Những trường hợp nào thì không nên cho đi du học sớm

Du học là một ước mơ của nhiều phụ huynh và các con vì nhiều lý do. Một phần vì giáo dục ở nước nhà chưa tạo đủ điều kiện để các em thực hành và áp dụng những gì trong sách vở, một phần vì mong muốn cơ hội được tiếp cận với giới trí thức hàng đầu thế giới, một phần nữa là vì ước mơ được sống và làm việc ở một môi trường tiên tiến sau này.

masterslide-home-slider

Phụ huynh có điều kiện có thể gửi con đi học nội trú từ năm cấp 1 hay cấp 2, nhưng sẽ xa con sớm và gần như là gửi gắm hoàn toàn sự giáo dục nhân cách và trí tuệ cho các thầy cô nước ngoài. Xu hướng hiện tại của phụ huynh có điều kiện thì cho con đi học từ năm lớp 9-10 để hưởng thụ nền giáo dục Trung Học đẳng cấp, làm bệ phóng để các con cạnh tranh tốt vào các trường Đại Học hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, phụ huynh cần hết sức tỉnh táo vì việc có nên cho con đi du học sớm hay không phụ thuộc rất nhiều vào đứa trẻ. Nếu các con rơi vào 4 trường hợp sau thì phụ huynh nên cân nhắc để các con học cấp 3 ở nhà.

  1. Chưa có khả năng tự học:

Mặc dù các thầy cô ở nước ngoài tận tình, nhưng cũng không thể kèm cặp du học sinh thường xuyên như các thầy cô dạy thêm ở Việt Nam. Ngoài ra, chương trình học ở nước ngoài đòi hỏi đọc viết nhiều, có khi về những chủ đề không có dạy trong lớp. Vì thế nếu quan sát thấy con phụ thuộc nhiều vào thầy cô, không có khả năng tự tìm sách và tài liệu để ôn tập hoặc tìm tòi kiến thức mới, thì nên rèn luyện cho con kỹ năng tự học trước khi cho con đi du học.

  1. Chưa có sự tự giác:

Ký túc xá sẽ có những thầy cô quản lý, nhưng họ không chăm sóc bạn như cha mẹ. Quy định của ký túc xá là các con sẽ ngồi vào bàn học khoảng 2-3 giờ mỗi tối trong tuần. Nhưng ngoài thời gian đó, các con mê chơi games hoặc làm những việc lãng phí thời gian khác thì các thầy cô gần như không biết (cho đến khi điểm học của bạn sa sút). Cha mẹ là người hiểu con mình nhất, nên nếu cảm thấy con mình lúc nào cũng phải nhắc nhở mới chịu làm việc nhà hay làm bài tập về nhà, thì tốt nhất là để con ở nhà một thời gian để rèn luyện những thói quen này trước.

  1. Chưa có đủ trình độ Tiếng Anh:

Các con sẽ học cùng lớp với các bạn teen người bản xứ có phong cách phát biểu rất tự do, đôi khi không cần phải giơ tay. Họ cũng đã đọc rất nhiều sách tiếng Anh trong quá trình học cấp 1 và cấp 2. Nếu TOEFL chưa đạt 80, IELTS chưa đạt 6.5 thì chắc chắn không thể hòa nhập vào lớp học một cách uyển chuyển được. Bên cạnh đó, phụ huynh cần nhận thức được rằng các bài thi chuẩn hóa không bảo đảm là các con sẽ học tốt ở nước ngoài, vì các con còn cần phải rèn luyện kỹ năng nói và viết học thuật, cũng như kỹ năng đọc sách dài trang.

  1. Chưa có đủ nguồn lực tài chính:

Khi lên kế hoạch du học Trung Học, phụ huynh cần cộng thêm 4 năm Đại Học nữa. Dồn nhiều tài chính cho Trung Học và hy vọng lên Đại Học sẽ được hỗ trợ tài chính là một quyết định không hợp lý. Nếu vì không đủ tiền tiếp tục học ở Mỹ mà phải qua các nước khác (hoặc về nước) để học Đại Học thì sẽ ảnh hưởng lớn đến con đường học vấn của con. Trung bình một năm du học (nếu có hỗ trợ tài chính) phụ huynh sẽ phải để dành khoảng 30,000-40,000 USD. Nếu tài chính không ổn định, phụ huynh nên cân nhắc để dành tiền cho con đi học Đại Học sau này thay vì cho con đi học sớm.

1

KHI CON ĐI DU HỌC SỚM CẦN DẠY CHO CON ĐIỀU GÌ? CHIA SẺ TỪ CÂU CHUYỆN CÁ NHÂN

Đối với các con có khả năng tự học tốt, có tinh thần tự giáo cao, có trình độ Tiếng Anh vừa đủ để học cùng các bạn bản xứ và gia đình có sự chuẩn bị lâu dài về tài chính, thì có thể tự tin cho con đi du học. Trước khi cho con đi, phụ huynh cần dạy con 3 để con biết xoay sở khi đi du học:

  1. Con sẽ đặt niềm tin vào ai?

Bạn bè mới, con có được chia sẻ những điểm yếu của mình, mà không sợ bị nói xấu sau lưng. Người lớn, ngoài thầy cô ra, thì có đáng để con tin tưởng chơi thân hay không. Nếu bị cám dỗ, ai sẽ ở đó mà bảo vệ con? Ngày xưa có vài người bạn của tôi khi đi du học cũng từng gặp gỡ những người bán hàng đa cấp. Nhìn chung là các con ở trong môi trường học thuật thì cũng khá an toàn, nhưng các con phải biết quản lý tiền bạc, tài sản của mình, cũng như bảo mật thông tin cá nhân để không bị lạm dụng.

  1. Con sẽ gọi cho ai khi gặp khó khăn?

Ngày xưa, khi đi du học ở Singapore năm 16 tuổi, tôi bị bỏ rơi một mình ở tàu điện ngầm mà không có tiền, tôi không biết phải gọi cho ai. Nếu không nhờ người lạ cho đủ 45 xu để có một chuyến đi từ Orchard về Bishan, chắc mình ngủ lại ở ga tàu điện. Ở Singapore thì an toàn, chứ ở nước khác mà lạc một mình lỡ có chuyện gì thì thiên thần hộ mệnh sẽ bay từ đâu ra? Phụ huynh có thể dạy cho con cách làm bạn với nhiều người, từ thầy cô bạn cùng lớp, cho đến bác bảo vệ, cô lao công, hay các đầu bếp phục vụ ở nhà ăn. Mỗi người con thân đều có thể trợ giúp cho con trong những lúc khó khăn.

  1. Con sẽ làm gì khi bị ốm nặng?

Ai sẽ nấu cháo cho con? Ai sẽ đặt khăn ướt lên trán con? Ngày xưa, có một lần vào bệnh viện ở Singapore một mình để chụp hình vì bác sĩ chuẩn đoán nhầm là bị khối u trong thận, tôi đã vô cùng hoang mang, tưởng sẽ chết một mình ở nơi đất khách. Những lúc như vậy tôi cảm thấy cần gia đình biết bao. Phụ huynh cần tiếp tục duy trì sợi dây kết nối, vì thực ra càng xa nhà, các con càng cần sự quan tâm của cha mẹ hơn. Các con phải chia sẻ thoải mái những vui buồn gặp phải ở nước ngoài để cha mẹ hiểu và có thể giúp đỡ hoặc can thiệp kịp thời.

DSC_0789

Trương Phạm Hoài Chung nhận học bổng toàn phần ASEAN để học trung học tại Singapore, sau đó anh tiếp tục nhận được học bổng toàn phần của Đại Học Williams, USA. Sau một thời gian công tác ở lĩnh vực giáo dục và du học, anh đã hoàn thành chương trình Thạc Sĩ Chính Sách và Quản Lý Giáo Dục của Đại học Harvard, USA và là tác giả quyển sách vừa phát hành “Nhật ký 300 ngày ở Harvard – Học để thay đổi thế giới”. Anh hiện làm quản lý tại Công Ty Tư Vấn Du Học Stella, một mô hình định hướng sớm và toàn diện để giúp các bạn trẻ chinh phục ước mơ du học Mỹ.

Hoài Chung

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN