Lặn lội đoạn đường xa, phải hỏi đường mấy lần, tôi mới tìm được nhà dì Năm Phú – người dì của cô bảo mẫu tôi quen thân bên Mỹ. Dì Năm nhận tiền, nhận gói quà cô cháu ở xa gửi về, tự hào khoe căn nhà do tiền cô cháu gái gửi về, khoe chiếc xe máy dựng trước hiên cũng nhờ tụi nhỏ cho…
Tôi chợt ngẩn người, không biết trả lời sao khi dì hỏi chừng nào Châu – tên cô bảo mẫu – về thăm quê. Cũng mấy năm rồi nó chưa về chơi.
Tôi biết Châu khi tìm người chăm sóc cô con gái 4 tuổi sau giờ học. Do bé đi học lúc 9 giờ sáng và về lúc 2 giờ chiều. Với mức giá chung 2 đô/ buổi, các bé được chơi, ăn tại nhà bảo mẫu đến 6 giờ thì ba mẹ đến đón về. Được vậy là nhờ nhà nước có trợ cấp cho các nhà giữ trẻ nên phụ huynh hoàn toàn không cần lo lắng. Ở đây, muốn làm bảo mẫu tại nhà phải học và thi lấy chứng chỉ, rồi cơ quan chức năng đến kiểm tra nhà có đủ an toàn cho trẻ không. Châu kể: “Ngày trước là 8 đô/buổi lận nhưng người Việt với người Hoa cứ hạ giá dần để dành khách. Cao hơn thì người ta không nhờ mình, mà thấp nữa thì coi như mình làm không công. Nên lấy số đông bù qua sớt lại cũng tạm sống được”.
Châu ít về quê một phần vì… tốn tiền quá. Cứ mỗi lần về, ngoài quà cáp, còn đủ thứ tiền biếu bà con, hàng xóm. Rồi cả quà Việt Nam đem qua Mỹ nữa. Dù rằng cứ mỗi lần bên nhà gọi sang, cô lại lo gửi về ít thì vài trăm đô, nhiều thì cũng chục. Người ta cần mà mình mang tiếng ở đây mấy năm không gửi về phụ giúp coi sao được. Nhưng lý do chính Châu ít về quê vì sợ mất khách. Mỗi lần về cùng 2 tuần, nửa tháng, phụ huynh mang con gửi chỗ khác hết!
Vân – một cô bạn người Việt khác tôi quen làm nghề nail. Tiệm nail của cô cách siêu thị nơi tôi làm có 5 phút đi bộ. Sau này thân rồi, Vân kể cô kết hôn qua môi giới, được thời gian thì “đối tác” trở mặt. Cô cù bơ cu bất, sợ hãi bị trục xuất. May mà chủ tiệm nail này, hên sao lại cùng quê, cưu mang cho cô ở nhờ, hướng dẫn cô mọi việc từ thi lái xe đến lấy bằng nghề, từ vay tiền mua nhà đến se duyên cho cô. Bởi cái tình đó, nên giờ đủ khả năng mở tiệm riêng cô cũng gắn với cái tiệm nhỏ này.
Chủ tiệm nail là một phụ nữ lanh lẹ và có duyên, dù qua tuổi 40 nhưng rất thu hút. Vậy mà cô vẫn lẻ bóng. Gần đây, thường thấy hai cậu thanh niên chừng 17-18 tuổi hay ghé tiệm. Ra là 2 đứa cháu, “ở bên Việt Nam quậy quá, ham chơi, không lo học nên tui làm giấy tờ bảo lãnh nó qua đây đi học đó” – cô xởi lởi trả lời. Nuôi 1 đứa ăn học ở đây đã nhọc, đằng này bà cô thiệt tốt bụng khi lo một lúc 2 đứa. Mấy năm trước, tôi biết cô chủ còn nuôi 2 người em ăn học thành tài suốt mấy năm ròng. Giờ người về Việt Nam lập công ty, người lấy chồng chuyển qua bang khác. Mấy cô thợ trong tiệm hay trêu bà chủ bằng cách thỉnh thoảng lại ca bài “Chị tôi”.
Mấy cô thợ ở cái tiệm này là khách quen của siêu thị. “Làm cực quá nên phải biết thưởng cho mình bằng cách đi mua sắm”. Mà mỗi lần mua, cô nào cũng mua cả trăm thứ làm quà cho người ở quê. Công việc làm nail ngoài lấy đi của những phụ nữ này sức khỏe (do hóa chất của sơn móng tay, của bột đắp móng…) còn lấy đi của họ rất nhiều thời gian. Sáng 8 giờ phải có mặt ở tiệm, tối 7 giờ mới hết khách. Mỗi tháng thu nhập khoảng 2.000$, chưa tính tiền khách cho thêm. Khoản tiền kiếm được này thường phải chi cho đủ loại hóa đơn. Vun vén khéo vẫn có một khoảng dư. Lâu lâu cả nhà lên xe lái đi đâu đó chơi, thăm bà con, người quen.
Vì lối sống như vậy, cái gì cũng tự lo nên mỗi lần về Việt Nam, tôi luôn thấy mình như bà hoàng. Làm gì có chuyện nằm ngửa ra gội đầu, massage chỉ tốn có vài chục nghìn. Bữa sáng bước chân ra đường là bao nhiêu đồ ngon, không cần phải cặm cụi nấu nướng rồi chia nhau mang theo ăn trưa. Ăn tối ở nhà hàng thì chỉ những dịp nào thật đặc biệt, chứ nhiều khi về nhà mệt dừ vẫn chui vào bếp nấu. Cũng hên con cái tự lo, không phải đánh vật với bài về nhà. Và hên nhất là mấy ông chồng bên này luôn làm việc nhà như là việc đương nhiên phải làm. Bởi vậy nên cô nào cũng ngại về Việt Nam lâu. “Đàn ông Việt quá sướng. Mấy ông này về kiểu gì cũng bị lôi kéo nhậu nhẹt, đi chơi rồi nghe mấy ông ở nhà nói tói nói lui chuyện lo chi mấy cái việc của đám đàn bà…”. Cũng có người về Việt Nam có bồ rồi ở lại luôn, bỏ vợ con bên Mỹ.
Cũng bởi cái suy nghĩ “Một người xuất ngoại, cả họ được nhờ” mà phụ nữ Việt tôi biết bên đây, ai cũng chăm chỉ đi làm, chắt chiu dành dụm, “để ở nhà cần gì gọi qua, mình có thể phụ giúp chút đỉnh. Chứ không coi sao đặng…”
Phải chi, những người ở nhà biết các cô qua xứ người cũng chăm chỉ cần cù, vất vả trăm bề…