Bột agar mà gian thương bơm vào tôm có hại như thế nào?

Một cơ sở kinh doanh ở Hà Nội bị bắt quả tang vào hôm nay, khi đang bơm tạp chất vào 8 kg tôm nguyên liệu.

Ngày hôm nay, 2/8, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh Lê Quang Long tại đường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), phát hiện hành vi bơm tạp chất để tăng trọng lượng và tôm sẽ tươi ngon hơn. Được biết, chủ kinh doanh đã thực hiện cách làm này khoảng 3-4 tháng nay.

tom

Chủ kinh doanh ở Hà Nội bị bắt quả tang khi bơm tạp chất agar vào tôm. Ảnh: Dân Việt.

Theo đó, đây là tạp chất agar (thạch rau câu). Từ vài năm gần đây, tạp chất này đã được các gian thương sử dụng để bơm vào tôm nhằm thu lợi nhuận. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là liệu loại bột này khi bơm vào tôm thì có gây hại gì đối với của người tiêu dùng hay không?
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học – Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN) thông tin:

Agar là bột thạch để làm thạch. Thực chất thì nó không độc nhưng lại được người ta sử dụng bơm vào tôm để làm giả. Thật ra agar không hề có tác dụng làm tôm tươi trở lại, mà do khi bơm vào thì tôm sẽ phồng, trông béo lên nên bắt mắt hơn.

Thạch thì rẻ, mà họ lại hòa tan thêm với nước và sẽ được lượng dung dịch rất lớn. Đối với bản thân con tôm, việc làm này không gây độc vì đó là thạch mà chúng ta ăn hằng ngày, chỉ là họ pha loãng ra thành dạng sền sệt để bơm chứ không phải dạng cứng như bình thường”.

Theo ông Côn, có nhiều loại chất khác có thể tăng trọng lượng tôm nhưng thường thì agar được sử dụng nhiều do giá thành rẻ. Đối với người ăn phải chúng thì cũng không độc hại.

Tuy nhiên, nếu là những con tôm chết, ươn, hỏng mà được bơm tạp chất để trông bắt mắt hơn rồi người tiêu dùng ăn phải thì ít nhiều cũng sẽ không có lợi cho sức khỏe. Liên hệ với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN), ông cũng đánh giá: Hành vi bơm agar vào tôm tuy không không gây độc hại nhưng đó là gian lận thương mại phải lên án, đó là việc làm lừa dối túi tiền của người tiêu dùng.

Lưu ý để nhận diện tôm bị bơm tạp chất:
– Theo những người có kinh nghiệm, loại tôm được chọn để bơm tạp chất chủ yếu là tôm sú.
– Con tôm cứng, thẳng đơ. Bình thường thì mình tôm phải mềm, cong.
– Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.
– Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.
– Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.
– Khi nấu, nếu là tôm bơm tạp chất thì sẽ chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.
– Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Theo Gia đình&Xã hội

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN