- Một phụ nữ mang thai tự nhiên 4 em bé hiếm gặp ở Quảng Bình
- Hành động khác thường của nhóm tìm hài cốt liệt sĩ
- Vụ án 2 thanh niên bị đâm chết: Các nạn nhân đều là con một
Xóm Lẩm thuộc thôn Phước Thạnh (xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành) là một trong những địa phương vùng sâu nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Làm ruộng nương không đủ ăn, người dân phải dựa vào những ngày công lên rừng chặt cây keo, làm thuê làm mướn đủ nghề. Gần một nửa trong số 24 hộ dân của xóm Lẩm nằm trong diện hộ nghèo nhưng 17 năm nay, cả xóm vẫn chung tay góp tiền làm nhà, nuôi dưỡng cho bà Phạm Thị Sòng (63 tuổi) bị bệnh tâm thần, không còn ai thân thích.
Ngôi nhà bà Sòng nằm giữa xóm Lẩm. Ảnh. VnExpress. |
Bà Sòng bị bệnh, song ngôi nhà nhỏ nằm giữa xóm vẫn ấm áp, suốt ngày rộn tiếng cười bởi sự quan tâm của hàng xóm. Họ bao bọc cho người đàn bà bất hạnh này như một người thân trong gia đình, thay phiên nhau nấu cơm rồi gánh nước, săn sóc. Khi ngôi nhà bị dột nát, cả xóm Lẩm quyên góp tiền để sửa nhà cho bà.
Đi họp ở UBND xã về, cũng như mọi ngày, ông Ngô Quang Vinh, Trưởng thôn Phước Thạnh lại tạt qua nhà bà Sòng để xem tình hình sức khỏe của bà rồi mới yên tâm về xuống đồng. Vị trưởng thôn cho hay, ông và bà Sòng vốn là bạn từ thuở nhỏ. Bà Sòng mất mẹ sớm, có một người chị gái lấy chồng ở miền Nam nhưng cuộc sống hiện tại cũng rất khó khăn. Cha mẹ bà Sòng vốn người ở vùng khác đến đây sinh sống. Khi cha mất, bà không còn ai thân thích bên cạnh nữa.
“Thời còn trẻ, bà ấy đẹp nức tiếng cả vùng, được rất nhiều thanh niên trong làng để ý. Nhưng có lẽ cái định mệnh hồng nhan bạc phận khi chỉ còn vài ngày nữa bà kết hôn thì chồng sắp cưới mất trong chiến tranh”, ông Vinh nhớ lại. Từ khi chồng chưa cưới mất, tính tình bà Sòng trở nên thay đổi, suốt ngày ở trong nhà, thỉnh thoảng lại ngồi nói chuyện lẩm bẩm một mình. Nhiều người muốn cưới bà làm vợ nhưng bà Sòng vẫn dứt khoát không chịu lấy chồng.
Giờ cơm, bà Sòng (ngồi giữa) không chịu ăn. Hàng xóm phải mất một lúc nói chuyện mới thuyết phục được. Ảnh. VnExpress. |
“Mỗi khi lên cơn, bà ấy thường gọi tên chồng chưa cưới đã mất của mình rồi lại ôm mặt khóc, trông tội nghiệp lắm”, bà Châu Thị Nở (62 tuổi) bạn từ thuở nhỏ với bà Sòng, kể. Năm 1992, khi cha bà Sòng, người thân duy nhất còn lại qua đời, bệnh tình của bà càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù vậy, hằng ngày bà vẫn ra đồng làm thuê làm mướn, tự lo cho bản thân trừ những lúc trái gió trở trời.
“Đầu năm 1998, mấy ngày liền không thấy bà Sòng ra đồng như mọi khi nên tôi đến thăm hỏi, phát hiện bà nằm lịm trên giường, đồ đạc bị vứt tung tóe. Đã 4 ngày không ăn uống, chân tay teo tóp nên bà không tự đi lại được. Bác sĩ chẩn đoán bà bị chứng tâm thần mãn tính”, bà Dương Thị Tuyết Hoa, vợ của trưởng thôn nói. Sau đó 3-4 ngày, bà Sòng lại lên cơn một lần, la hét, đập phá hết đồ đạc trong nhà.
Biết khó trở lại bình thường, cả xóm họp lại và thống nhất phân công nhau chăm sóc cho bà Sòng. Vị thôn trưởng lên lịch sẵn, hết người này chuyển đến người khác. Mỗi gia đình trước khi ăn cơm phải mang qua nhà bà Sòng một suất, bữa cơm thường đầy đủ thịt cá. Công việc này luân phiên nhau suốt 17 năm qua, chưa bao giờ bà Sòng bị bỏ đói.
Cứ vài ngày, chị em trong xóm đến tắm, gội đầu, giặt áo quần cho bà. Nước sinh hoạt, nước uống hằng ngày thì có các gia đình lận cận xách đến cho bà sử dụng. Chính quyền địa phương đưa bà vào bệnh viện tâm thần ở nhưng bà không chịu đi. Cũng có lần con cháu của chị gái bà Sòng ở Vũng Tàu về quê định đưa bà vào Nam để chăm sóc, nhưng bà nhất quyết ở lại.
Suốt nhiều năm nay, bà Sòng như thành viên của từng gia đình ở xóm Lẩm. Ảnh.VnExpress. |
Mỗi lần mưa bão, người dân trong xóm thay nhau tạt qua nhà bà kiểm tra, chằng chống rồi đón bà về nhà ở cho yên tâm. Nhà bà Sòng bị bão tàn phá, hàng xóm lại góp tiền lợp lại mái tôn cho bà. “Xóm Lẩm tuy nghèo nhưng việc chăm sóc, nuôi dưỡng bà Sòng thì đủ sức làm, không có gì to tát cả. Nhà mình ăn gì thì bà ăn nấy. Mỗi khi xóm có đám đình, chủ nhà có trách nhiệm để phần cho bà, suốt nhiều năm qua thành lệ rồi”, bà Bùi Thị Tuyết, hàng xóm bà Sòng, cười nói.
Theo VnExpress