cách giữa chị và đồng bào dân tộc vùng cao.

Tình người đã kéo họ gần nhau hơn, khoảng cách về ngôn ngữ đã không còn quan trọng nữa. Chị kể rằng, mỗi chuyến đi cho chị thêm sức mạnh để làm những việc còn trăn trở. Ấn tượng về nơi đến không phải là cung đường cheo leo trắc trở, lội suối băng rừng, mà là những gương mặt em thơ đói cơm cắp sách đến trường, là những cụ già áo rách vai, quần rách đũng. Chị sợ mình khóc nhiều quá sẽ không còn sức lực mà đi tiếp nên chị cố cười, cười thật nhiều với họ, đùa vui thật sôi động để chị quên đi cảm xúc và để họ quên đi đói nghèo.

Mỗi nơi chị đến và đi luôn có những điều đọng lại. Chị tỉ mẩn ghi chép vào trong cuốn sổ nhỏ, giờ thì cuốn sổ ấy như một tài sản quý giá của chị. Chị bảo bản thân rất nhạy cảm, nên khổ. Biết nhiều quá, hiểu sâu quá làm con người chị lúc nào cũng quay cuồng, vần vũ, chẳng có thời gian ngơi nghỉ.

Năm 2016, nhóm từ thiện của chị lên kế hoạch xây dựng 20 thư viện cho các trường học vùng sâu, vùng xa. Mỗi thư viện sẽ được trang bị máy tính, bồn rửa tay, dụng cụ học tập, sách vở… có giá trị từ 70 đến 200 triệu đồng. Hiện nay, một số thư viện đã hoàn thiện về cơ sở vật chất và đã đưa sách về. Vì nguồn sách có hạn, nên sẽ phải xoay vòng, đảm bảo tất cả những ngôi trường có thư viện trong quỹ Open Arms sẽ có sách đầy đủ cho học sinh.

Bàn tay gói trọn cuộc đời

Dù đi đâu, làm gì, tình cảm của chị dành cho phụ nữ và trẻ em là trên hết. Chị thương phóng viên nữ. Ngày xưa chị từng rất nhiều lần chứng kiến cảnh phóng viên nữ Việt Nam tác nghiệp trong các sự kiện lớn. Họ không thua kém phóng viên nước ngoài về cái đầu, nhưng họ thua kém về hình thể, về sức vóc. Họ len lỏi bằng mọi giá để chụp hình, ghi chép tư liệu. Nắng mưa mặc kệ, họ vẫn băng mình theo đuổi sự kiện, chị thương lắm và khâm phục nữa. Nước mắt và nụ cười luôn hiện hữu, song họ vẫn chắt chiu để cho ra đời những con chữ mang hơi thở cuộc sống.

thumb_660_20-canhchim-154-3

Đầu năm 2016, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng cùng nhóm từ thiện chính thức khởi động quỹ Open Arms dành cho phóng viên nữ.

Chị hiểu rằng, nghề nào cũng phải đổ mồ hôi, cũng bầm dập để tồn tại nhưng đối với nghề phóng viên, giọt mồ hôi chảy ngược vào trong, ít ai thấy được điều đó. Đêm về, khi đã lo xong chuyện gia đình, họ lại cặm cụi lao động trên bàn phím. Suy nghĩ mãi, chị cùng nhóm từ thiện quyết định mở rộng quỹ Open Arms dành cho phóng viên nữ nhằm tiếp sức cho chị em trên con đường đi tìm công lý và lẽ phải cho xã hội. Tất cả chị em phóng viên nữ gặp khó khăn về phương tiện tác nghiệp hoặc có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được hỗ trợ. Đồng thời sẽ trao những suất học bổng cho các chị em phóng viên trẻ muốn học tập nâng cao tay nghề.

Ngoài những dự án đã và đang thực hiện, Nguyễn Thị Lệ Hằng vẫn còn rất nhiều trăn trở. Tuy không nói ra, nhưng nhìn ánh mắt của chị, ai cũng hiểu được. Hôm rồi xem truyền hình, thấy người ta quay câu chuyện sáng chế máy lọc nước ngọt từ nước mặn của hai thầy trò trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), chị rất xúc động và khâm phục.

thumb_660_20-canhchim-154-4

Sau những chuyến đi dài, chị Lệ Hằng lại lắng mình với âm nhạc.

Trong hoàn cảnh vùng quê đang bị xâm nhập mặn nghiêm trọng, người dân không đủ nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn thì xuất hiện những “người hùng” đã và đang làm tất cả giúp sức quê hương, chị muốn làm điều gì đó để tiếp lửa cho họ. Nói rồi, chị bảo: “Mình sẽ tự tìm hiểu xem thực hư thế nào. Vì tình cảm cho đi, chỉ ý nghĩa khi đặt đúng người, đúng chỗ”.

Nguyễn Thị Lệ Hằng là thế, phong ba bão táp đến và đi, để lại một cuộc đời lênh đênh, mòn mỏi với thời gian. Ai từng gặp và tiếp xúc với chị đều nhận ra trong hình hài của người phụ nữ có nụ cười yêu đời, yêu gió, yêu trăng là một tâm hồn nhạy cảm và rung động mãnh liệt ở cả hai thế giới.

Ngọc Thiện

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN