Tháng 9 tới đây, Hoàng tử bé George sẽ bắt đầu nhập học vào trường Thomas’s tại Battersea. Theo thông lệ, khi nhập học, George sẽ cần có một cái họ. Nhưng Hoàng tử George là dòng dõi trực tiếp của Nữ hoàng và đã được phong Hoàng tử nên có quyền không cần phải lấy họ nào cả.
Tuy vậy mọi người cũng đang rất hồi hộp, ngóng chờ xem Hoàng tử George sẽ được quyết định tiếp nhận họ nào: họ Mountbatten-Windsor chính thức của dòng tộc, hay họ Cambridge theo bố của mình, Hoàng tử William – Công tước xứ Cambridge.
Hoàng tử George.
Trên thực tế, những thành viên của Hoàng gia Anh đã quá nổi tiếng, không cần đến cái họ để xác định. Họ được biết đến với những tước danh là Nữ hoàng, Hoàng tử, Công chúa, Công tước, Công nương…
Gia đình hoàng gia Anh – ảnh internet.
Tuy nhiên, nếu người trong Hoàng gia bắt buộc cần dùng đến một cái họ để đăng ký kết hôn, nhập ngũ hay nhập học… họ sẽ có một vài sự lựa chọn cho cái họ của mình.
Trước năm 1917, thành viên Hoàng tộc Anh hoàn toàn không có họ và các vua chúa chỉ dùng tên Thánh cùng tước hiệu đời thứ bao nhiêu, tùy họ chọn như: Vua James I, II, Vua Henry V, VIII, Nữ hoàng Elizabeth I, II.
Vào năm 1917, khi đã lên ngôi được bảy năm, Vua George V quyết định đổi tên triều đại từ Saxe-Coburg-Gotha thành Windsor – tên một lâu đài thuộc sở hữu Hoàng gia Anh và cũng kể từ đó nó trở thành tên họ chính thức của gia đình nổi tiếng này.
Những người trong Hoàng gia cũng có thể dùng tên lãnh thổ của gia đình để thay thế. Chẳng hạn như Hoàng tử William và Hoàng tử Harry khi phục vụ trong quân đội đã dùng họ Wales, do bố hai người là Hoàng tử xứ Wales. Tương tự, các con gái của Công tước xứ York cũng mang tên Eugenie York và Beatrice York.
Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng tế Philip (Ảnh: Internet).
Ngoài ra, những hậu duệ trực tiếp của Nữ hoàng còn dùng họ Mountbatten-Windsor. Câu chuyện về cái họ này là một bước ngoặt vô cùng mới mẻ trong lịch sử Hoàng gia Anh, được ghép từ họ chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II và họ của chồng mình Philip Mountbatten.
Năm 1947, công chúa Elizabeth (cháu gái George V) kết hôn với Philip Mountbatten, cựu hoàng tử Hy Lạp và Đan Mạch. Để cưới được nàng Công chúa nước Anh, Philip đã phải từ bỏ danh hiệu hoàng tử Hy Lạp để chính thức trở thành một hoàng thân nước Anh. Bên cạnh đó, Philip còn phải chịu không ít điều tiếng và thái độ thiếu tôn trọng của nhiều người trong hoàng tộc.
Ánh mắt họ trao nhau vẫn đắm đuối và yêu thương như ngày nào (Ảnh: Internet).
Ở tuổi 30, Philip quyết định kết thúc sự nghiệp hải quân của mình để ở lại bên cạnh hỗ trợ vợ – người thừa kế ngai vàng. Đến năm 1953, Elizabeth lên ngôi nữ hoàng, Philip trở thành Hoàng tế, Công tước xứ Edinburgh. Kể từ đó đến nay, Hoàng tế Philip vẫn luôn là người đi sau Nữ hoàng trong tất cả những cuộc họp, những chuyến viếng thăm, những buổi diễn thuyết… Trong mọi vấn đề, Philip luôn phải đứng trong bóng tối, nhưng tất cả những điều đó không hề làm cho ông thấy phiền lòng.
Philip đã từng nói rằng: “Công việc đầu tiên, thứ hai và cuối cùng của tôi là không bao giờ làm cho Nữ hoàng thất vọng”. Đủ để biết ông trân trọng người vợ của mình, không chỉ với vai trò là một Nữ hoàng, mà còn là người bạn đời mà ông hết mực yêu thương.
Chỉ duy nhất có một lần Hoàng tế Philip nổi nóng vì một suy nghĩ đau đáu trong lòng, đó là tất cả những người con thuộc dòng dõi Hoàng gia đều mang tước hiệu hoặc dùng họ của Hoàng gia, là họ Windsor. Điều này cũng có nghĩa Philip là người đàn ông duy nhất tại nước Anh không được phép truyền họ cho các con mình.
Năm 1960, Nữ hoàng Elizabeth II đã yêu cầu một sự thay đổi để tôn vinh người đàn ông suốt bao năm kiên nhẫn và âm thầm bên cạnh ủng hộ mình. Một sắc lệnh được ban ra, cho phép hậu duệ của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip sẽ mang họ Mountbatten-Windsor của Philip, trừ Hoàng tử và Công chúa bình thường không cần sử dụng họ, nhưng có thể lấy họ Mountbatten-Windsor bất cứ khi nào cần thiết. Công chúa Anne – con gái Nữ hoàng cũng sử dụng tên họ này trên giấy chứng nhận kết hôn của mình vào năm 1973.
Theo Thời Đại/Afamily