Nếu bạn phát hiện trẻ cứ bám dính lấy mình thì hãy cảnh giác, rất có thể trẻ nhà bạn đang đến thời kỳ “sợ hãi phân ly”.
- 8 bí quyết dạy trẻ 2 tuổi biết nghe lời
- Chăm sóc trẻ: Bé ít uống sữa từ ngày tập đánh răng
- Chăm sóc trẻ: Đoán ý bé qua biểu cảm trên mặt
- Thời gian xuất hiện chứng sợ hãi phân ly
Khi trẻ khoảng một tuổi có thể sẽ xuất hiện tình trạng không rời khỏi người chăm sóc chủ yếu trong gia đình. Đây chính là chứng sợ hãi phân ly. Thời kỳ này ở một số trẻ có thể sớm hơn, khoảng tháng thứ 8-10. Khi trẻ học bò, phạm vi hoạt động rộng hơn, hay khi không nhìn thấy người chăm sóc mình bên cạnh sẽ bắt đầu có hiện tượng sợ hãi.
- Nguyên nhân dẫn đến chứng sợ hãi phân ly
Trẻ một tuổi, động tác phát triển và các năng lực càng tiến bộ hơn, phạm vi hoạt động cũng mở rộng ra, thậm chí trẻ sẽ tìm tòi khám phá khắp nơi. Tuy nhiên, lúc này sự phát triển trí năng và tâm lý vẫn chưa thành thục, cùng với những mối quan hệ mang tính “dựa dẫm” người lớn khiến trẻ bám lấy người chăm sóc không rời. Khi người lớn đi khỏi, trẻ không biết họ có quay lại không nên rất dễ sinh ra nghi vấn rằng “Có phải mình bị bỏ rơi rồi không?”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cảm giác hoang mang.
Ngoài yếu tố tuổi tác và phát triển, khi mẹ sinh em bé, sự chú ý của mẹ sẽ chuyển từ trẻ sang đứa em nhỏ này, lúc đó trẻ cũng có khuynh hướng sợ hãi phân ly. Ngoài ra, khi vừa bước vào nhà trẻ hay môi trường mới, trẻ cũng có tâm lý hồi hộp lo lắng tương tự.
- Sợ hãi phân ly là một quá trình trưởng thành bình thường
Thông thường đến khi trẻ đủ 3 tuổi trở lên thì sự phát triển tâm lý càng thành thục, quá trình xã hội hóa và thói quen vắng người chăm sóc cũng nhiều hơn, trẻ sẽ dần dần không còn mắc vấn đề sợ hãi phân ly nữa. Vì thế, bạn cũng không cần quá khẩn trương. Chứng sợ hãi phân ly chỉ là một biểu hiện hành vi của thời kỳ chuyển tiếp ở bất kỳ đứa trẻ nào và nó không kéo dài mãi mãi. Điều đó cho thấy trẻ tin tưởng bạn. Trừ khi vấn đề này kéo dài đến khi trẻ hơn 5-6 tuổi thậm chí trở thành chướng ngại trong sinh hoạt thì mới cần sự can thiệp của bác sĩ.
- Biểu hiện hành vi của chứng sợ hãi phân ly
Khi trẻ lo lắng bất an và không muốn rời khỏi người lớn thường sẽ biểu hiện bằng cách quấy khóc, có một số trẻ sẽ ôm người lớn không để họ đi, hoặc trẻ sẽ chạy theo bạn. Đôi khi, ngay cả lúc bạn đi toilet, trẻ cũng đòi theo không rời dù chỉ một giây. Ban đêm thức giấc không thấy bạn, trẻ sẽ khóc thét và khó ngủ lại. Vì vậy, nhiều ông bố bà mẹ nghe con khóc cứ lo lắng mà ít khi để ý rằng có thể trẻ không nhìn thấy bạn nên sợ hãi.
- Làm sao cải thiện chứng sợ hãi phân ly
- Khi bạn muốn rời đi hãy nói cho trẻ biết lúc mấy giờ bạn sẽ đến đón trẻ. Nếu không thể nói thời gian chính xác, bạn cũng phải “hứa” rằng, “Một lát nữa mẹ sẽ đến đón con, con phải ngoan và nghe lời nhé”. Khi bạn đi mà không nói, trẻ sẽ rất hoang mang.
- Để trẻ dần thích nghi với việc xa người chăm sóc chính. Ví dụ lúc vừa đưa trẻ đi nhà trẻ, những ngày đầu có thể bạn sẽ phải ở bên cạnh, đợi đến khi trẻ bắt đầu thích ứng với môi trường mới và vui chơi thích thú, bạn hãy nói lời “bye bye” với trẻ. Khi trẻ đã có cảm giác tin tưởng với sinh hoạt xã hội thì có thể trẻ lại là người chủ động vui vẻ nói “bye bye” bạn đấy.
- Bạn có thể ở phía sau quan sát trẻ chơi đùa. Khi trẻ quay đầu lại xem bạn còn ở đó không, bạn có thể thử chuyển hướng sự chú ý của trẻ, ví dụ nói: “Con ngoan, con nhìn phía trước có gì kìa? Có phải con mèo không nào?”.
- Khi trẻ hoàn toàn thích nghi, bạn phải lập tức rời khỏi nếu như muốn đi làm việc khác, đừng vì trẻ còn khóc quấy mà do dự nấn ná ở lại, thậm chí còn bế trẻ lên.
- Nếu trẻ muốn theo bạn ngay cả vào trong toilet, bạn có thể để trẻ bên ngoài cửa và nói chuyện với trẻ, để trẻ nghe được giọng nói của bạn và cảm thấy được trấn an.
- Buổi tối ngủ, nếu trẻ khóc, bạn có thể ôm trẻ trước ngực, cho trẻ nghe được nhịp tim của bạn. Đừng xem thường việc này, nhịp tim đều và hơi ấm của bạn sẽ khiến trẻ rất an tâm. Đợi trẻ ngủ lại rồi bạn mới đặt trẻ trở lại nôi hay giường riêng.
Phụ Nữ Ngày Nay