Câu chuyện cảm động về người đàn ông “nuôi con con bằng sữa mẹ” cách nay hơn 4 năm đã từng nhận được sự đồng cảm của nhiều người.
Người đàn ông đó chính là Trình Tuấn (33 tuổi, quê ở Nghệ An), hiện đang sinh sống tại TP.HCM. Anh cũng là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, và là cựu vô địch cuộc thi “Robocon Châu Á – Thái Bình Dương” năm 2006.
Hạnh phúc vụt tay
Anh Trình Tuấn và người vợ quá cố của mình (chị Nguyễn Thị Phượng) quen nhau từ khi còn là sinh viên. Mà theo lời Trình Tuấn, thoạt đầu cả 2 hai đều “không ưa” nhau, thậm chí chẳng có cảm tình gì với nhau.
“Khi tôi sửa máy tính giúp một bạn nữ (cùng thuê trọ với chị Phượng), cặm cụi đến 12 giờ đêm vẫn chưa xong. Lúc đó, Phượng trách rằng, “đã nửa đêm rồi mà còn không về, ở lại phòng con gái làm gì?”. Tôi thật sự không có thiện cảm với Phượng sau lần đó. Nhưng qua thời gian, có cơ hội trò chuyện, tôi và Phượng dần hiểu và cảm thấy hợp nhau”, Trình Tuấn nói.
Cả hai sau đó đi đến hôn nhân. Không lâu sau Chị Phượng sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Kim Yến Nhi (tên thường gọi ở nhà là Ủn). Niềm vui chưa trọn, 10 ngày sau sinh bé Ủn, chị Phượng bị băng huyết, phải nhập viện.
Bệnh tình chị Phượng dần trở nặng. “Khi tôi vào viện, thấy vợ mở mắt, không nói được mà nước mắt cứ chảy. Lúc đó tôi mới bừng tĩnh, như mình sắp mất mát đi một điều gì đó to lớn lắm”, anh Trình Tuấn chia sẻ.
“Từ khi có Ủn, tôi dành tình thương yêu hết cho con, chụp hình Ủn quá trời, nhưng lại không chụp hình Phượng. Tôi cảm thấy nhói lòng và cảm thấy có lỗi với vợ”, Trình Tuấn nói thêm. Ủn từ đó, phải sống trong vòng tay của cha.
2 năm rưỡi, Ủn chưa hề bỏ cử sữa nào
Sau khi vợ mất, Trình Tuấn tự hứa với bản thân sẽ làm tất cả những điều tốt đẹp cho con, trong đó có việc: anh muốn nuôi Ủn bằng sữa mẹ. Và cũng kể từ đó, hằng ngày Trình Tuấn một mặt tự tắm rửa, chăm sóc cho bé Ủn, một mặt tự đi tìm xin sữa của những người mẹ khác về cho Ủn.
Ủn được bú sữa của hơn 10 người mẹ không quen biết trong suốt 2,5 năm trời. Đó cũng là quảng thời gian đầy thăng trầm nhưng cũng đầy thú vị và hạnh phúc của người “cha đơn thân” Trình Tuấn. Và cũng trong ngần ấy thời gian, Ủn cũng chưa bao giờ bỏ một cử sữa nào.
Đặc biệt, có những hôm Ủn hết sữa, Trình Tuấn phải từ Q. Tân Phú dầm mưa chạy xe máy qua Q.9 (hơn 20 cây số) lấy sữa về cho con. Và chính từ câu chuyện của mình, anh từng xuất bản quyển sách “Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ” được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Xuất phát từ câu chuyện của chính mình, anh Trình Tuấn lập ra “Ngân hàng sữa mẹ” hoạt động trên Facebook. Từ chỉ một vài thành viên ban đầu, đến nay “Ngân hàng sữa mẹ” đã có 34.000 thành viên ở khắp các vùng miền trong nước.
“Ngân hàng này hoạt động bằng cách đăng thông tin những bà mẹ thiếu và thừa sữa, rồi kết nối họ lại với nhau (ở gần khu vực địa lý). Đồng thời, “ngân hàng” còn hỗ trợ các thông tin lấy sữa, vận chuyển và bảo quản an toàn, vệ sinh”, anh Trình Tuấn cho biết.
Và Ủn đã có… mẹ
Sau khi chị Phượng mất, anh Trình Tuấn từng nghĩ mình sẽ không còn yêu ai được nữa. “Có lần đưa Ủn về quê ngoại chơi, ngoại Ủn khóc vì thấy thương tôi thân “gà trống nuôi con”, bà khuyên tôi nên đi thêm “bước nữa”. Nhưng tôi nghĩ, chắc sẽ không thể kết hôn được một lần nữa”, anh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ ngoại Ủn, mà rất nhiều bà mẹ trên các diễn đàn mạng khi đó cũng khuyên Trình Tuấn nên “tìm mẹ mới cho Ủn”.
Thời gian cứ trôi, và rồi “nhân duyên” cũng đến với Trình Tuấn. Hiện tại, anh đã “bước thêm bước nữa”, và Ủn cũng đã có mẹ mới thương yêu. Nói về người vợ hiện tại, Trình Tuấn cho biết: “Ma Mi ủn (Trình Tuấn gọi người vợ hiện tại là Ma Mi của Ủn) trước đây biết Ủn trước. Cô ấy ban đầu tìm đến thăm, chăm sóc cho Ủn. Nghĩa là thông qua Ủn, tôi với Ma Mi Ủn mới đến với nhau”.
Cũng theo anh Trình Tuấn, người vợ hiện tại đã đỡ đần cho anh rất nhiều trong viêc chăm sóc bé Ủn. Và chuyện anh đến với Ma Mi của Ủn không phải để khỏa lấp chỗ trống của mẹ Phượng, mà cả hai cảm thấy hòa hợp, có để tạo dựng được một gia đình hạnh phúc.
“Hàng năm Mami của Ủn đều lo giỗ cho mẹ Phượng”, anh Trình Tuấn nói.
Theo Thanh Niên